Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy và mở rộng không gian phát triển
Tại Kỳ họp Chuyên đề lần thứ 18 diễn ra ngày 25/4, HĐND tỉnh đã quyết nghị nhiều nội dung quan trọng; trong đó có các nghị quyết thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và hợp nhất hai tỉnh Đắk Lắk - Phú Yên.
Chủ trương này không chỉ là sự thay đổi về địa giới hành chính, mà còn là bước đi chiến lược mang tính lịch sử, đánh dấu một giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ trong lộ trình cải cách tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và khơi thông các nguồn lực.
Những ý kiến tâm huyết với nhiều góc nhìn từ lãnh đạo tỉnh; nguyên lãnh đạo tỉnh; nhà quản lý văn hóa – du lịch; doanh nhân đến cựu chiến binh cho thấy tinh thần đồng thuận sâu sắc và niềm tin vào một tương lai phát triển toàn diện, bền vững của tỉnh mới.
* Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh HUỲNH THỊ CHIẾN HÒA:
Chung sức, đồng lòng, đáp ứng kỳ vọng cử tri và yêu cầu phát triển mới
![]() |
Thực hiện nghiêm túc tinh thần chỉ đạo của Trung ương, thời gian vừa qua, các cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành trong tỉnh đã khẩn trương, chủ động, tích cực, trách nhiệm, làm việc không kể ngày, đêm, ngày nghỉ; nhanh chóng hoàn thiện các Đề án, tổ chức lấy ý kiến của nhân dân và các đơn vị, đối tượng có liên quan để trình Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo quy chế, trình HĐND các cấp theo quy định.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức nhiều cuộc họp, hội nghị để xem xét, thảo luận, bàn bạc kỹ lưỡng, thận trọng, cho ý kiến và quyết định theo thẩm quyền đối với các Đề án, Tờ trình liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và các cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Kỳ họp Chuyên đề lần thứ 18 đã quyết nghị nhiều nội dung quan trọng, cấp thiết, mang tính lịch sử, với những thay đổi lớn về đơn vị hành chính, tổ chức, bộ máy, hoạt động của hệ thống chính trị; tác động đến tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân.
Để thực hiện thắng lợi các nghị quyết đã được HĐND tỉnh thông qua, đề nghị UBND tỉnh khẩn trương chỉ đạo, tổng hợp, hoàn thiện Hồ sơ đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh; cấp xã trình Bộ Nội vụ thẩm định theo đúng yêu cầu của Trung ương.
Sau khi đề án được cấp có thẩm quyền thông qua, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương có liên quan tổ chức thực hiện nghiêm túc, kịp thời các nội dung tại Nghị quyết số 76 ngày 14/4/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các văn bản có liên quan khác khi kiện toàn tổ chức bộ máy; có phương án sắp xếp, sử dụng hợp lý trụ sở làm việc, trang thiết bị, tài chính, tài sản công, cơ sở hạ tầng, không để lãng phí, thất thoát, hư hỏng tài sản của nhà nước; kịp thời bảo đảm các chế độ, chính sách, các điều kiện phục vụ tốt nhất cho chính quyền và nhân dân sau sắp xếp theo quy định; đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhân dân; sớm ổn định về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội tại địa bàn; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính, chuyển đổi giấy tờ theo đơn vị hành chính mới…
* Nguyên Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk Y KHÚT NIÊ:
Mở không gian phát triển – Cơ hội vươn ra biển lớn
![]() |
Trong xu thế hiện nay, đối với Việt Nam là một đất nước hình chữ S có hơn 3.000 km bờ biển. Tiềm lực của biển là một thế lực phát triển rất mạnh; tất nhiên ở miền núi có thế lực phát triển của miền núi. Cho nên hướng mở ra không gian phát triển hiện nay không những theo chiều dọc Bắc - Nam và mở ra không gian phát triển Đông Bắc và Đông Nam là một việc hết sức đúng đắn.
Chúng ta có núi, có biển để phát huy được tiềm lực ở mỗi vùng miền, đặc biệt hiện nay Tây Nguyên có biên giới giáp Lào, Campuchia. Các nước bạn Lào và Campuchia không có biển. Nếu các tỉnh Tây Nguyên kết hợp phát triển với vùng biển sẽ tạo động lực phát triển, không những riêng cho các địa phương đó, mà sẽ tạo điều kiện cho các nước bạn Lào, Campuchia có những điều kiện phát triển hướng ra biển. Hướng mở rộng không gian phát triển kinh tế - xã hội có biển, có núi sẽ thúc đẩy sự phát triển trọn vẹn hơn, đầy đủ hơn. Tầm nhìn này rất đúng đắn, sẽ mở rộng không gian phát triển, có vùng biển, miền núi, thúc đẩy tiềm năng của mỗi địa phương.
