Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk đóng góp nhiều ý kiến tại thảo luận tổ
Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, sáng 12/2, Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Tham gia thảo luận tại Tổ 13, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đắk Lắk đã đóng góp nhiều ý kiến về hai dự án luật này.
Liên quan đến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, các đại biểu tán thành việc xác định phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội như đã nêu trong Tờ trình.
Để đáp ứng yêu cầu sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy nhà nước, các đại biểu cho rằng, trong lần sửa đổi này cần tập trung chủ yếu vào các quy định về cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội; về phân định thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với thẩm quyền của Chính phủ. Đồng thời, kết hợp sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội mà qua tổng kết thực tiễn hoạt động có phát sinh vướng mắc, bất cập.
![]() |
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 13. Ảnh: quochoi.vn |
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Thiếu tướng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk) đề nghị bổ sung thêm vào dự thảo sửa đổi Điều 21 của luật về vị trí, vai trò của ĐBQH chuyên trách. Theo đại biểu, quy định hiện nay, ĐBQH chuyên trách vẫn chung nhiệm vụ, quyền hạn, địa vị pháp lý như các đại biểu khác. Vì vậy cần bổ sung quy định để xác định rõ hơn về vị trí pháp lý của ĐBQH chuyên trách trong hệ thống chính trị nhằm tạo điều kiện cho ĐBQH chuyên trách tiếp tục phát huy vai trò, hiệu quả trong hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Đoàn ĐBQH ở địa phương.
Bên cạnh đó, về tiêu chuẩn của ĐBQH được quy định tại Điều 22, đại biểu Nguyễn Thị Xuân đề nghị cần bổ sung thêm một khoản về tiêu chuẩn, quy định riêng đối với ĐBQH chuyên trách - ngoài những tiêu chuẩn chung của ĐBQH được quy định tại Điều 22, để từ đó nâng cao hơn nữa chất lượng của ĐBQH, đặc biệt là ĐBQH chuyên trách.
Về thực hiện nhiệm vụ của ĐBQH, đại biểu Nguyễn Thị Xuân đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung vào dự thảo luật về cơ chế, quy định đánh giá kết quả và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của ĐBQH.
Theo đại biểu, việc bổ sung này vừa tạo cơ sở để cử tri giám sát hoạt động của ĐBQH, đồng thời cũng thúc đẩy các ĐBQH phát huy tinh thần trách nhiệm hơn nữa, tăng cường lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân. Từ đó chủ động tìm hiểu, nắm bắt thực tiễn đời sống xã hội và đầu tư nghiên cứu, chuẩn bị các ý kiến có chất lượng hơn khi tham gia thực hiện nhiệm vụ của ĐBQH và của Quốc hội, đặc biệt là khi tham gia các dự án luật, cũng như truyền tải tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của cử tri và nhân dân cả nước đến diễn đàn Quốc hội…
Liên quan đến dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), các đại biểu đánh giá cao việc Bộ Tư pháp đã chủ động, tích cực, nỗ lực, trách nhiệm trong quá trình chuẩn bị Hồ sơ dự án Luật, bảo đảm đầy đủ, đúng tiến độ theo quy định.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận. (Ảnh chụp màn hình) |
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk khẳng định: Qua 10 năm triển khai Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã tạo hành lang pháp lý cơ bản để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo điều kiện thuận lợi giải quyết những vấn đề phát sinh từ thực tế tại địa phương. Tuy nhiên, qua quá trình triển khai thực hiện Luật cũng bộc lộ một số vấn đề bất cập, hạn chế, đặc biệt là trước yêu cầu hiện nay, việc Chính phủ trình tại kỳ họp lần này là rất cần thiết, có nhiều vấn đề mới so với luật hiện hành.
Đóng góp ý kiến về phản biện xã hội, tham vấn, góp ý kiến đối với chính sách dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại Điều 6, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt nêu rõ, tại khoản 3 dự thảo luật quy định là cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền và được tạo điều kiện tham gia góp ý kiến về chính sách dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; trong đó Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tham gia góp ý đối với chính sách dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp.
Đại biểu cho rằng, không nên bó hẹp, chỉ tập trung vào Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tham gia góp ý, lấy ý kiến mà tại địa phương có thể tham chiếu được nhiều tổ chức mang tính tương đồng như Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ… trong quá trình lấy ý kiến các nội dung liên quan khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật mà vẫn đảm bảo được về tính pháp lý.
Đối với việc đánh giá tác động chính sách tại Điều 29, khoản 3 quy định tác động về giới (nếu có), tại khoản 4 quy định tác động của thủ tục hành chính (nếu có), đại biểu cho rằng, nếu đưa từ “nếu có” có thể dẫn đến các cơ quan khi tham mưu xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật sẽ tùy vào từng trường hợp mà đưa nội dung này vào hay không. Theo đại biểu, điều này cần xác định là mang tính bắt buộc, khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần sự đánh giá tác động của nhiều mặt, trong đó có đánh giá tác động về giới, đánh giá tác động của thủ tục hành chính…
![]() |
Đại biểu Lưu Văn Đức, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đóng góp ý kiến thảo luận. (Ảnh chụp màn hình) |
Quan tâm đến việc đảm bảo chính sách dân tộc trong dự thảo Luật, đại biểu Lưu Văn Đức, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nhấn mạnh, trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc các nhiệm kỳ đã xác định, vấn đề dân tộc, đại đoàn kết dân tộc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách.
Các vùng dân tộc thiểu số, miền núi là những địa bàn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở, động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái. Các chính sách dân tộc phải đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển của các dân tộc.
Tương tự như tác động về giới, tác động về thủ tục hành chính thì chính sách dân tộc cần phải được đánh giá tác động khái quát hơn và có tính đặc thù hơn, không chỉ là về vấn đề kinh tế - xã hội.
Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần cụ thể hóa nội dung tại các văn kiện theo quy định, bổ sung một khoản riêng tại Điều 29 dự thảo Luật đối với nội dung tác động trong thực hiện chính sách dân tộc (nếu có), việc đánh giá thực hiện trên cơ sở bình đẳng, đoàn kết các dân tộc, tạo điều kiện thuận lợi để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực cùng phát triển với đất nước.
Bên cạnh đó, đại biểu cho biết, theo quy định tại khoản 3, Điều 75, Hiến pháp năm 2013 quy định: khi ban hành quy định thực hiện chính sách dân tộc, Chính phủ phải lấy ý kiến của Hội đồng Dân tộc. Đây là quy định của Hiến pháp, thể hiện sự khác biệt về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Dân tộc với các cơ quan khác của Quốc hội. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần cụ thể hóa các nội dung tại khoản 3, Điều 75, Hiến pháp năm 2013 vào dự thảo Luật. Theo đó, đề nghị bổ sung thêm nội dung lấy ý kiến của Hội đồng Dân tộc đối với chính sách dân tộc (nếu có) vào Điều 6 và Điều 30 của dự thảo Luật.
Đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu quy định cụ thể hơn về trách nhiệm tham gia văn bản quy phạm pháp luật đối với các cơ quan, tổ chức, địa phương nhằm khắc phục tình trạng ít hoặc không quan tâm đầu tư trong nghiên cứu, góp ý dự thảo văn bản quy phạm pháp luật dẫn đến tình trạng khi đã ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì lại đề xuất sửa đổi, bổ sung trong quá trình thực hiện…
Lan Anh
Ý kiến bạn đọc