Multimedia Đọc Báo in

Nói đi đôi với làm

07:13, 04/04/2024

Thôn 16 là thôn xa nhất của xã Ea Đar (huyện Ea Kar), địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, với gần 100 hộ sinh sống. Tuyến đường chính của thôn dài 2,7 km nhưng chỉ là đường đất, rộng chỉ 3 m.

Để vận động người dân hiến đất, mở rộng đường lên 9 m đáp ứng yêu cầu xây dựng xã thành phường trong tương lai thì cần tuyên truyền cho dân thông suốt chủ trương chung.

Xác định rõ điều này, Đảng ủy xã đã chỉ đạo tập trung thực hiện công tác tuyên truyền miệng, mỗi cấp ủy viên, cán bộ, công chức xã là một tuyên truyền viên. Bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND xã đã trực tiếp tổ chức làm việc với cấp ủy chi bộ, trưởng thôn, các đoàn thể, xóm trưởng để phân tích rõ chủ trương, nghe cơ sở hiến kế, tạo sự đồng thuận trước một bước.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Ea Đar Trần Văn Hải (đứng giữa) tham gia tuyên truyền, đối thoại với người dân trên địa bàn xã về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.

Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Ea Đar Trần Văn Hải, bước này rất quan trọng bởi khi tư tưởng được đả thông thì chính mỗi cán bộ cơ sở là một tuyên truyền viên nòng cốt, vừa xung phong hiến đất mở rộng đường, vừa nhận nhiệm vụ tuyên truyền cho các hộ xung quanh hiểu. Sau đó, lãnh đạo xã, các phòng chuyên môn trực tiếp đối thoại với dân.

Những băn khoăn, vướng mắc của người dân về việc điều chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi hiến đất làm đường được giao đích danh công chức địa chính xã chịu trách nhiệm xử lý. Những hộ còn “lấn cấn” thì cán bộ xã, thôn trực tiếp tuyên truyền, vận động thêm.

Việc nói đi đôi với làm của cán bộ, đảng viên nơi đây đã tạo được lòng tin trong nhân dân. Người dân thôn 16 đã hiến hơn 16.200 m2 đất mở rộng đường lên 9 m mà không đòi hỏi đền bù; đóng góp trung bình 8 triệu đồng/hộ cùng với nguồn vốn hỗ trợ để bê tông hóa 700 m đường, số còn lại tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới.

Từ công tác tuyên truyền, vận động, xã Ea Đar đã huy động nguồn lực đóng góp lắp đặt điện chiếu sáng công cộng.

Công tác tuyên truyền miệng, đối thoại trực tiếp với dân được Đảng ủy, UBND xã Ea Đar áp dụng trong tất cả các công việc, nhiệm vụ cần có sự đồng thuận, đóng góp của người dân. Không chỉ nói suông, mỗi một tuyên truyền viên của xã luôn phát huy trách nhiệm nêu gương, đi đầu trong việc hiến đất, góp công, đóng tiền xây dựng các công trình công cộng trên địa bàn sinh sống.

Chẳng hạn như, thực hiện chủ trương xã hội hóa điện chiếu sáng công cộng trên tuyến đường thôn 14, cùng với việc tuyên truyền, huy động nguồn lực trong dân, mỗi cán bộ, đảng viên đã xung phong tự lắp đặt một trụ điện chiếu sáng trị giá 3 triệu đồng. Kiên trì phương châm “Nói dân hiểu, làm dân tin”, xã Ea Đar là một trong những địa phương dẫn đầu huyện Ea Kar trong việc huy động xã hội hóa nguồn lực lắp đặt được 10 km điện chiếu sáng công cộng.

Yến Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.