Multimedia Đọc Báo in

Nhớ mãi những trận đánh sinh tử

07:41, 30/04/2025

Ở tuổi xưa nay hiếm (83 tuổi), Thượng tá Hồ Quảng Trị (nguyên Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Cư M’gar) dù tóc bạc trắng, sức khỏe giảm sút nhiều, song khí chất người lính đặc công năm nào vẫn ngời sáng.

Đường đến cách mạng

Hồ Quảng Trị sinh ra tại tỉnh Phú Yên, trong gia đình có 8 anh chị em, ông là con út. Năm ông lên 4 tuổi, mẹ qua đời; ít năm sau, cha cũng bị bệnh chết. 8 anh em mồ côi, nương tựa lẫn nhau và lớn lên đều tham gia cách mạng. Trong đó, người anh trai Hồ Văn Chừng là liệt sĩ, hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, an táng tại nghĩa trang quê nhà.

Được giác ngộ cách mạng từ sớm, năm 1960, khi mới 18 tuổi, Hồ Quảng Trị đã đi bộ đội, trở thành trinh sát viên của Tỉnh đội Đắk Lắk. Nhiệm vụ của trinh sát là thu thập tin tức, nắm tình hình địch, địa bàn; dẫn đường cho các lực lượng tham gia kháng chiến. Làm nhiệm vụ “sát nách” địch, lại phải thường xuyên tác chiến độc lập đã rèn giũa cho người lính trinh sát trẻ Hồ Quảng Trị sớm dạn dày, bản lĩnh. Bằng khả năng ghi nhớ tốt, Hồ Quảng Trị thuộc vanh vách từng khu vực, địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng của ta trong quá trình cơ động, thực hiện nhiệm vụ. Sự xuất sắc và nhiệt thành của người lính trẻ được cấp trên ghi nhận, chỉ sau hai năm nhập ngũ, ông đã vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Ông Hồ Quảng Trị kể lại những năm tháng hào hùng.

Năm 1965, ông được bầu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; được tặng bằng khen trong chiến đấu. Tháng 12/1966, bước ngoặt binh nghiệp đến với Hồ Quảng Trị khi ông được cử đi đào tạo cán bộ đặc công. Sau khóa học, ông được điều động về công tác tại Tiểu đoàn Đặc công 401 (Tỉnh đội Đắk Lắk).

Những mũi tiến công "thép"

Những năm tháng tuổi trẻ, chiến sĩ Hồ Quảng Trị có mặt trên khắp chiến trường, tham gia nhiều trận đánh, gặt hái nhiều thắng lợi trên các địa bàn.

Năm 1968, theo mệnh lệnh cấp trên, Tiểu đoàn Đặc công 401 được giao nhiệm vụ bí mật tập kích vào quận Lạc Thiện (nay là huyện Lắk). Đây là một cứ điểm quan trọng của địch, được canh gác, quản lý chặt chẽ, nghiêm ngặt bằng nhiều lớp rào, công sự. Muốn tiếp cận được nơi địch đóng quân cần phải vượt quãng đường sình lầy, men theo sườn núi với phương châm “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”.

Ông Hồ Quảng Trị (khi đó là Mũi trưởng Mũi 1, Đại đội 308, Tiểu đoàn Đặc công 401) đã cùng người đồng đội Nguyễn Văn Xích thực hiện nhiệm vụ tiền trạm, kiểm tra bám nắm tình hình. Từ thông tin quan trọng do các chiến sĩ đặc công cung cấp, lãnh đạo Tiểu đoàn đã quyết định đánh vào quận Lạc Thiện bằng xung lực. Rạng sáng 23/1/1968, các mũi tập kích của Tiểu đoàn nhằm thẳng vào mục tiêu.

Chỉ sau 40 phút chiến đấu, ta đã làm chủ quận Lạc Thiện, diệt và làm bị thương 170 tên địch, trong đó có cả quận trưởng và quận phó; bắt sống một số tên, phá hủy 3 khẩu pháo, 2 khẩu cối, 5 khẩu đại liên và nhiều vũ khí khác. Bản thân ông bị địch bắn vào đùi trái, hiện vẫn còn viên đạn trong người.

Ông Hồ Quảng Trị tỉ mỉ ghi chép lại những kỷ niệm vào sinh ra tử trên chiến trường.

Cũng trong năm 1968, Đại đội 309 do Hồ Quảng Trị làm Đại đội trưởng được giao nhiệm vụ chiến đấu độc lập tại chi khu quận lỵ Buôn Hồ. Ông kể: “Địch từng tự tin khẳng định, cộng sản mà đánh được Buôn Hồ chỉ khi trâu đực biết đẻ. Điều đó cho thấy rằng, địch xem thường ta không thể làm gì được, bởi cứ điểm đặc biệt quan trọng này đã được chúng bố trí dày đặc hầm hào, công sự, canh gác chặt chẽ đêm ngày”. Tuy vậy, với lối đánh bất ngờ, luồn sâu, Đại đội trưởng Đại đội 309 Hồ Quảng Trị đã chỉ huy lực lượng bí mật nổ súng, tiến công trên các hướng. Kết quả đã nhanh chóng tiêu diệt và làm bị thương 400 tên, bắt sống 2 tên, phá hủy nhiều vũ khí, đạn dược, kho xăng dầu của địch. Sau chiến thắng vang đội này, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên đã tặng Đại đội 309 danh hiệu “Đơn vị Thành đồng Quyết thắng”.

Năm 1969, Đại đội 309, Tiểu đoàn Đặc công 401 được lệnh cấp trên hành quân làm nhiệm vụ tại vùng trọng điểm H3 (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai hiện nay), tiếp tục hiệp đồng chiến đấu với Tiểu đoàn 301 và các lực lượng Mặt trận Tây Nguyên. Đêm 5/3/1969, Đại đội 309 do Đại đội trưởng Hồ Quảng Trị chỉ huy đã theo lệnh cấp trên tập kích vào quận lỵ Phú Thiện. Nhanh chóng làm tê liệt địch, Đại đội 309 đã tiêu diệt 150 tên, trong đó có 2 tên cố vấn Mỹ.

Tiếp tục chia lửa với vùng trọng điểm, đêm 11/3/1969, Đại đội 309 tập kích vào chi khu quận lỵ Phú Túc và Đại đội Bảo an bảo vệ của địch, qua đó, tiêu diệt 72 tên, làm bị thương 46 tên, phá hủy nhiều phương tiện, vũ khí địch.

Chỉ huy và trực tiếp chiến đấu, Hồ Quảng Trị đã có mặt ở khắp chiến trường Đắk Lắk và Gia Lai, tham gia nhiều trận đánh lớn nhỏ, trong đó có 7 trận đánh lớn tại các quận lỵ, tỉnh lỵ, ấp chiến lược, chốt càn quét của địch. Các trận đánh có ý nghĩa về mặt chính trị, tạo tiếng vang trong nhân dân, được bà con thêm tin tưởng, một lòng theo cách mạng.

Đến nay đã 36 năm nghỉ hưu, nhưng với ông đó chỉ là rời vị trí công tác, vì trong trái tim người lính già ấy, chất lính vẫn luôn còn vẹn nguyên. Ông vẫn thường tỉ mẩn ghi chép lại một thời thanh xuân của chính mình và đồng đội để mãi luôn khắc ghi tâm khảm những tháng ngày anh dũng, kiên cường xông pha lửa đạn, cống hiến hết mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước…

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc