Multimedia Đọc Báo in

Nhiều khó khăn trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến

07:22, 07/04/2024

Tỉnh Đắk Lắk đang tích cực triển khai dịch vụ công (DVC) trực tuyến với mục đích giúp người dân, doanh nghiệp giảm thời gian, chi phí đi lại. Đây được xem là tiêu chí quan trọng, then chốt trong tiến trình cải cách hành chính (CCHC). Tuy nhiên, hiệu quả của DVC trực tuyến mang lại tại tỉnh chưa cao.

Sau đây là trao đổi giữa phóng viên Báo Đắk Lắk với ông TRƯƠNG HOÀI ANH, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông xung quanh vấn đề này.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Trương Hoài Anh.

* DVC trực tuyến là nơi thực hiện chức năng “một cửa điện tử”, cho phép tiếp nhận, xử lý, chuyển trả kết quả. Người dân muốn theo dõi quá trình xử lý hồ sơ trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tỉnh Đắk Lắk thì phải làm thế nào, thưa ông?

Cá nhân, tổ chức khi hoàn tất nộp hồ sơ trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Đắk Lắk có thể theo dõi hồ sơ của mình bằng cách đăng nhập vào hệ thống sau đó vào mục tra cứu hồ sơ hoặc vào hồ sơ cá nhân để theo dõi.

Đối với các hồ sơ quá hạn giải quyết thì cơ quan, tổ chức giải quyết hồ sơ phải thông báo bằng văn bản cho Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả và có văn bản xin lỗi cá nhân, tổ chức (trong đó ghi rõ lý do quá hạn) theo Chỉ thị số 18/CT-UBND, ngày 28/12/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc thực hiện nghiêm quy định xin lỗi bằng văn bản khi giải quyết quá hạn TTHC trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đăng tải văn bản xin lỗi người dân, doanh nghiệp trên Trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, địa phương; niêm yết văn bản xin lỗi tại điểm tiếp nhận TTHC của cơ quan, đơn vị, địa phương để nhân dân, doanh nghiệp được biết.

Để phản ánh, kiến nghị liên quan đến nộp hồ sơ trực tuyến, cá nhân, tổ chức truy cập vào Cổng dịch vụ công quốc gia tại địa chỉ: https://dichvucong.gov.vn hoặc Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Đắk Lắk tại địa chỉ: https://dichvucong.daklak.gov.vn

* Năm 2023, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của tỉnh chỉ đạt 21,7%, kế hoạch đề ra là 30% trở lên. Như vậy, rõ ràng là người dân chưa "mặn mà" với DVC trực tuyến, vậy đâu là nguyên nhân, thưa ông?

Tỉnh Đắk Lắk đã cung ứng tương đối đầy đủ DVC trực tuyến với gần 1.700 TTHC trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh. Hiện nay, tỷ lệ người dùng Internet tăng cao theo từng năm, cơ sở hạ tầng để đáp ứng dịch vụ viễn thông cũng được triển khai đến những nơi vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân dùng Internet để truy cập, tìm hiểu thông tin cũng như thực hiện các TTHC thông qua cổng thông tin điện tử của địa phương còn thấp.

Cán bộ thuế TP. Buôn Ma Thuột hướng dẫn hộ kinh doanh đóng thuế qua ứng dụng eTax Mobile.

Việc người dân chưa "mặn mà" với DVC trực tuyến là do cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chưa làm hết trách nhiệm trong cung cấp DVC trực tuyến, chưa coi DVC trực tuyến là hình thức cơ bản, quan trọng trong cung cấp DVC. Các hình thức cung cấp DVC trực tuyến chưa đơn giản, thuận tiện, chủ yếu vẫn chỉ cung cấp qua các cổng DVC. Tỉnh Đắk Lắk chưa có chính sách khuyến khích sử dụng DVC trực tuyến về giảm thời gian giải quyết, ưu tiên giải quyết để khuyến khích người dân sử dụng. Bên cạnh đó, môi trường pháp lý cung cấp DVC trực tuyến cũng chưa hoàn thiện, nhiều TTHC không cho phép cung cấp bằng hình thức DVC trực tuyến mức độ cao…

* Tỉnh đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2024 tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt từ 40% trở lên và đến năm 2025 đạt trên 50%. Vậy tỉnh sẽ làm thế nào để thu hút người dân sử dụng DVC trực tuyến?

Để việc sử dụng DVC trực tuyến đạt mục tiêu đề ra, tháng 1/2024 UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu về cung cấp và sử dụng DVC trực tuyến năm 2023. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần quyết tâm, tập trung hoàn thành một số nội dung, như: Giao chỉ tiêu cụ thể về cung cấp và sử dụng DVC trực tuyến (tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến, thanh toán trực tuyến…) đến từng cơ quan, đơn vị trực thuộc để thực hiện. Mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương phân công một lãnh đạo (lãnh đạo cấp sở, ban, ngành; lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố) làm đầu mối, chịu trách nhiệm trong triển khai thực hiện DVC trực tuyến. Các sở, ban, ngành, địa phương sử dụng bộ phận một cửa các cấp hướng dẫn người dân sử dụng DVC trực tuyến để người dân có thể tự làm tại nhà, nhất là đối với các DVC đã đơn giản hóa TTHC trên môi trường mạng.

Bên cạnh đó, chính quyền các cấp cần tiếp tục đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, thiết bị, máy móc, hệ thống phần mềm, thay đổi nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao chất lượng DVC trực tuyến, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.

* Xin cảm ơn ông!

Như Quỳnh (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.