Multimedia Đọc Báo in

Cảnh giác trước các luận điệu sai trái chung quanh việc xét xử vụ án khủng bố ở Đắk Lắk

09:28, 24/01/2024

Từ ngày 16 đến 20/1/2024, TAND tỉnh Đắk Lắk mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; khủng bố; tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; che giấu tội phạm” xảy ra ngày 11/6/2023 ở huyện Cư Kuin.

Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên án đối với 100 bị cáo trong vụ án. Trong đó: 53 bị cáo phạm tội “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”, 45 bị cáo phạm tội “Khủng bố”, 1 bị cáo phạm tội “Tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép” và 1 bị cáo phạm tội “Che giấu tội phạm”. Hội đồng xét xử đã tuyên xử phạt tù chung thân 10 bị cáo; xử phạt các bị cáo khác mức án từ 9 tháng tù đến 20 năm tù.

Đây là vụ án thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều người bởi tính chất manh động, liều lĩnh, vô nhân tính, bất chấp đạo lý và luật pháp của một số đối tượng cầm đầu. Vụ việc đã xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của cán bộ, người dân, phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

Trong thời gian xét xử, một số cơ quan truyền thông nước ngoài, như Đài Á Châu Tự Do, BBC News Tiếng Việt, RFI Tiếng Việt… đã đưa những thông tin xuyên tạc, cố tình bóp méo, suy diễn về vụ việc. Họ phỏng vấn, trích dẫn ý kiến từ một số đối tượng phản động lưu vong bên ngoài để chứng minh cho luận điệu “vụ việc tấn công trụ sở hai xã tại huyện Cư Kuin không phải là vụ khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân mà là sự phản kháng của người dân tộc bản địa Tây Nguyên chống lại áp bức của chính quyền”. Chúng bịa chuyện, đặt điều, cho rằng: “thời gian qua, chính quyền sử dụng lực lượng quân đội, công an để chèn ép người Thượng bản địa ở Tây Nguyên, không cho họ thực hiện quyền tự do tôn giáo và tìm mọi cách để chiếm đoạt đất đai của họ”; đưa chuyện “cưỡng chế triển khai dự án hệ thống nước khu trung tâm huyện Cư Kuin gây thiệt hại cho người Đềga”. Chúng rêu rao rằng “Tây Nguyên vốn là nơi diễn ra hành động phản kháng chính quyền, đặc biệt là chống chính sách trưng dụng đất đai”…

Đây là những thông tin xuyên tạc, vô căn cứ hòng tuyên truyền, bóp méo nguyên nhân, bản chất vụ việc để kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, dẫn dắt những người hoài nghi về nội dung, tính chất của vụ án.

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử vụ án “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; khủng bố; tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; che giấu tội phạm” xảy ra tại huyện Cư Kuin. Ảnh: TTXVN

Nhìn toàn diện vụ án, chúng ta có thể thấy:

Tại phiên tòa, các bị cáo, đặc biệt các đối tượng cầm đầu là Y Sôl Niê, H Wuễn Êban, Y Jũ Niê, Y Thô Ayun, Y Tim Niê, Y Chun Niê… đều đồng ý với cáo trạng mà Viện KSND tỉnh Đắk Lắk công bố là đúng người, đúng tội và thành khẩn khai nhận, do sự thiếu hiểu biết nên đã nghe theo những lời tuyên truyền, lừa bịp của Y Mút Mlô (cầm đầu nhóm hỗ trợ người Thượng ở Mỹ), Y Quynh Bdap (thuộc tổ chức Người Thượng vì công lý ở Thái Lan) lôi kéo một số người thành lập tổ chức khủng bố “Lính Đêga”, thực hiện các hoạt động tấn công, khủng bố tại hai xã Ea Tiêu, Ea Ktur (huyện Cư Kuin) ngày 11/6/2023 gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Đồng thời, do nhận thức pháp luật còn hạn chế, bị lợi dụng, rủ rê, dụ dỗ, lôi kéo, đe dọa, ép buộc nên đã tham gia thực hiện hành vi phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Như vậy, bản chất của hành vi khủng bố, khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân của các bị cáo đã rõ, không hề do sự chèn ép của chính quyền dẫn đến người dân tộc thiểu số phản kháng như những gì các đối tượng xuyên tạc. Tại phiên tòa, các bị cáo đều tỏ ra ăn năn, hối hận về hành vi vi phạm pháp luật của mình và đồng bọn, xin lỗi những người thân, gia đình, gia đình người bị hại về hành vi phạm tội của mình, mong được khoan hồng của pháp luật.

Có thể thấy, không chỉ riêng vụ việc này, mỗi khi Việt Nam diễn ra bất cứ sự việc gì hoặc tình hình liên quan đến chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh trật tự… thì các đối tượng phản động, thù địch và một số cơ quan truyền thông nước ngoài lại lợi dụng tuyên truyền, xuyên tạc, bóp méo sự thật, kích động nhằm gây chia rẽ đoàn kết dân tộc, làm ảnh hưởng tới niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước Việt Nam. Chúng sử dụng chiêu bài đưa ra với số lượng nhiều, tần suất liên tục để làm người đọc không phân biệt được đúng, sai, thật, giả lẫn lộn; lừa gạt những người nhẹ dạ, cả tin hoặc dẫn dắt những người thiếu thông tin về vụ việc, kích động người thân của số đối tượng bị bắt giữ, số bị suy thoái tư tưởng chính trị để chống phá.

Thực tế trong những năm qua đã minh chứng, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nâng cao đời sống; chọn lựa những người dân tộc thiểu số có trình độ, năng lực, uy tín đứng vào hàng ngũ lãnh đạo, chủ chốt của hệ thống chính trị. Trong kháng chiến chống ngoại xâm cũng như công cuộc xây dựng đất nước hiện nay, đồng bào các dân tộc thiểu số luôn sát cánh một lòng, có nhiều đóng góp trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và được cả xã hội ghi nhận, khẳng định khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam là bất khả xâm phạm và không có thế lực nào có thể phá vỡ.

Việc người dân phối hợp bắt giữ đối tượng gây án lẩn trốn giao cho chính quyền hay tình nguyện nấu cơm cho các lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ tại các xã Ea Tiêu và Ea Ktur là minh chứng rõ ràng về sự tin yêu, ủng hộ của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang, là hiện thân của tình quân dân bền chặt.

Đại tá Nguyễn Hữu Lương

Công an tỉnh Đắk Lắk


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.