Multimedia Đọc Báo in

Con đường huyền thoại và xa lộ hôm nay

16:41, 03/05/2025

Nửa thế kỷ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đường Trường Sơn – đường mòn Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử như một huyền thoại, có ý nghĩa trong đấu tranh giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc giai đoạn hiện nay.

Để phục vụ chiến trường miền Nam, ngày 19/5/1959 Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Đoàn quân sự đặc biệt (Đoàn 559 sau này) có nhiệm vụ mở đường Trường Sơn vào Nam, kết nối lại các tuyến đường đã có, nhằm chi viện sức người, sức của từ miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam.

Bộ Tư lệnh Trường Sơn xác định mở thông đường dã chiến phía Đông Trường Sơn đến sông Sêrêpốk, tạo điều kiện để các đơn vị tăng thiết giáp, pháo binh, tên lửa cơ động vào chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên, Đông Nam Bộ nhanh nhất khi thời cơ đến.

Anh hùng Lao động Lê Xuân Bá luôn tự hào khi kể về những kỳ tích mà ông và đồng đội đã làm nên lịch sử tại Bến phà vượt sông Sêrêpốk.

Thực hiện quyết tâm của Bộ Tư lệnh Trường Sơn, Đảng ủy – Bộ Tư lệnh Sư đoàn 470 xác định công tác xây dựng cầu, đường đóng vai trò hết sức quan trọng đối với việc hoàn thành nhiệm vụ vận chuyển chi viện, cần phải làm nhiều đường song song bám sát biên giới.

Anh hùng Lao động Lê Xuân Bá, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 470 năm nay đã 90 tuổi, xúc động kể lại: Mùa khô năm 1973, Trung đoàn 4, Sư đoàn 470 công binh (Bộ Tư lệnh Trường Sơn) do ông làm Sư đoàn trưởng được lệnh tham gia mở đường Trường Sơn, đoạn từ đường 19 vào Nam Tây Nguyên. Thời điểm đó, cán bộ, chiến sĩ công binh vừa khảo sát, vừa mở đường trong điều kiện địa hình rừng núi, sông suối vô cùng khó khăn, hiểm trở. Song với tinh thần “máu có thể đổ, nhưng đường không thể tắc”, đơn vị đã hoàn thành việc đóng ngầm và phà vượt sông Sêrêpốk tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn.

Sau ngày đất nước thống nhất, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh mang sứ mệnh lịch sử mới. Đảng, Chính phủ đã quyết tâm đầu tư xây dựng để đường Hồ Chí Minh tiếp tục viết lên những thành tựu mới trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước. Đầu tháng 4/2000, Dự án đường Hồ Chí Minh được chính thức phát lệnh khởi công tại cầu Xuân Sơn, tỉnh Quảng Bình. Công trình trọng điểm quốc gia mang ý nghĩa đặc biệt từ lịch sử đến kinh tế của Việt Nam có tổng chiều dài hơn 3.000 km đi qua 30 tỉnh thành, bắt đầu từ Cao Bằng đến mũi Cà Mau. Dự án góp phần đẩy mạnh kết nối giao thông, liên kết vùng, rút ngắn khoảng cách miền núi với đồng bằng, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ được đầu tư không chỉ giảm tải cho trung tâm thị xã mà còn thuận lợi trong việc vận chuyển hàng hóa, nông sản.

Đối với các tỉnh Tây Nguyên, đường Hồ Chí Minh có ý nghĩa cực kỳ quan trọng cả về kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh. Đây là trục giao thông chính, nối thông phía Bắc Tây Nguyên với các tỉnh miền Trung và liên thông sang nước bạn Lào và Campuchia.

Riêng đối với tỉnh Đắk Lắk, hệ thống đường Hồ Chí Minh đã và đang được đầu tư xây dựng, trở thành mạng lưới giao thông khép kín tăng kết nối nội tỉnh và liên tỉnh. Đây là tuyến giao thông huyết mạch kết nối Tây Nguyên với các tỉnh Đông Nam Bộ và miền Trung. Bên cạnh đó, một trong những nhánh quan trọng của hệ thống đường Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Quốc lộ 14C đoạn qua địa bàn tỉnh dài gần 100 km cũng đã được đầu tư nâng cấp.

Ông Phạm Văn Mạnh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Đắk Lắk cho biết, toàn tỉnh hiện có 117 đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa và hành khách bằng xe ô tô, với tổng số phương tiện hơn 10.500 xe. Gần 10 năm khi tuyến đường Hồ Chí Minh được thông thương, hoạt động vận chuyển hành khách và hàng hóa từ tỉnh Đắk Lắk đi các tỉnh phía Nam cũng như ra các tỉnh phía Bắc, duyên hải miền Trung rất thuận tiện. Đến thời điểm hiện tại, đường Hồ Chí Minh là tuyến đường giao thương thuận lợi nhất, là trục “xương sống” của ngành vận tải Đắk Lắk.

Gần 66 năm trôi qua, đường Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử, đã và đang mở ra một giai đoạn phát triển. Đây không chỉ là tuyến đường xóa bỏ thế độc đạo xuyên Việt đã tồn tại từ lâu của Quốc lộ 1A, tạo thành hệ thống trục ngang nối hai miền Đông - Tây của đất nước, mà còn góp phần tích cực vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đóng vai trò quan trọng về mặt an ninh quốc phòng.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Ana nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh
Thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng ngành Y tế huyện Krông Ana đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân, nhất là đối với tuyến y tế cơ sở.