Multimedia Đọc Báo in

Khi lòng dân đã thuận…

08:36, 15/07/2024

Hai tuyến đường ven hồ Ea Tun (xã Băng A Drênh, huyện Krông Ana) nằm trong định hướng quy hoạch xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, các công trình đầu mối hạ tầng thuộc Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng xã Băng A Drênh giai đoạn 2021 - 2035 được UBND huyện Krông Ana phê duyệt hồi tháng 2/2024. Đây là một trong những công trình trọng điểm ở địa phương.

Đường vành đai ven hồ Ea Tun được quy hoạch có chiều dài hơn 3,1 km, lộ giới 14 m, chiều rộng nền đường 6 - 8m. Công trình này được xây dựng hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại, góp phần hoàn thiện hạ tầng cơ sở, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn. Xác định công trình có ý nghĩa quan trọng với địa phương, UBND xã Băng A Drênh đã “đi trước một bước” đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và đồng thuận với chủ trương chung, trên tinh thần tự nguyện hiến đất, tự giải phóng mặt bằng để đón đầu đầu tư công.

Phần đất của gia đình được ông Ngô Thanh Tâm, người dân thôn 1, xã Băng A Drênh tự nguyện hiến để mở đường giao thông ven hồ.

Chủ trương mở đường vành đai ven hồ đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của người dân. Điều đặc biệt là trong thời buổi “tấc đất tấc vàng” nhưng tất cả các hộ dân bị ảnh hưởng tại thôn Ea Tun 1 và thôn 1 đã tự nguyện hiến đất, sẵn sàng di dời tài sản có liên quan để mở đường. Chỉ trong vòng 21 ngày, 48 hộ dân không những đồng ý hiến hơn 20.000 m2 đất mà còn tự nguyện bỏ công sức để cùng nhau giải tỏa mặt bằng nhằm tiến tới mở tuyến đường giao thông cảnh quan ven hồ.

Điển hình như ông Ngô Thanh Tâm (thôn 1) không suy tính thiệt hơn, đã tự nguyện dỡ bỏ hàng rào và hiến 800 m2 đất thuộc khu đất rẫy cà phê đang thu hoạch của gia đình để mở rộng lòng đường. Ông chia sẻ: “Khi đường lớn mở ra, diện mạo nông thôn sẽ thay đổi, việc đi lại thuận lợi, thương mại dịch vụ theo đó cũng phát triển, nghĩ đến đó là tôi thấy phấn khởi, tự nguyện hăng hái hiến đất mở đường”.

Không chỉ ông Tâm, 7 hộ dân khác ở thôn 1 khi có chủ trương làm đường giao thông ven hồ đều tích cực hưởng ứng. Hàng trăm mét vuông đất đang trồng cây công nghiệp, hoa màu được người dân không ngần ngại nhổ bỏ, tình nguyện hiến, nhằm nỗ lực mở ra con đường mới khang trang hơn. "Giải quyết" xong khâu tự nguyện hiến đất, bà con còn chủ động mang cuốc, rựa ra phát quang cây cối, giải tỏa mặt bằng, di dời tài sản gắn liền với đất để "đón" nhà đầu tư thực hiện tuyến đường vành đai ven hồ Ea Tun.

Ông Nguyễn Công Phước, Trưởng thôn 1 cho hay, khi tiếp nhận chủ trương, chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể trong thôn giải thích, tuyên truyền để các gia đình hiểu việc hiến đất làm đường có lợi ích cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế ở địa phương. Chỉ qua một buổi họp dân, 100% người dân khu vực ảnh hưởng công trình đã bằng lòng, tin tưởng phá bỏ hàng rào, cây trồng để nhường 6.400 m2 đất làm đường giao thông. Những người dân tham gia hiến đất ở đây đều có chung niềm tin tưởng, mỗi tấc đất trao đi đều được địa phương sử dụng đúng mục đích để phục vụ cho đời sống người dân. Ông Phước kể, không riêng gì dự án đường ven hồ Ea Tun, trước đây, bà con thôn 1 chung tay, cùng bảo ban nhau góp sức, góp công để làm bê tông hóa, nhựa hóa nhiều tuyến đường liên thôn, tạo đường hoa sạch đẹp trong làng ngõ xóm.  “Bí quyết” thuận lòng dân đơn giản ở chỗ: 29 đảng viên trong thôn phát huy vai trò nêu gương theo tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, đã tạo sự đồng tình, sức lan tỏa trong nhân dân.

Khu vực đất được người dân tự nguyện hiến để mở đường vành đai ven hồ Ea Tun.

Chủ tịch UBND xã Băng A Drênh Đào Quốc Khánh phấn khởi cho biết, đây là công trình trọng điểm có nhiều “cái nhất” ở địa phương: Giải phóng mặt bằng nhanh nhất, lòng dân đồng thuận cao nhất. Việc người dân đồng tình hiến đất, tự nguyện bàn giao “mặt bằng sạch” sẽ tạo điều kiện thuận lợi thu hút nhà đầu tư quan tâm đầu tư các công trình. Chính quyền địa phương quyết tâm phát huy trách nhiệm, thực hiện các công trình mang lại hiệu quả như kỳ vọng.

Đến nay, nhân dân đã tự giải tỏa xong 4 tuyến đường thuộc thôn 1, thôn Ea Tun 1 và buôn Cuê. Người ít thì hiến vài trăm mét, người nhiều thì cả ngàn mét vuông đất không chút do dự với mong muốn giao thông đi lại thuận lợi hơn, diện mạo nông thôn thông thoáng, mỹ quan. Hiện nay, mặt bằng “sạch” dự án đường giao thông ven hồ Ea Tun đã được bàn giao cho UBND xã để xin chủ trương đầu tư xây dựng các công trình có liên quan.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.