Multimedia Đọc Báo in

Phát huy vai trò đặc biệt của đội ngũ người có uy tín

08:35, 01/10/2024

Là lực lượng quần chúng đặc biệt, người uy tín đóng vai trò cầu nối đưa chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Đây cũng là đội ngũ giúp Đảng, Nhà nước nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của đồng bào. Việc chăm lo xây dựng và phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS luôn được Đảng, Nhà nước chú trọng, đặc biệt quan tâm.

"Cầu nối" quan trọng ở cơ sở

Hiện nay, cả nước ta có khoảng 30.000 người có uy tín trong cộng đồng. Đó là những người được thôn bản, buôn làng, phum sóc bình chọn, suy tôn.

Nhiều tấm gương tiêu biểu là già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào DTTS đã tiên phong, gương mẫu trong việc tuyên truyền, vận động người dân noi theo, làm theo, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

Đồng thời, tích cực tham gia lao động, sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; bảo vệ môi trường, sinh thái... góp phần quan trọng trong việc tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới ở vùng đồng bào DTTS.

Ở vùng biên giới, người có uy tín cũng là lực lượng nòng cốt cùng bộ đội biên phòng vận động quần chúng thực hiện các phong trào: “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh, trật tự thôn, bản khu vực biên giới”... Sự đóng góp của những người có uy tín trong công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và tập hợp quần chúng, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc thể hiện thông qua các hoạt động như tuyên truyền, giải thích, vận động đồng bào nâng cao cảnh giác, không nghe lời kẻ xấu, không vượt biên trái phép...

Trong xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, người có uy tín là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với người dân, tích cực tham gia các hoạt động xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Qua các đợt tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, tiếng nói của người có uy tín đã góp phần thiết thực trong củng cố hệ thống chính trị cơ sở ngày một vững mạnh.

Cây sao do cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trồng được người dân ở xã Dul Kmăn (huyện Krông Ana) gọi là "cây đoàn kết". Ảnh: Hoàng Gia

Tại hội nghị biểu dương, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vùng đồng bào DTTS khu vực Tây Nguyên, giai đoạn 2018 – 2024 do Bộ Công an tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột (8/8), Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định: “Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS là những tấm gương mẫu mực, đi đầu trong các phong trào, đưa tiến bộ trong ứng dụng học kỹ thuật, tiến bộ lao động vào cuộc sống để nâng cao năng suất lao động, góp phần cải thiện nâng cao đời sống vật chất tinh thần, giữ bình yên cho buôn làng, thôn xóm. Sự có mặt của người có uy tín, già làng trưởng bản là nhân tố đóng vai trò rất quan trọng, quyết định trong xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân; xây dựng và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân”.

Quan tâm, chăm lo toàn diện đội ngũ người có uy tín

Từ khi thành lập Đảng và trong suốt quá trình lịch sử cách mạng của dân tộc, nguyên tắc cơ bản, xuyên suốt trong thực hiện chính sách dân tộc của Đảng ta là: “bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển”.

Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản trong quá trình lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trong đó có chính sách chăm lo xây dựng, phát huy vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12/3/2003, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác dân tộc đã đặt ra nhiệm vụ: Có chính sách động viên, bồi dưỡng, hướng dẫn và phát huy vai trò của những người có uy tín trong đồng bào dân tộc trong việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ở các địa bàn dân cư vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Đánh giá cao vị trí, vai trò của đội ngũ người có uy tín trong đồng bào DTTS, Kết luận số 57-KL/TW, ngày 3/11/2009, Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019, của Bộ Chính trị  về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới”, trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng yêu cầu cần tiếp tục: Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng DTTS.

Nhằm kịp thời động viên, khuyến khích và tạo điều kiện cho người có uy tín phát huy triệt để vị trí, vai trò quan trọng của mình, ngày 23/11/2023 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 28/2023/ QĐ-TTg sửa đổi các quy định về chế độ, chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS tại Quyết định 12/2018/QĐ-TTg, có hiệu lực từ ngày 15/1/2024.

Theo đó, quy định rõ người có uy tín được hỗ trợ từ việc cung cấp thông tin, đến hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần, tham quan học tập cũng như trong công tác biểu dương, khen thưởng… Sự quan tâm này cũng được thể hiện rõ trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trong đó dành một dự án riêng triển khai thực hiện chế độ, chính sách cho người có uy tín.

 Các thế lực thù địch vẫn luôn tìm mọi thủ đoạn để lợi dụng vấn đề dân tộc thực hiện mưu đồ chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Việc thực hiện chính sách về dân tộc, quan tâm, chăm lo toàn diện cho đội ngũ người uy tín chính là để phát huy vai trò, ảnh hưởng của đội này để họ thực sự là những người tiêu biểu, gương mẫu, là điểm tựa cho mọi điểm tựa khác trong vùng đồng bào DTTS.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc