Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Bảo đảm sự đồng bộ giữa quy hoạch, thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản
Chiều 28/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ với 463/464 tổng số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, đạt 95,27%.
Tiếp đó, các đại biểu thảo luận ở hội trường về dự án Luật Địa chất và khoáng sản.
Đóng góp ý kiến về dự thảo Luật, các đại biểu Quốc hội thống nhất khoáng sản là tài nguyên quý giá, hầu hết không thể tái tạo nên đòi hỏi phải được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả góp phần vào sự phát triển đất nước.
Đối với quy định về thời hạn hoạt động của dự án đầu tư cho khu kinh tế thực hiện tại địa bàn có điều kiện xã hội khó khăn, hoặc các địa bàn khác là không quá 70 năm, đại biểu đề nghị thời hạn khai thác xây dựng cơ bản, thời gian khai thác và thời gian đóng cửa mỏ được xác định là không quá 30 năm và có thể được gia hạn nhiều lần nhưng tổng thời gian gia hạn không quá 20 năm.
Tại điều 65 về giám đốc điều hành mỏ, có quy định khai thác khoáng sản phải có giám đốc điều hành mỏ và giám đốc điều hành mỏ chỉ điều hành một giấy phép khai thác khoáng sản.
Theo đại biểu thì quy định này sẽ gây bất cập bởi thực tế thời gian vừa qua tình trạng trong một mỏ thì có nhiều giấy phép khai thác sẽ nhiều giám đốc điều hành, gây khó khăn trong công tác tổ chức quản lý và triển khai các thủ tục.
Quang cảnh phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn |
Vì vậy, đại biểu đề nghị khai thác khoáng sản phải có giám đốc điều hành mỏ và giám đốc điều hành mỏ chỉ điều hành một mỏ khai thác khoáng sản trừ trường hợp quy định, chứ không phải đây là một giấy phép khai thác khoáng sản.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị bổ sung làm rõ nội dung quy định về trách nhiệm quyền hạn của giám đốc điều hành mỏ như quy định giám đốc điều hành mỏ khai thác hầm lò phải có bằng kỹ sư hoặc tương đương chuyên ngành khai thác mỏ hoặc xây dựng mỏ với thời gian làm việc trong lĩnh vực khai thác tại hầm lò ít nhất là 5 năm.
Quy định này chưa phù hợp với thực tế đặc thù công việc của kỹ sư khai thác mỏ trong đó chủ yếu tham gia vào quản lý thực hiện nhiệm vụ về chuyên môn kỹ thuật và một phần tham gia trực tiếp khai thác.
Do đó cần điều chỉnh thành giám đốc điều hành khai thác mỏ lộ thiên phải có bằng kỹ sư tương đương với chuyên ngành khai thác mỏ, thời gian làm việc trong lĩnh vực khai thác tại mỏ lộ thiên ít nhất là ba năm.
Trường hợp kỹ sư địa chất hoặc tương đương phải được đào tạo bồi dưỡng về kỹ thuật khai thác mỏ và có thời gian làm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản mỏ nội thiên ít nhất là 5 năm.
Đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra dự thảo luật có một số bất cập cần phải được làm rõ và cụ thể phù hợp hơn về lập quy hoạch ngành chiến lược quốc gia về khoáng sản. Trong đó, dự thảo luật quy định lập chiến lược địa chất khoáng sản và công nghiệp khai khoáng thay cho chiến lược khoáng sản đang quy định tại luật Khoáng sản hiện hành thẩm quyền lập chiến lược do Bộ TN-MT chủ trì phối hợp với các bộ có liên quan để lập chiến lược. Tuy nhiên, dự thảo luật chưa quy định rõ trách nhiệm của các bộ trong việc phối hợp lập chiến lược này.
Đại biểu cho rằng, dự thảo luật cũng cần phải quy định để giải quyết được một số vấn đề bất cập hiện nay tại một số tỉnh có tình trạng thiếu đất để đầu tư hạ tầng, nhưng đất quy hoạch khoáng sản thì nhiều năm không sử dụng; có sự chồng lấn giữa các quy hoạch điều chỉnh, mất rất nhiều thời gian.
Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn |
Về phân nhóm khoáng sản, đại biểu nêu rõ: Theo quy định tại Điểm a, Khoản 1 Điều 7 thì nước nóng thiên nhiên là khoáng sản được xếp vào nhóm I. Đại biểu cho rằng quy định như vậy là chưa hợp lý, không phù hợp với thực tiễn, gây nhiều khó khăn cho người dân và các địa phương có các mỏ nước nóng thiên nhiên.
