Nâng cao chất lượng hoạt động giải trình của Hội đồng nhân dân tỉnh
Hoạt động giải trình tại phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh (HĐND) là một trong những nội dung quan trọng.
Thông qua hoạt động giải trình, nhiều vấn đề nổi cộm, khó khăn, tồn tại trong hoạt động của chính quyền địa phương đã được giải quyết, đồng thời tăng cường hiệu lực, hiệu quả giám sát của HĐND, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.
Để làm rõ hơn nội dung này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch HĐND tỉnh TRẦN PHÚ HÙNG.
* Từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức 3 phiên giải trình. Vậy xin ông đánh giá những kết quả nổi bật của hoạt động giải trình do Thường trực HĐND tỉnh tổ chức thời gian qua?
Tổ chức giải trình của Thường trực HĐND là một trong những hình thức giám sát quan trọng của HĐND. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức 3 phiên giải trình liên quan đến các nhóm vấn đề như: việc triển khai, thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại các bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh; kết quả thực hiện kết luận sau giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các ban của HĐND… Qua các phiên giải trình cho thấy, việc tổ chức giải trình đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật; nội dung yêu cầu giải trình cơ bản bám sát vấn đề mà cử tri và đại biểu quan tâm, qua giải trình đã làm rõ được những hạn chế, nguyên nhân, trách nhiệm và hướng giải quyết tồn tại, hạn chế của nội dung giải trình.
Từ thực tiễn cho thấy, các phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh đã phần nào tác động tích cực đến nhiều mặt hoạt động, công tác quản lý, điều hành của UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương, góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh.
* Qua các phiên giải trình có thể thấy việc lựa chọn nội dung, chủ đề là yếu tố rất quan trọng, quyết định đến chất lượng, hiệu quả của phiên giải trình. Vậy Thường trực HĐND tỉnh đã có sự lựa chọn như thế nào đối với các nhóm vấn đề trong các phiên giải trình đã được tổ chức?
Để xây dựng nội dung giải trình, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các ban, tổ đại biểu, đại biểu HĐND tỉnh đề xuất nội dung, chủ đề giải trình. Trên cơ sở tổng hợp nội dung đề xuất, những vấn đề nổi cộm mà dư luận xã hội, cử tri quan tâm, báo chí phản ánh, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức họp, lựa chọn nội dung vấn đề giải trình có tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội, đến trách nhiệm thực thi chính sách, pháp luật, đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân.
Đoàn giám sát của HĐND tỉnh đi kiểm tra thực tế tại các tiểu khu do Công ty TNHH chế biến thực phẩm và lâm nghiệp Đắk Lắk quản lý trên địa bàn huyện Ea Súp. Ảnh: Thuận Nguyễn |
Qua 3 phiên giải trình, Thường trực HĐND tỉnh đã lựa chọn nội dung giải trình tập trung vào các tiêu chí như: việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; những vấn đề bức xúc của công dân thông qua việc tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân, hoạt động giám sát, khảo sát, tiếp xúc cử tri; vấn đề có nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập ở địa phương cần sớm giải quyết hoặc vấn đề mới phát sinh mang tính cấp thiết mà dư luận, cử tri và nhân dân quan tâm…
* Những kết quả, hiệu quả của hoạt động giải trình đã được thấy rõ, vậy bên cạnh đó trong quá trình tổ chức thực hiện hoạt động giải trình có những khó khăn, tồn tại, hạn chế gì không, thưa ông?
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động giải trình của Thường trực HĐND tỉnh thời gian qua vẫn có một số khó khăn, hạn chế như: việc tổ chức phiên giải trình còn ít; phương thức tổ chức chủ yếu vẫn là nghe trình bày báo cáo; hoạt động phản biện, tranh luận tại phiên giải trình chưa nhiều. Đa số các đại biểu ít tham gia phát biểu và đặt câu hỏi giải trình, còn tâm lý nể nang, ngại va chạm; các câu hỏi yêu cầu giải trình chủ yếu do các đại biểu chuyên trách đặt ra. Việc thực hiện kiến nghị sau giải trình của Thường trực HĐND tỉnh, một số cơ quan, đơn vị có trách nhiệm thực hiện nhưng tiến độ còn chậm, chưa được giải quyết dứt điểm; việc theo dõi, đôn đốc và tổng hợp các kiến nghị giải trình có lúc chưa thường xuyên, thiếu quyết liệt.
* Để hoạt động giải trình được nâng cao chất lượng, đạt hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, theo ông cần các giải pháp gì?
Để khắc phục hạn chế, khó khăn và tiếp tục nâng cao chất lượng phiên giải trình, Thường trực HĐND tỉnh thấy rằng: Thứ nhất, trước khi tổ chức phiên giải trình, cần tập trung nghiên cứu, rà soát, xem xét kỹ lưỡng việc lựa chọn nội dung, chủ đề giải trình. Hai là, trong quá trình tổ chức phiên giải trình, cần chú trọng công tác chuẩn bị, như: việc tiếp cận, thu thập thông tin, tổ chức lấy ý đại biểu HĐND, thẩm tra báo cáo giải trình, chuẩn bị nội dung phản biện, tranh luận tại phiên giải trình. Ba là, việc điều hành phiên giải trình cũng cần linh hoạt, gợi mở vấn đề trọng tâm; khuyến khích đối thoại, tranh luận, làm sáng tỏ nội dung giải trình. Bốn là, nội dung kết luận phiên giải trình phải xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức có liên quan; đề ra các giải pháp tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc; đồng thời có yêu cầu về thời hạn hoàn thành từng nội dung, nhóm vấn đề cụ thể. Năm là, các cơ quan, đơn vị có liên quan tại phiên giải trình phải chuẩn bị báo cáo bảo đảm, theo những nội dung yêu cầu của chủ thể giám sát; người trả lời giải trình phải đề cao trách nhiệm cá nhân, nhận thức rõ mặt tích cực và những thiếu sót để khắc phục, tránh trả lời chung chung, đùn đẩy trách nhiệm. Sáu là, Thường trực HĐND, các ban, các tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh thường xuyên theo dõi, giám sát, đôn đốc các đơn vị liên quan thực hiện kết luận của Thường trực HĐND tỉnh sau phiên giải trình; đề xuất phương án giải quyết đối với các kiến nghị chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa đầy đủ…
Mặt khác, các đại biểu HĐND cần nâng cao trách nhiệm của mình với cử tri; thể hiện được bản lĩnh, không nể nang, e ngại; tích cực nghiên cứu chủ trương, chính sách, pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách; sâu sát cơ sở, thường xuyên gần gũi với cử tri để lắng nghe, nắm tình hình; xem xét việc triển khai và kết quả công tác của cơ quan, đơn vị, địa phương… để nắm thông tin chính xác, thảo luận làm sáng tỏ vấn đề.
* Xin cảm ơn ông!
Lan Anh (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc