Multimedia Đọc Báo in

Lực lượng quần chúng "đặc biệt”

15:15, 30/07/2024

Với khả năng “nói dân tin, làm dân theo”, những người uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Lắk đã phát huy vai trò là lực lượng quần chúng "đặc biệt", vừa tuyên truyền, vận động người dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vừa tiên phong phát triển kinh tế để bà con noi theo.

Theo ông Hoàng Thanh Bé, Chủ tịch UBND xã Đắk Phơi, địa phương hiện có 9 người có uy tín vùng đồng bào DTTS. Họ là những tấm gương tiêu biểu, được người dân suy tôn, tin tưởng và noi theo, góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện vận động nhân dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và phát triển kinh tế…

Ông Y Chông Mbôn (buôn Năm, xã Đắk Phơi) là một điển hình. Phát huy vai trò già làng của buôn, ông luôn được mọi người tín nhiệm vì là “đầu tàu” gương mẫu.

Trong phát triển kinh tế, từ năm 1997, khi ấy bà con còn sinh sống bằng việc săn bắt thú rừng, phá rừng trồng trọt, ông đã “đi đầu” khai phá ruộng hoang, lựa chọn giống lúa để canh tác. Nhờ ham học hỏi, chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên 5 sào lúa và 1 ha cà phê xen tiêu của gia đình ông luôn có năng suất cao nhất buôn. Ngoài ra, ông còn phát triển mô hình chăn nuôi bò, heo… nên có thu nhập mỗi năm hơn 200 triệu đồng.

Khi kinh tế ổn định, ông không ngần ngại hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc cây trồng, chăn nuôi, hướng dẫn bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để thay đổi tập quán canh tác lạc hậu. Đồng thời, kết nối, vận động các nhà hảo tâm tặng hàng trăm con giống gà, vịt… cho người dân khó khăn trong buôn để họ có được sinh kế ổn định.

Bà con buôn Năm (xã Đắk Phơi, huyện Lắk) áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất từ sự tuyên truyền, giúp đỡ của ông Y Chông Mbôn (người có uy tín tại buôn).

Bên cạnh đó, khi có những vụ tranh chấp, mâu thuẫn nội bộ của người dân trong buôn, ông luôn phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết ổn thỏa, nhanh chóng để không nảy sinh thêm vấn đề phức tạp. Đồng thời, luôn sát cánh cùng chính quyền địa phương kiềm chế và đẩy lùi các tệ nạn xã hội gây mất an ninh trật tự; vận động đồng bào không nghe lời kẻ xấu xúi giục; tham gia vào thực hiện các phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Giữ gìn an ninh trật tự ở khu dân cư”. Từ các hành động thiết thực, dám nghĩ dám làm, đời sống gia đình ông cùng bà con trong buôn đã có nhiều thay đổi. Trước đây, buôn Năm có 142 hộ với 754 khẩu, tỷ lệ hộ nghèo, vi phạm pháp luật ở mức cao. Thế nhưng, đến nay tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 5,63%, nhiều năm liền không có tình trạng phá rừng làm nương rẫy.

 

Giai đoạn 2023 - 2027, trên địa bàn huyện Lắk có 76 người được UBND tỉnh phê duyệt là người có uy tín vùng đồng bào DTTS; trong đó có 24 già làng, 8 trưởng buôn, 12 cán bộ hưu trí, 4 chức sắc tôn giáo và 28 người thuộc các thành phần khác.

Còn với ông Y Krang Ndu (buôn Phi Dih Ja B, xã Krông Nô) mặc dù là cán bộ hưu trí, đã ở độ tuổi 70 nhưng ông vẫn phát triển kinh tế cho gia đình và làm gương cho thế hệ trẻ. Hiện tại, gia đình ông đang sở hữu 5 ha cà phê và 600 cây sầu riêng đang ở thời kỳ kinh doanh, cho thu nhập tiền tỷ mỗi năm.

Ông Y Krang chia sẻ, bản thân sau khi về hưu không lựa chọn cuộc sống an nhàn mà vẫn cố gắng làm ăn để người dân noi theo. Khi ông phát triển được mô hình kinh tế, thế hệ trẻ trong buôn đã thay đổi suy nghĩ rằng người già còn làm được huống hồ mình còn trẻ và có nhiều sức khỏe nên họ có ý chí vươn lên.

Không chỉ tiên phong phát triển kinh tế để người dân noi theo, ông còn dạy dỗ con cháu trong nhà chấp hành pháp luật, giữ gìn chuẩn mực gia đình, với khẳng định “gia đình tôi làm được thì nói người dân mới nghe”.

Đặc biệt, ông còn làm công tác thông tin hai chiều giữa cấp ủy chính quyền, MTTQ và các đoàn thể để kịp thời nắm bắt tình hình trong nhân dân ở khu dân cư, thực hiện tốt phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng".

Đồng thời, phối hợp cùng lực lượng công an giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; chủ động tham gia giải quyết kịp thời những vướng mắc từ cơ sở, giúp địa phương nhiều năm liền không xảy ra “điểm nóng”. Bởi vậy, nhiều năm nay, khi ông tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, bà con trong buôn đều hết lòng tin tưởng nghe theo.

Ông Y Krang Ndu (buôn Phi Dih Ja B, xã Krông Nô, huyện Lắk) vẫn chăm chỉ chăm sóc vườn sầu riêng của gia đình dù tuổi đã cao.

Với những việc làm đầy ý nghĩa của mình, trong năm 2023 - 2024, ông Y Krang là người uy tín vinh dự được nhận nhiều bằng khen của các cấp, các ngành vì có thành tích xuất sắc trong các hoạt động như: công tác dân tộc và chính sách dân tộc; cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước và nhiệm vụ quân sự quốc phòng.

Theo Chủ tịch UBND huyện Lắk Nay Y Phú, người có uy tín trên địa bàn đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình, thật sự là "cánh tay nối dài" trong công tác vận động quần chúng, đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào DTTS. Qua đó góp phần giúp đồng bào ổn định đời sống, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững và đóng góp xây dựng quê hương giàu đẹp.

Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.