Những kỷ niệm khó quên về Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Những lần gặp gỡ, những tình cảm Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành cho Đắk Lắk đã trở thành ấn tượng, khoảnh khắc vô vùng quý giá trong ký ức của nhiều người dân vùng đất đỏ bazan.
May mắn lớn nhất trong sự nghiệp cầm bút của ông Phan Thân, từng là Thư ký tòa soạn Báo Đắk Lắk (86 tuổi, hiện sống ở thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar) là được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đó là năm 1978, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng đoàn công tác đến thăm quân và dân tỉnh Đắk Lắk. Ông Phan Thân khi ấy là phóng viên Báo Đắk Lắk, cùng với ông Phạm Tài Nguyên (Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam, thường trú Đắk Lắk) được giao viết tin, bài về đoàn công tác của Đại tướng.
Hai phóng viên nhanh chóng có mặt ở cơ quan Tỉnh ủy để tham gia cùng đoàn, nhưng không có xe. Khi họ đang loay hoay xem còn xe cơ quan nào để đi nhờ thì bất ngờ có một chiếc xe ô tô dừng lại. Đại tướng Võ Nguyên Giáp ân cần hỏi: “Hai đồng chí ở cơ quan nào?”. Ông Thân rành rọt: “Thưa Đại tướng, cháu là phóng viên Báo Đắk Lắk. Còn đồng chí Phạm Tài Nguyên ở cơ quan Thông tấn xã Việt Nam ạ!”. Khi biết hai phóng viên chưa có xe, Đại tướng nhanh chóng bảo: “Lên xe tôi”... Nhớ lại khoảnh khắc này, ông Thân rưng rưng: “Chỉ là phóng viên nhỏ nhoi nhưng được lên xe, đi cùng Đại tướng, chúng tôi vui mừng, hạnh phúc không nói nên lời”.
Bức ảnh chụp chung với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở thành kỷ niệm vô giá đối với ông Phan Thân. |
Những ngày công tác tại Đắk Lắk, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến nhiều nơi, nhiều địa bàn để thăm hỏi đồng bào các dân tộc, các công trình thủy lợi, các cánh đồng lúa nước vừa mới khai hoang; thăm cán bộ, chiến sĩ các đơn vị quân đội. Đại tướng đánh giá cao những thành quả đạt được của quân và dân Đắk Lắk sau giải phóng, nhất là việc ổn định chính trị, khai hoang đồng ruộng, xây dựng kinh tế mới. Đại tướng cũng nhắc nhở địa phương chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất lao động. Dành nhiều tình cảm, yêu thương cho các đơn vị quân đội, Đại tướng căn dặn bộ đội đoàn kết một lòng, xây dựng đơn vị vững mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc; gắn bó máu thịt với nhân dân, tham gia cùng địa phương bảo đảm an toàn xã hội…
Trên đường trở về thị xã Buôn Ma Thuột, Đại tướng Võ Nguyên Giáp bất ngờ yêu cầu đoàn công tác dừng lại ở vùng đồng bào công giáo (thuộc huyện Cư Kuin) để vào thăm hỏi đời sống bà con. Bất chợt vào một gia đình khi hai vợ chồng đang xay lúa, Đại tướng gần gũi hỏi han tình hình mùa vụ, các thành viên trong gia đình, lúa gạo có đủ ăn… Khi biết cuộc sống của gia đình đang tốt lên, Đại tướng mới yên tâm động viên, chúc sức khỏe mọi người. Ông Thân kể lại: “Đại tướng rất tinh tế. Khi phóng viên chúng tôi giơ máy ảnh lên chụp, ông nhắc nhở cố gắng chụp có cả ảnh tượng Chúa. Điều này thể hiện sự thân thương, khéo léo, tôn trọng của Đại tướng dành cho gia đình theo đạo Công giáo và đồng bào có đạo”.
Sau thời gian làm việc tại Đắk Lắk, Đại tướng cùng đoàn công tác ra sân bay Buôn Ma Thuột để trở về Hà Nội. Trước khi lên máy bay, Đại tướng cầm tay phóng viên bảo “Bây giờ chụp ảnh với hai phóng viên”. Hai phóng viên vui mừng, tranh thủ lưu giữ khoảnh khắc bên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Về sau này, bức ảnh Đại tướng mỉm cười, bỏ kính, nắm tay phóng viên gần gũi, thân tình đã trở thành kỷ niệm, là món quà vô giá đối với ông Phan Thân…
Trong chuyến công tác tại Đắk Lắk năm ấy, do có công việc đột xuất nên Đại tướng không thể gặp được đồng bào vùng kinh tế mới huyện Ea Súp. Song, bức thư Đại tướng viết vội trong đêm gửi đồng bào để lại muôn vàn thương nhớ: “…Chúc đồng bào và các đồng chí khỏe mạnh, hăng hái phấn đấu, xứng đáng là những người con yêu quý của tỉnh nhà, là những con người đã từng được Đảng và Bác Hồ giáo dục, sống và chiến đấu dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, đoàn kết thương yêu và giúp đỡ nhau, ra sức làm tròn mọi nhiệm vụ, dưới sự lãnh đạo và chăm sóc trực tiếp của Đảng và chính quyền địa phương lập nên những thành tích mới, tạo nên những tấm gương sáng trong khi thực hiện mọi chủ trương chiến lược lớn của Đảng là đưa hàng triệu đồng bào ta lên vùng chiến lược Tây Nguyên này…”.
Giữa thời điểm Đắk Lắk nói chung và Ea Súp nói riêng còn khó khăn chồng chất, bức thư không chỉ đơn thuần là lời thăm hỏi ân cần, mà còn là động lực để nhân dân huyện Ea Súp phấn đấu dựng xây quê hương, đất nước. Thực tế đã minh chứng điều ấy, từ một vùng đất hoang vu, Ea Súp đã và đang đổi thay từng ngày trên mọi mặt kinh tế, đời sống xã hội. Đặc biệt, huyện vùng biên đã và đang trở thành vựa lúa lớn trong tỉnh; ngày càng có nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, làm giàu từ việc ứng dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp; xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Quỳnh Anh
Ý kiến bạn đọc