Thực tiễn cho thấy trên địa bàn một số tỉnh, nước nóng thiên nhiên có nhiều dạng xuất lộ trên mặt đất hoặc mạch nước ngầm, chủ yếu hiện nay đang được khai thác, sử dụng phục vụ cho sinh hoạt, đời sống văn hóa của cộng đồng dân cư và các hộ dân từ hàng trăm năm nay.
Một số hộ dân đã tận dụng các mạch nước nóng thiên nhiên lộ thiên để khai thác, sử dụng phục vụ du lịch, tạo thêm thu nhập và công ăn việc làm cho người dân, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Tuy nhiên, do hầu hết các mỏ nước nóng thiên nhiên hiện nay nằm ở vùng miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống, đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn, năng lực tài chính còn rất hạn chế, do vậy, nếu yêu cầu người dân phải thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật thì mới được khai thác, sử dụng các mỏ nước nóng thiên nhiên là bất hợp lý, không khả thi trong thực tế, sẽ tạo sự không đồng thuận của người dân.
Từ thực tế đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần tiếp tục nghiên cứu, khảo sát, xem xét cân nhắc kỹ lưỡng việc quy định nước nóng thiên nhiên là khoáng sản nhóm I và đề nghị nên phân định nước nóng thiên nhiên chỉ là một loại nước sinh hoạt bình thường phục vụ đời sống, sinh hoạt của người dân, đồng thời tạo điều kiện để người dân khai thác nguồn nước nóng thiên nhiên để thu hút du lịch, qua đó tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Về trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản quy định tại Điều 15, hiện nay dự thảo đang quy định: Bộ TN-MT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và UBND các tỉnh có liên quan tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản nhóm I, nhóm II, đại biểu cho rằng, quy định như vậy là chưa hợp lý, khó triển khai trong thực tế, không đảm bảo sự đồng bộ giữa quy hoạch, thăm dò, khai thác và chế biến.
Đại biểu cho biết: Việc lập quy hoạch thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản phải căn cứ vào nhu cầu sử dụng khoáng sản của các ngành kinh tế, không phải cứ khoáng sản là làm được vật liệu xây dựng, hay khoáng sản làm được khoáng chất công nghiệp thì đều đưa vào quy hoạch mà chúng ta phải quy hoạch theo nhu cầu sử dụng. Thực tế hiện nay, Bộ Công thương và Bộ Xây dựng đang chịu trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản nhóm I, nhóm II theo các quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 và không có khó khăn, vướng mắc, bất cập gì.
Vì thế, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, điều chỉnh quy định như Luật hiện hành, theo đó, Bộ Công thương chủ trì tổ chức lập quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản nhóm I, Bộ Xây dựng chủ trì tổ chức lập quy hoạch thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản nhóm II để đảm bảo sự minh bạch, khách quan, khả thi trong thực hiện.
Trong trường hợp giữ nguyên như dự thảo Luật đang trình Quốc hội, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo phải phân tích làm rõ những khó khăn, vướng mắc, bất cập và có đánh giá tổng thể về việc tổ chức lập và quản lý thực hiện quy hoạch khoáng sản hiện nay làm cơ sở cho việc cần thiết phải điều chỉnh này…
Đối với quy định về một trong những cơ sở để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là giá tính thuế tài nguyên khoáng sản, đại biểu lưu ý, bảng giá tính thuế tài nguyên khoáng sản của các địa phương do UBND cấp tỉnh quy định, phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác theo cơ chế thị trường.
Do vậy cùng một loại khoáng sản nhưng sẽ không có sự đồng nhất về mức giá của giữa các địa phương, dẫn đến việc tính tiền cấp quyền khai thác đối với cùng một loại khoáng sản giữa các địa phương sẽ khác nhau.
Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, xem xét không quy định sử dụng giá tính thuế tài nguyên khoáng sản làm căn cứ để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Thay vào đó nên xây dựng bảng giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cụ thể cho các loại khoáng sản khác nhau, áp dụng chung cho tất cả các địa phương để đảm bảo tính thống nhất trong thực hiện…
Cũng trong buổi làm việc chiều nay, Quốc hội họp riêng biểu quyết thông qua Nghị quyết về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Lan Anh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc