Multimedia Đọc Báo in

Giữ gốc rễ sâu bền của Tây Nguyên (kỳ cuối)

08:35, 27/09/2024

Kỳ cuối: Nhân lên sức mạnh cội nguồn

Suốt chiều dài lịch sử, Tây Nguyên luôn là một phần “máu thịt” của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Mỗi bước đổi mới, đi lên trong hành trình kiến thiết, phát triển của Tây Nguyên hôm nay luôn được hun đúc bằng chính tinh thần mà Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã căn dặn: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, J'rai hay Êđê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”…

Sau gần 50 năm ngày đất nước hòa bình, thống nhất, Đảng và Nhà nước đã có sự đầu tư lớn cả về sức người, sức của để khai thác tiềm năng, thế mạnh của Tây Nguyên nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và chăm lo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho hơn 2 triệu đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.

Xây đắp tình đoàn kết

Gia đình nghèo khó, chồng đau ốm dai dẳng rồi mất đã 4 năm, bà H’Nguôn Bdap (buôn Yang Reh, xã Yang Reh, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) một mình nuôi bốn người con. Bà chia sẻ: Nếu không có các anh chị em người Kinh giúp đỡ, không biết cuộc sống của mấy mẹ con mình ra sao!

Bà H'Rớt ở bon Ding Plei (xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) dệt thổ cẩm trong ngôi nhà được các đơn vị kết nghĩa xây tặng.

Bà kể, cả gia đình chỉ trông chờ vào hơn 2 sào đất đồi, nên ai thuê gì bà cũng làm, con cái bỏ bê để đứa lớn chăm đứa bé. Năm 2022, khi được huyện cấp 3 con dê giống, bà mừng lắm nhưng cũng rất lo vì chưa nuôi dê bao giờ, không biết làm thế nào để phòng trị bệnh, nhân đàn. Khi dê mẹ đẻ lứa đầu tiên, do không biết cách chăm sóc, toàn bộ dê con đều bị chết. Bà rơi nước mắt, muốn bỏ cuộc thì được cán bộ, đảng viên của Chi bộ thôn 2 đến thăm. Nhờ giúp đỡ của các anh chị em thôn 2, chuồng dê đã được sửa sang, bà được chỉ cách phòng, trị bệnh, cách cho dê con bú mẹ luân phiên sau sinh để tránh bị chết. Bí thư Chi bộ thôn 2 còn hỗ trợ nguồn cỏ và lá tươi, bà không còn phải đi xa để kiếm thức ăn cho dê nữa. Đến nay, đàn dê đã sinh sản được 9 con, bà cũng đã bán 4 con để sửa sang lại nhà cửa.

Đồng chí Y Huôh Êban, Bí thư Chi bộ buôn Yang Reh cho hay, thôn 2 là đơn vị kết nghĩa với buôn Yang Reh từ năm 2006. Lâu nay, mọi việc lớn nhỏ trong buôn luôn nhận được sự kề cận, giúp đỡ của anh em thôn 2. Hai đơn vị gắn kết như anh em một nhà. Nhờ giúp đỡ của anh em người Kinh, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo ở buôn Yang Reh được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, kết nối đầu ra cho sản phẩm. Trẻ con được động viên ăn học. Phụ nữ thì chia sẻ nhau cách thức tổ chức đời sống, thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình… Cả hai đơn vị đã cùng nhau lan tỏa khí thế thi đua lao động sản xuất, ổn định trật tự - an ninh, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị.

 

“Sự có mặt của người có uy tín, già làng, trưởng bản trong đồng bào dân tộc góp phần giữ vững sự bình yên nơi cơ sở, là nhân tố đóng vai trò rất quan trọng, quyết định trong xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân; xây dựng và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân ở Tây Nguyên” - Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an.

Trong căn nhà Tình nghĩa còn thơm mùi sơn, bà H’Rớt ở bon Ding Plei (xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) miệt mài bên khung dệt chuẩn bị hoàn tất tấm thổ cẩm để giao cho khách. Bà tươi cười khoe với chúng tôi: “Từ ngày có căn nhà mới khang trang, mình không còn phải lo lắng mỗi khi trời mưa dầm, gió thốc nữa. Căn nhà cấp 4 rộng 40 m2, mái lợp tôn, tường xây gạch vững chắc do các cán bộ kết nghĩa cùng chính quyền địa phương hỗ trợ xây tặng mình cách đây hai tháng. Trong bon cũng có nhiều người được tặng nhà, tặng bò. Bà con bon Ding Plei biết ơn chính quyền và các cán bộ kết nghĩa lắm”. Các cán bộ kết nghĩa mà bà H’Rớt nhắc đến là công chức, viên chức, người lao động của Chi nhánh Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đắk Song. Đây cũng là các đơn vị kết nghĩa với bon Ding Plei từ nhiều năm nay.

Ông Y Trớp, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng bon Ding Plei cho biết, bon Ding Plei có 504 hộ với gần 1.900 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc M’nông. Mặc dù trước đây từng có những cá nhân bị lôi kéo vào hoạt động của FULRO, tham gia biểu tình, bạo loạn vào năm 2004, nhưng đến nay, nhờ sự quan tâm sâu sát, hỗ trợ kịp thời từ cấp ủy, chính quyền địa phương và các đơn vị kết nghĩa đã giúp nhiều hoàn cảnh khó khăn như gia đình bà H’Rớt, đồng hành với bon trong xây dựng cuộc sống mới. 

Điểm tựa của những điểm tựa

Dù đã gần 70 tuổi nhưng già làng Ma Doan ở bon Ding Plei (xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) vẫn say mê với mọi công việc của bon làng. Già không chỉ đi đầu trong mọi hoạt động, phong trào mà còn tích cực phối hợp với chính quyền địa phương vận động người dân, tín đồ tôn giáo trong bon nói không với tệ nạn xã hội, chăm lo phát triển sản xuất, tích cực tham gia xây dựng quy ước, hương ước của bon.

Cũng nhờ già Ma Doan, không ít vụ việc khó ở Ding Plei đã được giải quyết rất nhẹ nhàng. Đơn cử cách đây gần hai năm, trong bon có hộ dân không đồng ý chủ trương hiến đất làm đường. Rất nhiều lần, đại diện ban tự quản, các chi hội, đoàn thể của bon đến trò chuyện, vận động nhưng bất thành. Biết được sự việc, già Ma Doan đã đến nhà gặp con trai cả của gia đình để trò chuyện. Già khéo léo vận động, phân tích để anh này thấy được lợi ích của việc bê tông hóa đường làng ngõ xóm, cái chung của cộng đồng, xã hội... Sau khi được già Ma Doan “khai thông”, người con đã làm công tác tư tưởng cho bố, mẹ và rồi cả gia đình đều đồng thuận hiến hơn 200 m2 đất mở rộng đường.

Già Ma Doan chia sẻ: “Mình phải là người luôn gần gũi, thân tình, thấu hiểu bà con, thậm chí phải là người để bà con đặt trọn niềm tin thì khi nói họ mới nghe và đồng thuận theo. Ở bon, mỗi khi gia đình nào có tiệc cưới, mừng nhà mới cũng đều mời nhau đến chung vui. Tranh thủ những dịp như thế này, mình lựa những lúc tinh thần mọi người đang vui vẻ, hòa đồng thì khéo léo gợi những việc chung của bon ra để cùng bàn, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay. Từ chuyện bày cho nhau kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi, cách nuôi dạy con cái học hành chăm ngoan, đến chuyện xã hội như góp công, góp của để cùng Nhà nước làm đường giao thông trong xóm, sửa sang lại nhà văn hóa cộng đồng, hay chỉ đơn giản là chuyện chặt cành cây cao trước nhà để khỏi vướng dây điện mỗi mùa mưa bão đến… Những buổi như thế này mang lại hiệu quả lắm, không phải cuộc họp bon, buổi tuyên truyền tập trung nào cũng làm được”.

Nhiều năm nay, ông Siu Á, Trưởng điểm nhóm Tin lành Sô Mlương - thuộc Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) tại xã Ia Yeng (huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) đã đóng góp không nhỏ trong việc vận động thành công nhiều đối tượng theo đạo Tin lành Đêga trở về với điểm nhóm Tin lành chính thống và khuyến khích họ tham gia các hoạt động cộng đồng.

Ông Siu Á, Trưởng điểm nhóm Tin lành Sô Mlương (xã Ia Yeng, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) chia sẻ về những tâm tư nguyện vọng của người dân với cán bộ công an xã.

Trung tá Rơ Man Thim, Trưởng Công an xã Ia Yeng cho biết, người dân thôn Sô Mlương vốn có truyền thống theo đạo Tin lành Việt Nam (miền Nam), tuy nhiên vào năm 2000, một nhóm người (trong đó có ông Siu Á) đã nghe theo lời xúi giục, lôi kéo của các đối tượng FULRO lưu vong, tách ra đi theo Tin lành Đêga, rồi tham gia biểu tình vào năm 2004. Khi trở lại buôn làng, chính quyền địa phương đã quan tâm mọi mặt cuộc sống, từ hỗ trợ vốn vay, cấp cây, con giống, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, giúp ông Siu Á cũng như người dân cải thiện đời sống, phát triển kinh tế gia đình. Thấy được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nên ông Siu Á đã tự xin được quay trở về với đạo Tin lành Việt Nam (miền Nam). Được đón nhận trở lại, ông tích cực vận động người dân quay trở về với đức tin và trở thành Trưởng điểm nhóm Tin lành Sô Mlương. Từ năm 2015 đến nay, ông Siu Á đã tích cực phối hợp với lực lượng công an và chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động các đối tượng từng theo Tin lành Đêga ở thôn Sô Mlương quay về sinh hoạt đạo thuần túy.

Theo Siu Á bộc bạch thì ông ví việc mình từng theo Tin lành Đêga rồi tham gia biểu tình của 20 năm về trước như mặc phải một chiếc áo bẩn, cho nên phải rũ bỏ, thay bằng chiếc mới để thật thơm sạch. Ông cũng dùng lý lẽ giản dị, dễ hiểu ấy để thuyết phục mọi người không theo Tin lành Đêga nữa, vứt bỏ hết tư tưởng trông chờ thế lực bên ngoài, một lòng tin tưởng vào những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tích cực lao động sản xuất, chăm lo cuộc sống gia đình mình, sống tốt đời đẹp đạo.

Vững thành trì lòng dân

Những hình ảnh người dân đều tạm gác công việc cá nhân, không chỉ nấu cơm, tiếp sức cho lực lượng công an làm nhiệm vụ mà còn tham gia cùng lực lượng trong canh gác buôn làng, vây bắt các đối tượng sau vụ khủng bố xảy ra ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk ngày 11/6/2023 là bằng chứng sinh động thể hiện sự tin tưởng của người dân đối với Đảng, Nhà nước, các lực lượng vũ trang nhân dân, đặc biệt là lực lượng công an nhân dân. Đồng thời cũng cho thấy hiệu quả của phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, thế trận lòng dân vững chắc tại địa bàn.

Cấp ủy Chi bộ buôn Yang Reh và Cấp ủy Chi bộ thôn 2 (xã Yang Reh, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) trao đổi, hỗ trợ nhau trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại cơ sở.

Thượng tá Nguyễn Công An, Phó Trưởng Công an huyện Cư Kuin chia sẻ, ngay sau khi vụ việc xảy ra, các đối tượng khủng bố đã nhanh chóng rời khỏi hiện trường, lẩn trốn vào khu vực vườn rẫy, rừng, đồi hẻo lánh. Hành động của chúng rất manh động, liều lĩnh và tàn ác. Lực lượng công an đã chia thành các mũi tấn công, quyết liệt truy bắt bằng được các đối tượng, phong tỏa địa bàn, hình thành các lớp bảo vệ trụ sở, người dân; động viên nhân dân bình tĩnh, không hoang mang, thực hiện theo yêu cầu của chính quyền cơ sở và lực lượng chức năng. Trong quá trình truy bắt các đối tượng khủng bố, lực lượng chức năng nhận được sự phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ thường xuyên, nhiệt tình của quần chúng nhân dân trong mọi tình huống. Không chỉ thường xuyên cung cấp những thông tin quý giá giúp lực lượng chức năng xác định được vị trí, tình hình để truy bắt, người dân còn cùng nhau phối hợp, bao vây bắt các đối tượng trốn trong rẫy cà phê để bàn giao cho lực lượng công an. Bên cạnh đó, người dân còn túc trực ngày đêm để nấu cơm tiếp sức cho các tổ chốt chặn và lực lượng chức năng, hỗ trợ lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ; đồng thời, kêu gọi, hỗ trợ cho gia đình cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh có hoàn cảnh khó khăn. Chính sự đồng lòng của nhân dân đã làm nên sức mạnh tổng hợp, giúp lực lượng chức năng triển khai hiệu quả công tác truy quét các đối tượng, bảo đảm sự an toàn cho cộng đồng. Chiến công đó có sự góp sức không nhỏ của quần chúng nhân dân trên địa bàn huyện đã chung sức, đồng lòng, không ngại nguy hiểm, sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ các lực lượng chức năng trong mọi tình huống.

Để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân; xây dựng và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân”. Với địa bàn chiến lược như Tây Nguyên, “lòng dân” chính là “thành trì” vững chãi nhất, là “kháng thể” mạnh mẽ để Tây Nguyên luôn vững vàng trước mọi khó khăn, trước mọi luận điệu xuyên tạc, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch, phản động chống Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Lê Hương - Đinh Nga - Lê Thành


Ý kiến bạn đọc