Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV:

Đẩy mạnh phân quyền cho các địa phương trong công tác lập, quản lý các loại quy hoạch

13:57, 25/10/2024

Sáng 25/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn (QHĐTNT), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện gồm 6 chương và 65 điều; bỏ 2 điều và bổ sung 2 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.

Về mối quan hệ giữa các quy hoạch thuộc hệ thống QHĐTNT, khoản 2 và khoản 3 Điều 7 đã được chỉnh lý theo hướng quy định rõ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết có tính chất cụ thể hóa, chi tiết hóa dần. Nội dung, yêu cầu và nguyên tắc cụ thể hóa phải được xác định, quy định rõ trong quy hoạch, bảo đảm rõ ràng, thuận lợi cho quá trình tổ chức thực hiện.

Về các trường hợp liên quan đến phạm vi quy hoạch và địa giới hành chính khi lập QHĐTNT, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định rõ đối với các trường hợp liên quan đến phạm vi quy hoạch và địa giới hành chính theo hướng giản lược tối đa các quy hoạch phải lập. 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Ảnh: quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Ảnh: quochoi.vn

Về nguyên tắc lập đồng thời các quy hoạch chung (Điều 7), quy định bảo đảm sự phù hợp, tuân thủ của dự án đầu tư xây dựng với quy hoạch đô thị và nông thôn trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị và nông thôn, trên cơ sở ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về việc cho phép lập đồng thời các quy hoạch chung; trường hợp quy hoạch chung khác cấp thẩm quyền phê duyệt thì quy hoạch chung có cấp thẩm quyền phê duyệt cao hơn được phê duyệt trước; trường hợp quy hoạch chung có cùng cấp thẩm quyền phê duyệt thì quy hoạch chung được lập, thẩm định xong trước được phê duyệt trước. 

Trong trường hợp mâu thuẫn giữa các quy hoạch cùng cấp độ thì các nội dung đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch quyết định thực hiện phải được cập nhật và thể hiện trong hồ sơ quy hoạch. Trình tự, thủ tục báo cáo, quyết định quy hoạch được thực hiện trong trường hợp này được thực hiện theo quy định của Chính phủ, bảo đảm yêu cầu, nguyên tắc trong hoạt động QHĐTNT.

Đóng góp ý kiến vào dự thảo luật, đa số đại biểu tán thành cơ bản với các nội dung đã được giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đánh giá cao nội dung của dự thảo Luật lần này đã tích hợp, giảm số lượng các loại quy hoạch, đơn giản hóa thủ tục lập phê duyệt, điều chỉnh các loại quy hoạch cũng như đẩy mạnh phân quyền cho các địa phương trong công tác lập và quản lý các loại quy hoạch.

Đại biểu cũng nêu rõ, QHĐTNT hiện còn thiếu đồng bộ, kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được phát triển kinh tế, còn diễn ra ùn tắc giao thông. Trong thời gian vừa qua, pháp luật về quy hoạch và quản lý phát triển đô thị còn một số bất cập, chưa hoàn thiện, lỏng lẻo trong quản lý dẫn đến công tác quy hoạch, quản lý còn hạn chế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Cụ thể như quy hoạch thiếu đồng bộ, chưa gắn kết với các quy hoạch khác như là quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch hạ tầng chất lượng đô thị hóa chưa cao, chủ yếu là phát triển theo chiều rộng, kết cấu chất lượng hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế; còn xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, ngập lụt, ô nhiễm ở các thành phố lớn, thiếu an toàn trong phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; thiếu không gian xanh, không gian ngầm và không gian sinh hoạt công cộng...

Để thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm làm ảnh hưởng đến công tác quy hoạch, đại biểu đề nghị nên giao cho Chính phủ quy định chi tiết về cách thức quản lý, sử dụng các nguồn lực để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và đồng thời là không vi phạm những hành vi bị cấm trong luật này... 

Về trách nhiệm, tổ chức lập nhiệm vụ QHĐTNT, khoản 6 Điều 16 dự thảo Luật quy định: cơ quan tổ chức có chức năng quản lý đầu tư xây dựng đất đai tổ chức lập nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết khu vực để đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khi được UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện giao.

Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk tham dự phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk tham dự phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu cho rằng, cần có quy định nguyên tắc thống nhất về cơ quan chủ trì trong công tác tổ chức, lập nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết khu vực để đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khi được UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện giao.

Đại biểu cho rằng cần nghiên cứu kỹ để có sự thống nhất trên toàn hệ thống, tránh chồng chéo nhiệm vụ, đùn đẩy trách nhiệm, hoặc mỗi địa phương lại có cách giao nhiệm vụ khác nhau, dẫn đến không thống nhất, khó khăn trong triển khai thực hiện.

Đối với việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư tại Điều 36, đại biểu cho rằng, việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư về quy hoạch là hết sức cần thiết nhằm thể hiện tính dân chủ, công khai, minh bạch và hoàn thiện tốt nhất cho việc quy hoạch. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, QHĐTNT mang tính chuyên ngành, nhiều thuật ngữ, bản vẽ… và không phải người dân nào cũng hiểu rõ và trình độ dân trí chưa có sự tương đồng.

Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn
Các đại biểu của Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk tham dự phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Bên cạnh đó, việc tiếp cận quy hoạch của người dân vùng sâu, vùng xa còn hạn chế. Để có được quy hoạch tốt, đảm bảo sự đồng thuận của người dân, tránh được hình thức trong việc lấy ý kiến, đại biểu đề nghị ngoài việc quy định việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư về QHĐTNT như dự thảo, cần xem xét bổ sung cơ quan, tổ chức lập quy hoạch có trách nhiệm phân loại các nội dung cụ thể cần lấy ý kiến, chuyển hóa các nội dung đơn giản hơn, xác định các vấn đề chính về hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội, nhà ở… gắn với địa bàn dân cư để người dân có ý kiến.

Từ những bất cập quy hoạch trong thực tiễn hiện nay, đại biểu cũng đề nghị dự thảo luật cần giải quyết tốt, hài hòa các loại quy hoạch như khoáng sản, đất đai, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh… nhằm tạo không gian phát triển tốt cho địa phương. Đồng thời tháo gỡ những khó khăn, các tác động tiêu cực đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, để việc thực hiện QHĐTNT tại luật này được đồng bộ và thực sự tạo động lực phát triển…

Lan Anh
 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đắk Lắk - Vùng đất giàu truyền thống đấu tranh cách mạng
​​​​​​​Đắk Lắk là vùng đất giữ vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của khu vực Tây Nguyên và của cả nước. Vùng đất này là nơi lưu giữ nhiều dấu ấn lịch sử và các phong trào cách mạng của biết bao thế hệ cha anh đi trước, cùng với nhân dân cả nước lập nên nhiều chiến công hiển hách trong lịch sử dân tộc ta.