Multimedia Đọc Báo in

Buôn Tría chuyển mình vươn lên trong gian khó

08:03, 20/03/2024

Nằm ở phía Tây của huyện Lắk – xã Buôn Tría là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa. Suốt chặng đường 40 năm hình thành và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Buôn Tría luôn đoàn kết, vượt qua gian khó, cùng chung sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Nơi đây là địa bàn sinh sống lâu đời của đồng bào Êđê, M’nông và người dân vùng kinh tế mới từ tỉnh Thái Bình vào khai hoang, mở đất, làm kinh tế. Nhờ vậy, địa phương là vùng đất có nhiều nền văn hóa giao thoa, có đời sống tinh thần phong phú và đa dạng.

Buôn Tría - Quê hương giàu truyền thống cách mạng

Thời kỳ trước năm 1984, vùng đất Buôn Tría ngày nay thuộc xã Yang Bung. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Chi bộ xã, cán bộ, đảng viên và nhân dân Buôn Tría đoàn kết một lòng theo Đảng làm cách mạng, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn Buôn Tría nỗ lực thực hiện nhiệm vụ hậu phương, sẵn sàng chi viện sức người, sức của cho cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.

Đặc biệt, từ sau khi trở thành đơn vị hành chính mới (17/1/1984), Chi bộ xã Buôn Tría trực tiếp gánh vác sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cán bộ, đảng viên và nhân dân toàn xã thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương qua từng thời kỳ cách mạng; qua đó đã đạt được nhiều thành quả về mọi mặt, kinh tế - xã hội có bước phát triển mạnh mẽ, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao.

Để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới, ngày 9/3/1987, Huyện ủy Lắk đã ban hành quyết định nâng cấp Chi bộ xã Buôn Tría thành Đảng bộ xã Buôn Tría - đánh dấu một bước phát triển vượt bậc của công tác Đảng tại địa phương.

Diện mạo xã Buôn Tría (huyện Lắk) thay đổi rõ nét sau 40 năm hình thành và phát triển. Ảnh: H. Tuyết

Bước vào thời kỳ đổi mới, cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc xã Buôn Tría ra sức phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh sự nghiệp y tế, giáo dục, văn hóa; củng cố quốc phòng - an ninh; tăng cường công tác Đảng, chính quyền và các đoàn thể nhằm xây dựng quê hương giàu mạnh.

Phát huy truyền thống tốt đẹp và những kinh nghiệm của các thế hệ đi trước, những năm trở lại đây với định hướng, mục tiêu phát triển cụ thể, tầm nhìn chiến lược, Đảng bộ xã Buôn Tría đã lãnh đạo nhân dân khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển.

Giai đoạn 2010 – 2020, kinh tế tiếp tục có bước phát triển đáng kể, tăng trưởng bình quân hằng năm duy trì ở mức từ 6 - 7%, bình quân lương thực đầu người trên địa bàn xã đạt 3.300 kg/năm, đạt 132% chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ xã đề ra và tăng 1.300 kg so với năm 2010; bình quân thu nhập đầu người toàn xã đạt 41 triệu đồng/năm, cao hơn 12 triệu đồng so với mức bình quân của toàn huyện (29 triệu đồng/người/năm) và tăng gấp 4 lần so với năm 2010 (10,41 triệu đồng).

Giai đoạn 2020 – 2023, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là bị tác động bởi đại dịch COVID-19, kinh tế - xã hội của địa phương vẫn giữ mức tăng trưởng ổn định. Một số kết quả nổi bật của nửa nhiệm kỳ: kinh tế tiếp tục phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm ước đạt 6,33%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, trong đó nông – lâm nghiệp chiếm 70 - 75%, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ chiếm 25 - 30%; hệ thống giao thông nông thôn được ưu tiên đầu tư, đến nay có 100% số thôn, buôn được bê tông hóa; đường, mương nội đồng, bê tông hóa đạt 90% (Nghị quyết đến năm 2025 đạt 100%). Công tác văn hóa – xã hội tiếp tục được quan tâm, thực hiện tốt...

Phát huy hiệu quả nội lực

Giai đoạn đầu (2011 - 2015) triển khai thực hiện Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới, với sự vào cuộc quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng sự đoàn kết, nỗ lực của nhân dân các dân tộc trong toàn xã, xã Buôn Tría đã hoàn thành hàng chục công trình trọng điểm, đáng chú ý nhiều công trình được huy động từ sức dân. Cụ thể, đường thôn Liên Kết 3, đường thôn Đông Giang - Tân Giang, đường thôn Liên Kết 2; xây mới phòng học, sân, tường rào, cổng Trường Mầm non Tuổi Thơ…

Xã Buôn Tría là địa phương đầu tiên của huyện Lắk hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. . Ảnh: H. Tuyết

Kết quả sau 10 năm (2011 - 2020) thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Buôn Tría đã huy động được gần 162,6 tỷ đồng xây dựng cơ sở kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Trong đó, ngân sách Trung ương trên 24 tỷ đồng, ngân sách tỉnh gần 105,8 tỷ đồng, ngân sách huyện gần 8,2 tỷ đồng, nhân dân đóng góp trên 6,8 tỷ đồng, nguồn vốn tín dụng gần 17,6 tỷ đồng…

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận hưởng ứng của nhân dân, đến cuối năm 2020, xã Buôn Tría trở thành xã đầu tiên của huyện Lắk hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Với mục tiêu phấn đấu đạt xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2025, hơn nửa nhiệm kỳ qua (2020 - 2023) nhiều công trình trên địa bàn tiếp tục được xây dựng với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, góp phần thay đổi diện mạo cho vùng đất bên dòng sông Krông Ana.

Với những thành tích rất đáng tự hào, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Buôn Tría đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như: Đảng bộ trong sạch, vững mạnh tiêu biểu 16 năm liên tục (1998 - 2014); Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh về thành tích xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2007 - 2010; 2011 - 2016; 2016 - 2021.

Những kết quả đạt được không chỉ là niềm tự hào mà còn là nguồn cổ vũ, động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn xã tiếp tục nỗ lực, phấn đấu, quyết tâm thực hiện đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.

Đào Quang Lâm

(Bí thư Đảng ủy xã Buôn Tría)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.