Multimedia Đọc Báo in

Nơi lưu dấu lịch sử báo chí Việt Nam

12:08, 24/06/2024

Nằm trong khuôn viên tòa nhà Hội Nhà báo (HNB) Việt Nam (Hà Nội), Bảo tàng Báo chí Việt Nam không chỉ là nơi lưu giữ những tài liệu, hiện vật về lịch sử báo chí mà còn là nơi ghi dấu những ký ức về lịch sử dân tộc, đời sống xã hội nói chung.

Được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập vào ngày 28/7/2017, Bảo tàng Báo chí Việt Nam chính thức khai trương hệ thống trưng bày, đón khách tham quan từ ngày 19/6/2020. Bảo tàng hiện đang trưng bày hơn 35.000 hiện vật tiêu biểu, thể hiện tiến trình lịch sử báo chí Việt Nam, sự đồng hành của báo chí với lịch sử dân tộc.

Căn phòng đầu tiên bên trong bảo tàng là nơi trưng bày biểu tượng cây bút, lời dặn của Bác Hồ với cán bộ báo chí cùng tượng của các nhà báo tiền bối có công khai sinh nền báo chí Việt Nam.

Để có một khối lượng hiện vật đồ sộ như vậy, trong nhiều năm qua, Thường trực HNB Việt Nam đã nỗ lực khai thác, tiếp nhận, sưu tầm hiện vật, tài liệu báo chí của các tổ chức, cá nhân trong cả nước từ khi có hoạt động báo chí đến nay. Nhiều cuộc phát động hiến tặng hiện vật, tư liệu cho bảo tàng đã được tổ chức, qua đó đã thu nhận được một số lượng lớn hiện vật, tư liệu báo chí hết sức phong phú, đa dạng về nhiều mặt.

Riêng ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, HNB Việt Nam đã tiếp nhận hơn 4.000 hiện vật từ các cơ quan báo chí, các nhà báo. Điển hình như chiếc hộp đèn dầu được các nhà báo sử dụng trong thời chống Mỹ do HNB tỉnh Nghệ An tặng. Thư Bác Hồ gửi Báo Hà Tĩnh do HNB tỉnh Hà Tĩnh tặng.

Hay những bức ảnh của các nhà báo nước ngoài tác nghiệp tại Quảng Bình trong kháng chiến chống Mỹ do HNB tỉnh Quảng Bình tặng. Chiếc loa nén 500W đặt bên bờ Hiền Lương trong kháng chiến chống Mỹ, kỷ vật của nhà báo Hoàng Kim Tùng - Phó Tổng Biên tập Báo Quảng Đà - hy sinh tại Hòn Tàu, do HNB tỉnh Quảng Trị tặng.

Danh mục các bài viết, bút danh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; thẻ nhà báo của nữ nhà báo Nguyễn Khoa Bội Lan được cấp năm 1948, do HNB tỉnh Thừa Thiên - Huế tặng. Loa phát bằng nhôm, đồng hồ trở kháng do HNB tỉnh Gia Lai tặng.

Cuốn sổ ghi chép, trang phục, đạo cụ khi dàn dựng chương trình tiếng dân tộc thiểu số do HNB tỉnh Đắk Lắk tặng. HNB tỉnh Đắk Nông tặng chiếc máy ảnh kỹ thuật số cùng một số đĩa vi tính, các băng ghi âm - những dụng cụ tác nghiệp trong nhiều sự kiện vào những ngày đầu tỉnh mới thành lập.

Những ấn phẩm báo chí thời kỳ đầu được trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Báo Đà Nẵng trao tặng bản gốc tờ báo Gung Dưr (Vùng Lên) - tờ báo bằng hai thứ tiếng phổ thông và Cơtu đầu tiên ở miền núi xứ Quảng, ra đời năm 1959. Thư viện Khoa học tổng hợp TP. Đà Nẵng tặng tờ báo Tiếng Dân số 1105, ra ngày 7/9/1937, hiện vật gắn với sự nghiệp làm báo của nhà báo Huỳnh Thúc Kháng. Các nhà báo Đỗ Kỳ, Nguyễn Vân Nam, gia đình nhà báo Đoàn Bá Từ trao tặng hiện vật gắn với nghề làm báo như máy đánh chữ, máy quay phim, bộ sưu tập báo cắt dán Hồ Chí Minh…

Bà Trần Thị Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho biết: Mỗi hiện vật, thước phim, tờ báo, tấm ảnh dù nhỏ nhất, đơn giản nhất liên quan đến nghề báo, người làm báo, phản ánh các sự kiện lịch sử phong phú của đất nước, dân tộc đều có giá trị lịch sử không thể thay thế được. Đặc biệt, các hiện vật, tư liệu của quá khứ thực sự là niềm tự hào, tỏa sáng cho các thế hệ người làm báo hôm nay và mai sau, tạo điểm đến hữu ích, góp phần nâng cao nhận thức và tình cảm của những người nghiên cứu lịch sử và văn hóa.

Tường Mạnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động
Tại Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với cán bộ công đoàn, đoàn viên và người lao động tỉnh năm 2024 diễn ra sáng 3/7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà khẳng định, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Đảng và Nhà nước.