Multimedia Đọc Báo in

Một đời trận mạc chia ba chiến trường

08:54, 01/05/2025

Trị - Thiên, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, trải qua ba chiến trường mà nơi nào cũng để lại những chiến công oanh liệt, cuộc đời trận mạc dằng dặc như Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Nhương có lẽ cũng là ít có… 

Những trận đánh để đời

Lúc ứng tuyển vào quân ngũ, Nguyễn Văn Nhương đang học dở lớp 5, cả chiều cao lẫn cân nặng đều hụt, đi khám tuyển từng bị đánh rớt. Nhưng, trước niềm tha thiết được đi bộ đội của anh chàng, vị bác sĩ khám tuyển đành kết luận sức khỏe hạng A3 – sức khỏe hạng này chỉ để dự bị, nếu thiếu chỉ tiêu thì... vớt.

Tôi cố hình dung vóc dáng ông ngày ấy qua hình vóc của một con người bây giờ - nếu tính cả “tuổi mụ” thì vừa chẵn 80. Ngày ông vào tới chiến trường, liệu đã vượt nổi 50 kg? “Có lẽ thời chúng tôi vào trận bằng sức mạnh tinh thần hơn là thể xác các chú à”, ông cất lời với chất giọng trầm ấm.

Vợ chồng Anh hùng Nguyễn Văn Nhương.

Hẳn là thế mà vào trận đầu ông đã lập công. Tết Mậu Thân 1968, Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh đang trong những ngày ác liệt. Khẩu đội 12,7 mm của Nguyễn Văn Nhương được giao nhiệm vụ đánh máy bay địch ở sân bay Tà Cơn. Chiếm lĩnh xong trận địa, quân số chỉ còn 4 người mà đạn cũng chỉ có vỏn vẹn 100 viên.

Để đánh địch hiệu quả, ông Nhương chủ trương đưa trận địa vào sát đường băng sân bay địch. Ngày xuyên đêm, cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt không lúc nào ngưng nghỉ. Cay cú vì “Việt cộng” dám bạo gan đưa trận địa vào bên nách mình, địch tập trung hỏa lực quyết diệt cho bằng được. Đạn cối, đạn pháo từ căn cứ bắn tới; bom đạn đủ các cỡ từ máy bay dội xuống, tưởng chừng một con kiến cũng khó thoát.

Ấy vậy mà như có phép nhiệm màu, cứ dứt mỗi đợt oanh kích, tiếng súng quân ta lại vang lên đĩnh đạc như trêu ngươi chúng... Thực ra thì chẳng có phép lạ nào ngoài khí chất kiên cường của khẩu đội. Nguyễn Văn Nhương và 3 xạ thủ khác đều bị thương nhưng không ai có ý nghĩ rời trận địa. Đói và khát, họ phải nhai gạo rang để lấy sức chiến đấu, đêm đến thì trải nilon ra mặt đất hứng sương rồi sáng ra liếm cho dịu vòm họng, tưởng tượng mình đang ăn trái chua để kích thích cho nước bọt tiết ra... Song, đói khát chưa thấm vào đâu so với nỗi lo thiếu đạn.

Với số đạn ít ỏi được giao, phải bắn phát một mới đủ. Nguyễn Văn Nhương nghĩ ra cách: trên dây đạn 50 viên, cứ cách một viên rút đi một viên, xạ thủ có nhỡ tay cò cũng không chuyển sang chế độ bắn liên thanh được... Nhờ vậy, hơn 40 ngày quần thảo với máy bay địch, hạ 7 chiếc mà đạn vẫn còn dư. Hiệu suất chiến đấu và sáng kiến của ông Nhương sau này đã được nhiều đơn vị súng phòng không học tập... 

Tháng 4/1968, giai đoạn 1 của Chiến dịch Đường 9 – Khe Sanh kết thúc thắng lợi, Trung đoàn 95C của ông Nhương được lệnh lên đường tăng cường cho mặt trận Tây Nguyên. Đứng chân trên vùng đất này chưa được nửa năm, đơn vị ông đã tham gia hai trận Ngọc Hồi (Kon Tum) và Đức Lập (Đắk Lắk).

Trong hai trận đánh lớn này, Đức Lập với ông không thể quên bởi mức độ ác liệt của nó. Đức Lập được phòng thủ rất vững chắc bằng một hệ thống hầm ngầm, công sự nổi kiên cố, bao quanh là hệ thống hàng rào kẽm gai nhiều lớp.

Ông Nhương kể: “Tôi lúc này là Chính trị viên phó C18. Đại đội tôi được giao nhiệm vụ đánh mở cửa. Địch vừa dựa vào hệ thống công sự ngầm chống trả quyết liệt, vừa gọi máy bay đến trút đủ các loại bom xuống trận địa. Cả quả đồi rực lửa. Tôi bị một quả bom ném sập hầm ngất đi. Lúc tỉnh dậy thấy anh em đang cáng mình ra khỏi trận địa, tôi không chịu, bắt cáng trở lại. Trận đánh diễn ra trong thế giằng co quyết liệt, cuối cùng quân ta phải rút ra vì hỏa lực địch quá mạnh. Không dứt điểm được nhưng trận đánh đã gây cho chúng thiệt hại nặng nề. Riêng đại đội tôi đã bắn rơi 2 máy bay địch. Với chiến công này, Trung đoàn được Bộ Quốc phòng thưởng 2 Huân chương Quân công; tỉnh Đắk Lắk thưởng 2 con trâu để liên hoan”.

 

Mình là người lính. Cứ đất nước cần thì vai nào cũng gánh. Như thế mà trọn vẹn được đến giờ là may mắn quá rồi...".

 
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Nhương

Cứ tưởng sẽ gắn bó với chiến trường Tây Nguyên lâu dài thì bất ngờ Trung đoàn lại được lệnh lên đường vào miền Đông. Sư đoàn 9, Bộ Tư lệnh Miền thiếu một trung đoàn đánh công kiên nên đã “xin” Trung đoàn 95C. Vừa hành quân vừa đánh địch, 6 tháng ròng mới tới nơi...

Mỗi chiến trường mỗi ác liệt, mỗi sự gian khổ. Chiến trường miền Đông tuy đỡ hơn về cái ăn nhưng mùa nước nổi thì sự gian khổ không đâu sánh khi trên đầu máy bay địch quần đảo, dưới đất là biển nước mênh mông.

Đêm đêm thay nhau tát nước ra khỏi hầm vừa canh chừng biệt kích địch đi rình mò. Nhưng chính trên miền đất gian khổ này, biệt danh “Hổ xám miền Đông” của Nguyễn Văn Nhương đã ra đời. Cũng nói thêm là ngoài ông thì chỉ một người có được biệt danh này là Vũ Văn Huynh.

Cặp “hổ xám” này luôn là nỗi khiếp sợ của địch. Trận Sóc Con Trăng (Tây Ninh), trận La Hai (Bình Phước) là điển hình cho những chiến công của ông Nhương. Riêng trong trận Sóc Con Trăng, Đại đội 18 của ông phối hợp đánh địch từ 1 giờ sáng đến trưa, bắn rơi 5 trực thăng. Địch chết la liệt, bỏ cả xe tăng để chạy thoát thân. Chỉ huy ta phải cho phép trực thăng chúng đến lấy xác và chở lính bị thương về căn cứ...

“Duyên nợ” với Tây Nguyên

 Năm 1972, Nguyễn Văn Nhương vào Học viện Quân sự; ra trường lại chuyển sang lính pháo. Cuối năm 1976 thì tăng cường cho huyện Chư Păh (Gia Lai). Như vậy là sau 8 năm rời miền đất Tây Nguyên, ông lại trở về Tây Nguyên như một mối lương duyên. Có điều “hổ xám” lừng danh chiến trận năm nào giờ phải chuyển sang làm những công việc dân sự.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng gắn danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho ông Nguyễn Văn Nhương.

Ông kể: “Bấy giờ xuống xã đâu đã có đường sá gì. Bọn phản động FULRO lại đang hoạt động mạnh. Mỗi lần đi công tác phải có du kích dẫn đường. Tuy nhiên “điểm nóng” không phải là FULRO mà lại là dân kinh tế mới. Họ tranh chấp đất đai, đánh nhau. Hợp tác xã thì rối ren, mất đoàn kết... Vợ con còn ở quê, một mình “cơm niêu nước lọ”. Không ít lần công tác về muộn, bếp tập thể dọn mất cơm, quán xá không có vậy là phải nhịn đói”. Sau 4 năm trong vai cán bộ tăng cường, năm 1981 ông mới trở về Tỉnh đội Gia Lai – Kon Tum; cho đến năm 1993 thì về hưu với quân hàm Trung tá... Chính là trong thời gian làm công việc “tréo ngoe” ấy mà Trung đoàn cũ không tìm được ông để làm thành tích; mãi đến 17 năm sau ngày nghỉ hưu ông mới nhận được danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

“Mình là người lính. Cứ đất nước cần thì vai nào cũng gánh. Như thế mà trọn vẹn được đến giờ là may mắn quá rồi các chú à”, giọng ông bỗng chùng xuống. “Bao nhiêu đồng đội nằm lại nơi chiến trường, hành trang mang theo chỉ là miếng nhôm bằng ngón tay khắc tên họ mà cũng đã trở về được đâu. Ngay trong gia đình tôi cũng có người hy sinh đúng ngày Mùng 1 Tết lúc đưa cơm lên trận địa cho đồng đội, giờ cũng chưa tìm được mộ phần...”, giọng ông nghẹn lại, đôi khóe mắt đỏ hoe. Chúng tôi chỉ còn biết lặng im đồng cảm...    

Ngọc Tấn


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Ana nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh
Thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng ngành Y tế huyện Krông Ana đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân, nhất là đối với tuyến y tế cơ sở.