“Khó vạn lần dân liệu cũng xong”
Cùng với cả hệ thống chính trị, Nhân dân đã nỗ lực chung tay, góp sức để giải quyết thành công nhiều việc khó, việc mới, góp phần dựng xây quê hương Đắk Lắk thêm tươi đẹp, mạnh giàu.
Nhân dân góp sức xây dựng hạ tầng
Buổi họp dân, đối thoại giữa lãnh đạo huyện Ea Kar, các phòng, ban chuyên môn của huyện, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã Ea Đar với 10 hộ dân thôn 9 (xã Ea Đar) về công tác giải phóng mặt bằng tuyến đường D8, D24, D29, N26 Khu trung tâm hành chính mới huyện Ea Kar đã diễn ra trong không khí dân chủ, cởi mở, thẳng thắn.
Chủ tịch UBND huyện Ea Kar Nguyễn Văn Hà đã giải thích rõ mục đích, bày tỏ mong muốn nhận được sự đồng thuận, góp sức của người dân trong công tác giải phóng mặt bằng xây dựng các tuyến đường Khu trung tâm hành chính mới, tiến tới xây dựng huyện Ea Kar trở thành thị xã trong tương lai.
Ông Nguyễn Văn Xưởng (thôn 9, xã Ea Đar) cho hay, được Chủ tịch UBND huyện trực tiếp gặp gỡ, giải thích, ông rất ủng hộ. Gia đình ông quyết định hiến 300 m2đất trong số hơn 1.100 m2 phải thu hồi. Số diện tích còn lại mong muốn được bồi thường theo quy định để gia đình tái sản xuất, ổn định cuộc sống.
Chủ tịch UBND huyện Ea Kar Nguyễn Văn Hà đối thoại trực tiếp với các hộ dân thôn 9 (xã Ea Đar). |
Không chỉ hộ ông Xưởng, qua đối thoại, nhiều hộ đã đồng thuận hiến đất làm đường. Những hộ chưa “thông”, huyện và xã tiếp tục tổ chức gặp gỡ, tuyên truyền, vận động để người dân thấy rõ trách nhiệm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” trong xây dựng huyện Ea Kar trở thành thị xã.
Theo Chủ tịch UBND huyện Ea Kar Nguyễn Văn Hà, nguồn lực trong dân là vô tận, nếu biết tạo đồng thuận, huy động sức dân thì việc gì cũng thành công. Xác định rõ điều này, huyện đã thường xuyên tổ chức gặp gỡ, trao đổi cho dân hiểu, dân tin bằng thái độ cầu thị, trọng dân, lắng nghe ý kiến, hiến kế của người dân. Đó chính là “chìa khóa” để huyện Ea Kar huy động nội lực trong Nhân dân đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng của địa phương.
Những "hạt nhân" bảo tồn văn hóa dân tộc
Tính đến nay, Đắk Lắk đã có ba buôn được công bố buôn du lịch cộng đồng. Đó là buôn Akô Dhông (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột), buôn Trí (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) và buôn Kuốp (xã Dray Sáp, huyện Krông Ana). Để có kết quả ấy, ngoài sự nỗ lực của địa phương, ngành chức năng, thì vai trò của người dân hết sức quan trọng.
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, hàng trăm hộ của các buôn làng vẫn giữ được nếp nhà dài; nghề đan lát, việc chế tác nhạc cụ dân tộc, dệt thổ cẩm, nấu rượu cần, các lễ hội truyền thống như cúng bến nước, cúng sức khỏe cho voi, Tết Bunpimay, hay lễ Mừng lúa mới vẫn được bà con duy trì. Bên cạnh những nghệ nhân gạo cội, lớp người trẻ cũng không ngừng quảng bá văn hóa các dân tộc Êđê, Lào, M’nông, Ja Rai… bằng việc xây dựng các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, làm hướng dẫn viên du lịch.
Đâu chỉ ở các buôn du lịch cộng đồng, việc bảo tồn văn hóa dân tộc luôn là niềm trăn trở của những người yêu văn hóa. Trong khả năng của mình, họ đã tìm mọi cách để lưu giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đơn cử, các già làng như Y Hơ Êban (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn), Pá Vinh (xã Ea Hiu, huyện Krông Pắc)… đã miệt mài truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ trong buôn làng. Còn tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, khi diễn ra các chương trình liên hoan, hội diễn, lễ hội lớn, đồng bào các dân tộc đều sôi nổi tham gia.
Theo bà Phạm Thị Hải Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Buôn Ma Thuột, người dân luôn đóng vai trò quyết định trong phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Bởi vậy, trong những năm qua, TP. Buôn Ma Thuột đã nỗ lực triển khai nhiều chương trình, hoạt động, như: dạy đánh chiêng, múa xoang, tổ chức liên hoan nghệ thuật, giao lưu văn hóa… nhằm phát huy sức dân, tăng cường tinh thần đại đoàn kết các dân tộc, để bà con cùng chung tay góp sức trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.
Giữ an ninh cơ sở từ “tai mắt” của Nhân dân
Địa bàn Đồn Biên phòng Ia R’vê quản lý gồm 12 thôn thuộc xã biên giới Ia R’vê (huyện Ea Súp). Ở địa bàn vừa xa vừa rộng, đường sá khó khăn, trong khi đơn vị lực lượng mỏng, thực hiện nhiều nhiệm vụ đan xen, thì sự giúp sức của người dân trong tố giác tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự là hết sức quan trọng. Từ “tai mắt” của người dân, Đồn Biên phòng Ia R’vê đã phối hợp xử lý dứt điểm nhiều vụ việc nóng.
Đơn cử, năm 2023, qua tin báo của người dân, đơn vị phát hiện một công dân dưới 16 tuổi có dấu hiệu bị lừa bán xuống tỉnh Bình Dương. Đơn vị đã nhanh chóng báo cáo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, phối hợp với các đơn vị liên quan để đấu tranh thành công chuyên án mua bán người dưới 16 tuổi.
Từ tin báo của người dân, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phá thành công chuyên án mua bán người dưới 16 tuổi. |
Chung sức vì bình yên biên giới, người dân Ia R’vê đã và đang cung cấp nhiều thông tin quý giá, giúp các chiến sĩ quân hàm xanh và lực lượng chức năng thêm nắm chắc địa bàn. Bà con sôi nổi tham gia các Câu lạc bộ “Phụ nữ không vi phạm quy chế biên giới”, “Gia đình phụ nữ không vi phạm quy chế biên giới”… Năm qua, cũng từ tin báo kịp thời của bà con, Đồn Biên phòng Ia R’vê đã phát hiện 2 vụ việc với 3 đối tượng lạ mặt vào khu vực biên giới để săn bắt trái phép.
Theo Thiếu tá Đoàn Bá Tình, Phó đồn trưởng nghiệp vụ Đồn Biên phòng Ia R’vê, ở địa bàn còn nhiều khó khăn, mọi thông tin, “tai mắt” của Nhân dân thực sự rất quan trọng, quý giá. Vì vậy, khi nắm thông tin, đơn vị luôn nỗ lực phối hợp xác minh, xử lý triệt để, hiệu quả các sự việc, vấn đề, giúp bà con thêm an tâm, tin tưởng.
Cũng nhờ phương châm làm việc này nên trong đợt cao điểm phòng, chống tội phạm dịp Tết Nguyên đán năm 2024, Đồn Biên phòng Ia R’vê đã truyên truyền, vận động Nhân dân giao nộp 8 khẩu súng các loại, 0,3 kg thuốc nổ, 3 kíp nổ, 4 nụ xùy, 1 mã tấu. Qua đó góp phần làm trong sạch địa bàn, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong khu vực biên giới đơn vị quản lý.
Quỳnh Anh - Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc