Multimedia Đọc Báo in

Sức sống trường tồn của “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”

08:16, 24/02/2025

Cách đây 177 năm, vào ngày 24/2/1848, tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” do Karl Marx và Friedrich Engels biên soạn được xuất bản lần đầu tại Anh. Đây là tác phẩm có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đánh dấu sự hình thành về cơ bản lý luận chủ nghĩa Marx.

“Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” chỉ có 4 chương ngắn gọn nhưng đã trình bày cơ bản những luận điểm, tư tưởng cơ bản và chủ đạo được xây dựng trên nền tảng vững chắc của chủ nghĩa Marx là chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, đồng thời lần đầu tiên những tư tưởng này đã được Karl Marx và Friedrich Engels trình bày hoàn chỉnh, cô đọng, súc tích và có hệ thống.

Ngay từ những dòng đầu tiên của tuyên ngôn, Karl Marx và Friedrich Engels đã chỉ rõ nỗi sợ hãi và sự căm thù của các thế lực trong thế giới tư bản chủ nghĩa đối với phong trào cộng sản đang hình thành và ngày một phát triển sâu rộng bằng một lời khẳng định: Một bóng ma đang ám ảnh châu Âu. “Bóng ma” ấy đã khiến cho các thế lực trong thế giới tư bản phải “liên hợp lại thành một liên minh thần thánh để trừ khử”. Đây là tuyên bố có ý nghĩa về mặt tư tưởng và hiện thực sâu sắc, vì đã “công khai trình bày trước toàn thế giới những quan điểm, mục đích, ý đồ của mình… để đập lại câu chuyện hoang đường về bóng ma cộng sản”.

“Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” trở thành cương lĩnh cách mạng đầu tiên của giai cấp vô sản thế giới, do nội dung văn kiện lịch sử này đã đưa ra và luận giải sâu sắc nhiều luận điểm, nguyên lý mang tính chất phổ biến cả về lý luận và thực tiễn, có giá trị làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho toàn bộ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Karl Marx (trái) và Friedrich Engels. Ảnh tư liệu

Về mặt lý luận, “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” thuyết trình sự diệt vong tất yếu của chủ nghĩa tư bản (CNTB); sứ mệnh lịch sử thế giới của giai cấp vô sản hiện đại. Về thực tiễn, “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” đã trình bày công khai mục đích, nhiệm vụ, con đường, những biện pháp cách mạng và lập trường, chiến lược, sách lược của những người cộng sản để xóa bỏ nguồn gốc sinh ra bất bình đẳng, áp bức giai cấp, áp bức dân tộc chính là CNTB, thiết lập nền thống trị của giai cấp vô sản, tiến hành cải tạo xã hội tư bản và xây dựng xã hội mới văn minh, tiến bộ hơn, đó là xã hội cộng sản chủ nghĩa.

Trong tuyên ngôn, Karl Marx và Friedrich Engels đề cập đến sự tha hóa trong lao động của con người; dự báo sự tha hóa của con người diễn ra toàn diện trong mọi lĩnh vực hoạt động xã hội, khi “giai cấp tư sản thẳng tay phá vỡ, không để lại giữa người và người một mối quan hệ nào khác, ngoài lợi ích trần trụi và lối “tiền trao cháo múc” không tình không nghĩa”.  Tác phẩm chỉ rõ: “Hãy xóa bỏ tình trạng người bóc lột người thì tình trạng dân tộc này bóc lột dân tộc khác cũng sẽ bị xóa bỏ”. Rõ ràng, không thể giải quyết được vấn đề dân tộc nếu không tiến hành đấu tranh giai cấp để thủ tiêu chế độ người bóc lột người, nếu không gắn đấu tranh giải phóng dân tộc với đấu tranh vì chủ nghĩa xã hội (CNXH) của giai cấp vô sản và tất cả những người bị áp bức thì tình trạng áp bức dân tộc và áp bức giai cấp chưa được giải quyết triệt để.

Mục đích cuối cùng của những người cộng sản là thực hiện chủ nghĩa cộng sản, “trong cuộc cách mạng công nhân là giai cấp vô sản biến thành giai cấp thống trị, là giành lấy dân chủ”, là “tổ chức những người vô sản thành giai cấp, lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản, giai cấp vô sản giành lấy chính quyền”, sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người. Tuyên ngôn kết thúc bằng khẩu hiệu bất hủ: “Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại”.

Sự ra đời “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” đánh dấu sự phát triển vượt bậc của phong trào công nhân, đó là sự phát triển từ tự phát đến tự giác. Tư tưởng khoa học và cách mạng trong văn kiện lịch sử này nhanh chóng thâm nhập vào giai cấp vô sản và lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân lao động, trở thành lực lượng vật chất vĩ đại. Nhiều cuộc cách mạng xã hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động đã nổ ra và giành được những thắng lợi, đã làm thay đổi bộ mặt của thế giới đương đại.

Đánh giá về tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, V.I.Lenin khẳng định: “Cuốn sách nhỏ ấy có giá trị bằng hàng ngàn bộ sách, tinh thần của nó đến bây giờ vẫn cổ vũ và thúc đẩy toàn thế giới giai cấp vô sản có tổ chức và đang chiến đấu của thế giới văn minh”. V.I.Lenin đã vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản trong tuyên ngôn vào điều kiện cụ thể của nước Nga để bảo vệ thành quả Cách mạng Tháng Mười.

Dưới ánh sáng của “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế trong 177 năm qua đã giành được những thành tựu quan trọng, biến CNXH từ lý luận, học thuyết thành hiện thực sinh động trong cuộc sống.

Với cách mạng Việt Nam, “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” có vị trí đặc biệt quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhận tinh thần của tuyên ngôn qua đọc và tiếp thu nội dung cơ bản sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của V.I.Lenin vào năm 1920. Trong bối cảnh lịch sử mới, Người nhấn mạnh: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.

95 năm qua, được soi sáng bởi tư tưởng của Tuyên ngôn Đảng Cộng sản, chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đạt được những thành tựu to lớn sau 40 năm đổi mới đã mang đến cơ hội lịch sử đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Những quan điểm của các nhà kinh điển càng giúp chúng ta vững tin vào con đường đã chọn, vững tin vào giá trị bền vững của chủ nghĩa Marx-Lenin nhằm xóa bỏ mọi áp bức, bất công, hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đặc biệt, tinh thần bút chiến trong phản bác các luận điệu sai trái, thù địch của các thế lực phản động cho đến nay vẫn mang tính thời sự, là những chỉ dẫn quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.

Nguyễn Thanh Hoàng


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Đắk Lắk phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 8% trở lên
Kỳ họp chuyên đề lần thứ 17, HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa X diễn ra ngày 19/2 đã thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh, bổ sung một số chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt trên 8% trở lên.