Để thực hiện tốt chủ trương này, các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền, các đoàn thể xã hội cần làm tốt công tác tư tưởng, xác định rõ mục tiêu của cuộc cách mạng này là vì cái gì. Đã là cuộc cách mạng là phải có những khó khăn, gian nan, mất mát, hy sinh để đạt được mục tiêu cuối cùng.
Để đạt được mục tiêu đó cần phải có sự đồng thuận từ cấp trên xuống dưới, từ ngang đến dọc, từ đảng viên đến nhân dân. Thứ nhất, cần phải tạo sự đồng thuận ngay trong chính đảng viên. Thứ hai là tạo được sự đồng thuận của nhân dân, của xã hội. Đấy là một nền móng cơ bản nhất, lớn nhất để đạt được mục tiêu đề ra. Vấn đề thứ ba là đòi hỏi từ lãnh đạo Đảng, những người đứng đầu phải có sự nhìn nhận, sắp xếp, bố trí lại con người phải thực sự khách quan, minh bạch, rõ ràng, tạo không khí làm việc tươi mới, phấn khởi…
* Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TRẦN HỒNG TIẾN:
Giao thoa văn hóa – Kết nối du lịch xanh và biển
![]() |
Chủ trương sáp nhập hai tỉnh Đắk Lắk - Phú Yên sẽ tạo ra không gian phát triển cho cả hai địa phương. Về góc độ văn hóa thì mỗi địa phương có những bản sắc văn hóa khác nhau. Khi mở rộng không gian văn hóa thì đây là cơ hội để có sự giao thoa văn hóa giữa hai địa phương, để hỗ trợ cho nhau cùng phát triển.
Phú Yên thì văn hóa đặc sắc nhất là văn hóa Chăm Pa; đối với Đắk Lắk thì văn hóa Tây Nguyên như Êđê, M’nông và một số văn hóa của các dân tộc khác, khi được kết hợp với nhau thì bản sắc văn hóa đa dạng hơn và từ đó giúp cho văn hóa của tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên sau khi sáp nhập sẽ rất phong phú, đa dạng và cũng là một cơ hội, từ phát triển văn hóa tới phát triển du lịch sẽ hỗ trợ nhau để cùng phát triển.
Đắk Lắk có rừng, có các di sản văn hóa, các di tích, danh lam thắng cảnh và đặc biệt Đắk Lắk hiện nay đang phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp. Đối với Phú Yên là phát triển về du lịch biển. Giữa rừng và biển kết hợp với nhau thì sẽ có không gian phát triển du lịch, hỗ trợ cho nhau và khi hai tỉnh sáp nhập thì việc phát triển du lịch được xem là một trong những thế mạnh của địa phương.
Trong thời gian tới, sau khi hoàn thành việc sáp nhập tỉnh, ngành văn hóa, thể thao, du lịch sẽ đẩy mạnh quảng bá du lịch và xúc tiến du lịch tại một số địa phương để làm sao cho du khách và nhân dân trong và ngoài nước biết đến Đắk Lắk nhiều hơn, biết đến bản sắc văn hóa, biết đến danh lam thắng cảnh và dựa trên tiềm năng của hai tỉnh hiện tại sẽ cùng nhau xây dựng các sản phẩm du lịch mới, du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch tham quan các di tích, di sản để đẩy mạnh phát triển du lịch.
Cùng với đó, Sở Văn hóa, Thể thao Du lịch tỉnh Đắk Lắk sẽ cùng phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên nghiên cứu xây dựng các chiến lược phát triển văn hóa, thể thao và du lịch chung cho tỉnh mới. Đồng thời tham mưu đề xuất với tỉnh xây dựng các Nghị quyết, các Đề án phù hợp với thực tiễn…
* Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco Dak Lak) LÊ ĐỨC HUY:
Động lực cho xuất khẩu và đầu tư
![]() |
Với vai trò là doanh nghiệp xuất khẩu nông sản chủ lực của tỉnh Đắk Lắk, chúng tôi nhìn nhận việc hợp nhất hai tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên không chỉ là chủ trương đúng đắn về tổ chức bộ máy, mà còn mở ra cơ hội lớn cho cộng đồng doanh nghiệp. Dựa trên uy tín quốc tế đã gây dựng, cùng tiềm lực nhân sự, tài chính và kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất khẩu, chúng tôi thấy đây là thời điểm thuận lợi để mở rộng ngành hàng, tăng cường năng lực cạnh tranh và linh hoạt hơn trước các biến động về thuế quan toàn cầu.
Đắk Lắk từ lâu đã là trung tâm chế biến cà phê của cả nước. Định hướng của chúng tôi là tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào chế biến sâu để chủ động thị trường, tránh phụ thuộc giá cả và đối phó hiệu quả với thông tin bất ổn. Sau khi sáp nhập, với lợi thế tiếp cận biển, công ty đang xúc tiến khảo sát mở rộng đầu tư sang lĩnh vực chế biến hải sản – một mảng mà Phú Yên có tiềm năng nhưng chưa được khai thác mạnh. Đây thực sự là một dư địa mới. Chúng tôi đang tính toán kỹ các phương án đầu tư để giữ vững vai trò đầu tàu nông nghiệp của tỉnh trong bối cảnh mới.
Chủ trương tinh giản bộ máy, nâng cao hiệu lực – hiệu quả của chính quyền chính là tiền đề quan trọng để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, người dân có cuộc sống sung túc hơn. Chúng tôi kỳ vọng, cùng với sự quyết liệt từ Trung ương, sẽ có những chính sách cụ thể hóa nhanh chóng, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, để các doanh nghiệp kịp thời triển khai các dự án chế biến sâu, mở rộng ngành nghề và gia tăng giá trị sản xuất…
Vừa qua, hai tỉnh đã có những cuộc bàn thảo quan trọng và bước đi thiết thực như phối hợp triển khai mở rộng Quốc lộ 29 – tuyến đường kết nối rừng và biển. Chúng tôi mong các dự án hạ tầng trọng điểm, đặc biệt là cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, sẽ sớm được hiện thực hóa trong năm tới. Khi đó, tư duy liên kết tỉnh với tỉnh, vùng với vùng sẽ không chỉ là khẩu hiệu, mà trở thành trục phát triển chiến lược: Tỉnh Đắk Lắk mới có núi, có biển, có nông sản, thủy sản cùng với tỉnh Khánh Hòa mới sẽ trở thành một trục kinh tế đầy tiềm năng, với dư địa rất lớn…
* Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột BÙI NGỌC THẢO:
Kỷ nguyên mới từ tinh gọn bộ máy – Cần cán bộ “tài và đức”
![]() |
Với trách nhiệm của một cán bộ, đảng viên, tôi cho rằng việc tinh gọn bộ máy thông qua chủ trương sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập xã/phường chính là bước ngoặt lớn đưa đất nước bước vào một kỷ nguyên phát triển mới. Đây là một chủ trương đúng đắn, khoa học và được đông đảo cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân địa phương đồng tình, ủng hộ cao.
Bộ máy hành chính sau tinh gọn sẽ trở nên nhẹ hơn, hiệu quả hơn. Năng lực thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ – những người công bộc của dân – sẽ được nâng lên rõ rệt. Thay vì dàn trải nguồn lực như trước, giờ đây sẽ có sự tập trung đầu tư theo trọng điểm, trọng tâm, tạo điều kiện để ngân sách được sử dụng hiệu quả, phục vụ cho phát triển vùng miền một cách bài bản.
Với tư cách là một công dân, một đảng viên và từng là một sĩ quan quân đội, tôi đặc biệt kỳ vọng – như lời đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói: Đây là một kỷ nguyên mới để đưa đất nước ta bước vào một con đường mới, chặng mới, không những để đuổi kịp mà vươn lên tầm thế giới.
Dĩ nhiên, bất kỳ cuộc chuyển đổi lớn nào cũng không tránh khỏi khó khăn. Nhưng điều quan trọng là chúng ta đang có những thuận lợi rõ nét: tỉnh mới vừa có thế mạnh rừng – từ Đắk Lắk, vừa có lợi thế biển – từ Phú Yên. Ông cha ta đã khẳng định: “Rừng vàng – biển bạc”. Cộng hưởng các nguồn lực từ cà phê, hồ tiêu, cho đến cá ngừ đại dương sẽ kiến tạo một nền kinh tế toàn diện, bền vững cho tương lai. Việc sáp nhập này là một sự kết nối đầy tinh tế – vừa hợp lý, vừa thấu tình, hứa hẹn mang lại một bước phát triển bền vững từ rừng đến biển.
Để mục tiêu chung trở thành hiện thực, điều then chốt vẫn là yếu tố con người. Công tác cán bộ sẽ quyết định mọi thành công. Tôi mong rằng, Trung ương cũng như Ban chỉ đạo về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy sẽ lựa chọn những cán bộ đủ tài, đủ đức, đủ năng lực, trình độ – những người có tâm và có tầm – để gánh vác trọng trách trong giai đoạn lịch sử đặc biệt quan trọng này.
Lan Anh (thực hiện)
Đồ họa: Công Định
Ý kiến bạn đọc