Multimedia Đọc Báo in

Tăng "sức trẻ" cho Đảng từ trường học (Kỳ cuối)

08:35, 09/10/2024

Kỳ cuối: "Chìa khóa" trong phát triển đảng viên là học sinh

Hiện nay, công tác phát triển đảng viên là học sinh ở một số cấp ủy trên địa bàn tỉnh vẫn còn bộc lộ những khó khăn, bất cập. Chính vì vậy, việc tìm lời giải cho bài toán phát triển thế hệ kế cận của Đảng rất cần được cấp ủy các cấp lưu tâm.

Bài toán ươm mầm...

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác chăm lo bồi dưỡng đội dự bị tin cậy của Đảng trong các trường học nhưng 4 năm qua, toàn tỉnh chỉ mới kết nạp được 368 học sinh vào Đảng. Con số này còn khiêm tốn so với nguồn lực về số học sinh gương mẫu, tích cực trong học tập, rèn luyện tại các trường THPT.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó, lý do đầu tiên có thể kể đến là quy định về độ tuổi, tức đảng viên phải đủ từ 18 tuổi trở lên. Vì vậy, hiện nay hầu hết nhà trường đang tập trung bồi dưỡng, phát triển Đảng cho học sinh lớp 12 có ngày sinh từ tháng 6 trở về trước.

Tuy nhiên, khi tìm hiểu tại các trường THPT, hầu hết cấp ủy đều bày tỏ sự nuối tiếc vì nhiều học sinh có ngày sinh từ tháng 6 trở đi có thành tích học tập tốt, hoạt động tích cực nhưng lại không được xem xét kết nạp Đảng do không đủ tuổi. Trong khi, từ tháng 6 trở đi, học sinh lớp 12 vẫn tiếp tục ôn luyện tại trường, nhà trường, chi bộ vẫn có thể theo dõi các em đã được học lớp nhận thức về Đảng có ngày sinh từ đầu tháng 6 đến hết tháng 8 để kết nạp. Thế nhưng do chưa có hướng dẫn của cấp trên nên nhiều trường phải chuyển các em về địa phương, khiến việc theo dõi kết nạp Đảng bị gián đoạn.

Đoàn viên Trường THPT Lê Quý Đôn (TP. Buôn Ma Thuột) tham gia Lễ ra quân Chiến dịch tình nguyện Hoa phượng đỏ. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Mặt khác, công tác giáo dục chính trị tư tưởng, phát triển Đảng trong học sinh dù luôn được Đảng quan tâm xuyên suốt nhưng lại chưa có quy định, hướng dẫn riêng, thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Điều này dẫn đến việc còn những cách hiểu, cách làm khác nhau, cũng như tâm lý dè dặt, thận trọng khi phát triển Đảng cho học sinh. Đơn cử như tại Trường THPT Ea Rốk (huyện Ea Súp), mặc dù các phong trào hoạt động đoàn rất sôi nổi, thu hút đông đảo học sinh tham gia nhưng đến hết năm học 2023 - 2024, nhà trường vẫn "trắng" đảng viên là học sinh, thậm chí chưa cử học sinh nào tham gia lớp nhận thức về Đảng. Hay như Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (huyện Krông Búk), chỉ đến năm học 2023 - 2024 vừa qua, chi bộ mới phát triển được đảng viên đầu tiên là học sinh. Nguyên nhân mà các trường chia sẻ là do chờ hướng dẫn cụ thể, chi tiết từ cấp trên mới bắt tay vào thực hiện.

Bên cạnh nguyên nhân về quy định độ tuổi, thiếu hướng dẫn cụ thể, có nhiều lý do khác đến từ tâm lý, tư tưởng của phụ huynh, học sinh hay sự thiếu quyết liệt trong quá trình chỉ đạo, thực hiện ở các cấp ủy. Như chia sẻ của đồng chí Lê Văn Thọ, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đăng Lưu (huyện Krông Búk), hiện nay một số học sinh dù có thành tích học tập tiêu biểu nhưng nhận thức chính trị còn hạn chế, chưa giác ngộ mục tiêu, lý tưởng phấn đấu vào Đảng. Bên cạnh đó, một số gia đình còn lo ngại việc tham gia nhiều phong trào, hoạt động đoàn cũng như tham gia sinh hoạt Đảng sẽ ảnh hưởng đến thời gian và kết quả học tập của con em mình. Một số phụ huynh khác lại cho rằng, con em mình còn quá trẻ, chưa đủ độ “chín” trong nhận thức và hành động, chưa thể làm tròn vai trò, sứ mệnh của người đảng viên ngay từ độ tuổi 18.

 

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phát triển Đảng trong học sinh, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành giáo dục và các cấp đoàn thanh niên.  Bên cạnh đó cần phải có sự đồng hành của các tổ chức, đoàn thể khác nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị trong việc chăm lo, bồi dưỡng và phát triển thanh niên”.

 
Bí thư Tỉnh Đoàn H Giang Niê

Theo Bí thư Huyện ủy Krông Búk Nguyễn Hải Đông, thực tiễn ở các đơn vị trường học thời gian qua cho thấy vẫn còn một số cấp ủy, ban giám hiệu nhà trường chưa thực sự quan tâm đến tạo nguồn và chỉ đạo xây dựng kế hoạch phát triển đảng viên là học sinh. Đặc biệt, người đứng đầu cấp ủy cơ sở chưa quyết tâm, vào cuộc mạnh mẽ khiến việc phát triển đảng viên là học sinh còn e dè, thụ động.

Hóa giải khó khăn

Để tháo gỡ khó khăn, thực hiện chặt chẽ, đồng bộ việc kết nạp đảng viên đối với học sinh, sinh viên, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp. Mới đây nhất là ban hành Hướng dẫn 04-HD/TU, ngày 17/7/2024 để hướng dẫn một số vấn đề về việc kết nạp quần chúng là học sinh, sinh viên vào Đảng. Đây được xem là “chìa khóa” cho các đảng bộ, chi bộ để thống nhất trong nhận thức và hành động, triển khai có hiệu quả, đúng định hướng công tác phát triển Đảng trong học sinh THPT.

Từ việc xác định được những tồn tại, hạn chế trong công tác phát triển đảng viên là học sinh, trong đó có sự thiếu quyết liệt của một số cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, Tỉnh ủy và các Huyện ủy đã đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Krông Bông H’Kim Rơ Chăm cho rằng, cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy cần nêu cao vai trò trách nhiệm trong lãnh đạo, cũng như nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng. Hơn hết, cần nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò, tầm quan trọng trong công tác phát triển đảng viên. Từ đó, thường xuyên quan tâm, quyết liệt chỉ đạo trong công tác bồi dưỡng, phát hiện, tạo nguồn phát triển đảng viên là học sinh và coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm.

Bí thư Huyện ủy Krông Pắc Trần Hồng Tiến cho rằng, các lễ kết nạp Đảng cho học sinh nên mời phụ huynh, cùng những đoàn viên tiêu biểu để lan tỏa niềm tự hào, lan tỏa tinh thần thi đua trong học sinh nhà trường. Sau khi kết nạp Đảng cho học sinh, các đảng bộ, chi bộ trường THPT cần tiếp tục quan tâm, theo dõi ngay cả khi các em đã chuyển sinh hoạt về tổ chức đảng của trường đại học hoặc địa phương. Từ đó, động viên họ phát huy vai trò người đảng viên trẻ trong môi trường mới và kịp thời hỗ trợ khi các em cần.

Trường THPT Krông Bông (huyện Krông Bông) luôn quan tâm công tác giáo dục truyền thống cho học sinh.

Còn theo Trưởng Phòng Tổ chức đảng - Đảng viên (Ban Tổ chức Tỉnh ủy) Nguyễn Xuân An, để công tác phát triển đảng viên là học sinh đạt được kết quả như kỳ vọng, các cấp ủy cần xác định rõ vai trò nêu gương của thầy cô là đảng viên cũng như vai trò của công tác đoàn. Đặc biệt, cần quan tâm đến việc bồi dưỡng nhận thức của các em học sinh từ nhiều phía, kể cả cấp ủy, nhà trường, gia đình và tổ chức đoàn.

Có thể nói, xây dựng thế hệ trẻ “tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn”, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng đất nước là một quá trình lâu dài, liên tục và cần có sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, của gia đình, nhà trường và xã hội. Chính vì vậy, bên cạnh những giải pháp về bồi dưỡng, kèm cặp, phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa cấp ủy, chi bộ, tổ chức đoàn và đảng viên phân công theo dõi. Có như vậy mới có thể giải được bài toán ươm mầm, đồng thời trang bị được hành trang đường dài cho những “hạt giống đỏ” phát triển trong các trường học.

Lê Lan - Đinh Nga - Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.