Multimedia Đọc Báo in

"Chiếc áo" công vụ và thước đo đánh giá

11:44, 12/06/2024

Tại Hội nghị "Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập" được tổ chức tháng 8/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu câu hỏi: Vì sao một lực lượng lớn lao động chất lượng cao được đào tạo ở nước ngoài không muốn quay về nước làm việc? Vì sao thời gian gần đây có một số lao động thuộc khu vực nhà nước có xu hướng chuyển dịch ra khu vực tư nhân?

Câu hỏi của người đứng đầu Chính phủ đã phác thảo vài nét về bức tranh dịch chuyển lao động, “chảy máu chất xám” từ khu vực công ra khu vực tư, từ thị trường lao động trong nước ra nước ngoài.

Ở góc độ nào đó, một trong những nguyên nhân lý giải cho câu hỏi vì sao ấy, phải chăng chính bởi "chiếc áo" công vụ bị chật so với trình độ và nhu cầu của một số đối tượng người lao động. Năng lực gắn liền với chế độ đãi ngộ thiết thực và kịp thời. Đó chính là sức hút, cách thức giữ chân nguồn nhân lực có chất lượng của khu vực tư.

Nhiều người được học tập, đào tạo, bồi dưỡng bài bản, nhưng mảnh đất nội địa, môi trường trong khu vực công không dụng hết được họ, sở trường, sức sáng tạo chưa được phát huy và khai thác hiệu quả. Sự lãng phí chất xám, tài năng, nguồn lực con người không thể lượng hóa đo đếm.

 Người dân đến làm thủ tục tại Trung tám phục vụ hành chính công tỉnh
Người dân đến làm thủ tục tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Đỗ Lan

Trong thực tế thực thi công vụ, vẫn còn hiện tượng cán bộ, công chức, viên chức không đáp ứng được yêu cầu công việc. Biểu hiện phổ biến là không sâu sát, không nắm bắt được vấn đề mình phụ trách; không kịp thích ứng với tình hình mới. Sẽ là nguy hại khi hạn chế, điểm yếu ấy rơi vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. “Chiếc áo" công vụ, chiếc ghế chức vụ được trao đã rộng hơn so với trình độ và năng lực của họ.

Trước hiện tượng này, một số địa phương đã có những chế tài để siết chặt công tác quản lý nhân sự, thực thi công vụ. Năm 2023, thành phố Hà Nội và tỉnh Thanh Hóa đã ban hành chỉ thị về việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị; tăng cường trách nhiệm trong công tác tham mưu, giải quyết công việc của các cơ quan nhà nước. Tinh thần chung là kiên quyết, kịp thời thay thế, điều chuyển cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, năng lực yếu, chưa chấp hành nghiêm sự chỉ đạo, điều hành của cấp trên, vi phạm kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc rút cẩm nang để lựa chọn cán bộ và có giá trị muôn đời. Đó là: “a) Những người đã tỏ ra rất trung thành và hăng hái trong công việc, trong lúc đấu tranh. b) Những người liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu biết dân chúng. Luôn luôn chú ý đến lợi ích của dân chúng. Như thế, thì dân chúng mới tin cậy cán bộ và nhận cán bộ đó là người lãnh đạo của họ. c) Những người có thể phụ trách giải quyết các vấn đề, trong những hoàn cảnh khó khăn. Ai sợ phụ trách và không có sáng kiến thì không phải người lãnh đạo. Người lãnh đạo đúng đắn cần phải: Khi thất bại không hoang mang, khi thắng lợi không kiêu ngạo. Khi thi hành các nghị quyết kiên quyết, gan góc không sợ khó khăn. d) Những người luôn luôn giữ đúng kỷ luật…”(*).

Xác định công tác cán bộ là then chốt của then chốt, Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết, quy định và tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác cán bộ. Đơn cử như Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Mới đây nhất là Quy định số 142-QĐ/TW, ngày 23/4/2024 của Bộ Chính trị thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ…

Trong quá trình lãnh đạo, Đảng luôn khẳng định tinh thần: Đổi mới mạnh mẽ, toàn diện công tác cán bộ là một nội dung trọng yếu trong công tác xây dựng Đảng; chọn người và dùng người phải hiểu rõ và đánh giá đúng cán bộ, khéo dùng cán bộ.

Bảo đảm cho công tác cán bộ đi vào nền nếp đáp ứng nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài, cơ sở chính trị pháp lý đã khá đầy đủ và toàn diện. Vấn đề là ở chỗ thực thi và kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực hiện như thế nào. Và dù với quy trình, tiêu chuẩn nào thì từ quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí đến sử dụng đúng nhân sự đều chung một mẫu số - lấy hiệu quả công việc làm thước đo đánh giá.

(*) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.315.

Thuận Thành


Ý kiến bạn đọc