Multimedia Đọc Báo in

Tổng tuyển cử đầu tiên - Thắng lợi của khối đại đoàn kết toàn dân tộc

08:19, 06/01/2025

Với thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đất nước ta trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực và trên thế giới giành được độc lập từ ách thống trị của thực dân.

Để cụ thể hóa những ước mơ của dân tộc, một trong những nhiệm vụ cần thiết đầu tiên là xây dựng Hiến pháp và tổ chức Tổng tuyển cử để Nhà nước mới thực sự đại diện cho tiếng nói, ý chí, nguyện vọng của nhân dân, được quốc tế thừa nhận rộng rãi.

Ngày 3/9/1945, chỉ một ngày sau khi tuyên bố độc lập, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị nhiệm vụ cấp bách phải thực hiện ngay là “tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu” để bầu ra Quốc hội.

Ngày 8/9/1945, Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 14/SL về việc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội. Tiếp đó, ngày 17/10/1945, Chính phủ ký Sắc lệnh số 51/SL quy định Thể lệ Tổng tuyển cử.

Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ phiếu bầu cử tại nhà số 10, phố Hàng Vôi, Hà Nội. Ảnh tư liệu

Báo Cứu Quốc số 130 ra ngày 31/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài "Ý nghĩa của Tổng tuyển cử", trong đó Người viết: “Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó. Vì lẽ đó, cho nên Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết… Tôi mong rằng toàn thể quốc dân sẽ hăng hái tham gia cuộc Tổng tuyển cử này”.

Báo Cứu quốc số 134 ngày 5/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết "Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu". Trong đó, Người nhấn mạnh: “Ngày mai mồng 6 tháng Giêng năm 1946. Ngày mai là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ. Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình”. Tuy ngắn gọn nhưng "Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu" đã khẳng định được bầu cử là để thực thi chế độ dân chủ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; là chính thể cộng hòa dân chủ, một Nhà nước dân chủ thì tất cả mọi người dân đều có quyền ứng cử và tham gia bầu cử Quốc hội của nước Việt Nam mới.

Được truyền cảm hứng bởi lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta từ Bắc tới Nam, không phân biệt già trẻ, dân tộc, bất chấp sự phá hoại của nhiều thế lực, đã bỏ những lá phiếu đầu tiên vì tương lai tươi sáng của dân tộc mình. Cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 đã thành công trên cả nước, bất chấp sự phá hoại điên cuồng của bọn phản động ở phía Bắc và cuộc xâm lăng của thực dân Pháp ở phía Nam. Tính chung cả nước, số cử tri tham gia bỏ phiếu là 89%; cuộc Tổng tuyển cử đã bầu được 333 đại biểu, trong đó có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái yêu nước và cách mạng khác nhau, 43% không đảng phái, 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu các dân tộc thiểu số.

Cử tri nhận phiếu bầu tại các bàn bầu cử năm 1946. Ảnh tư liệu

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử mang nhiều ý nghĩa, không những hợp pháp hóa, chính đáng hóa quyền lực Nhà nước mà còn là giải pháp mang tính gốc rễ, căn bản để giải quyết những mâu thuẫn, xung đột giai cấp, đảng phái trong điều kiện hòa bình với câu trả lời rất đơn giản nhưng đầy sức thuyết phục: Bầu cử thể hiện ý chí và nguyện vọng của toàn dân. Bên cạnh đó, cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên ngày 6/1/1946 là nền móng để xây dựng một Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.

Chỉ hai tháng sau khi cuộc bầu cử thành công, Quốc hội nước ta đã họp Kỳ họp đầu tiên vào tháng 3/1946, thành lập nên Chính phủ Liên hiệp kháng chiến và tại Kỳ họp thứ Hai (tháng 11/1946) thông qua bản Hiến pháp 1946 – Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Thắng lợi của Tổng tuyển cử, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Là kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta, sự đoàn kết của toàn thể đồng bào không kể già trẻ, lớn bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối, hy sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc”.

Cẩm Trang


Ý kiến bạn đọc