Multimedia Đọc Báo in

Trả lời kiến nghị của cử tri trước và sau Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV (2)

08:32, 06/05/2024

4. Cử tri đề nghị bố trí kinh phí nâng cấp, sửa chữa để đảm bảo an toàn và phát huy hiệu quả của công trình đập, hồ chứa nước sau khi công trình được bàn giao về cho địa phương quản lý, khai thác.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) trả lời: Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 597 hồ chứa thủy lợi. Thời gian qua, các hồ chứa thủy lợi đã phát huy hiệu quả phục vụ đa mục tiêu (cung cấp nguồn nước phục vụ phát triển, dân sinh và cắt giảm lũ cho hạ du…). Trải qua thời gian dài sử dụng, nhiều hồ chứa thủy lợi đã bị hư hỏng, xuống cấp, trong đó có 68 hồ chứa thủy lợi do Tổng Công ty Cà phê Việt Nam quản lý trên địa bàn tỉnh (các hồ chứa này chưa được bàn giao hoặc hoàn thành thủ tục bàn giao về cho địa phương quản lý, khai thác).

Trong những năm qua, Chính phủ đã quan tâm hỗ trợ địa phương đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp nhiều công trình thủy lợi với tổng kinh phí 6.594 tỷ đồng: Xây dựng mới hồ Ea H’leo (518 tỷ đồng), hồ Krông Pách Thượng (4.431 tỷ đồng), hệ thống kênh hồ Ia Mơr giai đoạn 2 (1.058 tỷ đồng); sửa chữa, nâng cấp 36 hồ chứa bị hư hỏng, kinh phí 587 tỷ đồng (451 tỷ đồng cho 25 hồ chứa trong Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập – WB8; 13 tỷ đồng cho sửa chữa cấp bách 3 hồ năm 2019; 123 tỷ đồng cho sửa chữa nâng cấp 8 hồ trong khuôn khổ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 – 2023).

Ngoài ra, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025, Chính phủ tiếp tục hỗ trợ Đắk Lắk 2.370 tỷ đồng để đầu tư: Hoàn thiện hệ thống kênh hồ Krông Pách Thượng phục vụ tưới cho khoảng 11.000 ha đất nông nghiệp, tổng mức đầu tư dự kiến 1.120 tỷ đồng; hệ thống kênh hồ Ea H’leo phục vụ tưới cho 5.000 ha, tổng mức đầu tư dự kiến 640 tỷ đồng; hồ Ea Khal phục vụ tưới cho 7.200 ha, tổng mức đầu tư dự kiến 610 tỷ đồng.

Đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk có ý kiến với UBND tỉnh: Bố trí kinh phí hằng năm từ nguồn ngân sách địa phương để chi cho nhiệm vụ quản lý an toàn đập, hồ chứa nước theo quy định, trong đó có việc bố trí kinh phí nâng cấp, sửa chữa để đảm bảo an toàn và phát huy hiệu quả của công trình đập, hồ chứa nước sau khi công trình được bàn giao về cho địa phương quản lý, khai thác.

Bộ NN-PTNT sẽ chỉ đạo rà soát, tổng hợp đề xuất để hỗ trợ địa phương khi có các nguồn vốn phù hợp.

Công trình thủy lợi hồ chứa Ea H'leo. Ảnh: Minh Thuận

5. Cử tri đề nghị xem xét ban hành các văn bản pháp quy, hướng dẫn cụ thể để thực hiện Kết luận số 82-KL/TW, ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 30 NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI, Nghị định số 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ về “sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp”, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân, nhất là tập trung chỉ đạo giải quyết vấn đề tranh chấp, khiếu kiện đất đai, phương án khoán sản phẩm tại các công ty nông, lâm trường theo đúng quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn; không để các thế lực thù địch, phản động, FULRO lưu vong lợi dụng chống phá, hình thành các “điểm nóng” về an ninh trật tự.

Bộ NN-PTNT trả lời: Thực hiện Kết luận số 82-KL/TW, ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 30 NQ/TW, ngày 12/1/2014 của Bộ Chính trị khóa XI, Bộ NN-PTNT đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 04/2024/NĐ-CP, ngày 12/1/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 118/2014/NĐ-CP về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp. Trong đó, có quy định về bàn giao đất đai, tài sản trên đất của các công ty nông, lâm nghiệp về địa phương quản lý nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, tăng cường quản lý chặt chẽ về đất đai, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và các bên liên quan.

Để tiếp tục thể chế Kết luận số 82-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị định số 04/2024/NĐ-CP của Chính phủ đã giao các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định ngân sách nhà nước hỗ trợ công ty nông, lâm nghiệp giải thể mất khả năng thanh toán; tiêu chí bổ sung vốn điều lệ đối với công ty nông, lâm nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn nhà nước.

Triển khai thực hiện tốt các chính sách, pháp luật mới nêu trên sẽ góp phần bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và ổn định an ninh trật tự ở các địa phương nói chung, vùng Tây Nguyên nói riêng.

(Còn nữa)

Lan Anh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc