Multimedia Đọc Báo in

Gắn công tác Mặt trận với học tập và làm theo Bác ở huyện vùng biên

09:25, 14/12/2021

Thời gian qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Buôn Đôn triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, góp phần quan trọng hoàn thành tốt các mặt nhiệm vụ, công tác Mặt trận.

Xác định tầm quan trọng của Chỉ thị 05, hằng năm Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Buôn Đôn tập trung tuyên truyền việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với tình hình địa phương, thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên tham gia.

Theo chương trình, kế hoạch hằng năm, tất cả đảng viên, cán bộ đều được phổ biến, học tập, nghiên cứu các chuyên đề liên quan mật thiết đến nhiệm vụ công tác. Qua đó giúp cán bộ, đảng viên, công chức trong hệ thống Mặt trận thấm nhuần lời Bác dạy, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tâm, tận lực với công việc, chủ động tích cực bám nắm cơ sở, gần gũi, lắng nghe ý kiến của nhân dân, đề xuất các giải pháp hiệu quả tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn ngày càng vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh đã đề ra.

Lễ bàn giao nhà Đại đoàn kết tặng một hộ dân tại xã Ea Nuôl.

Trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị 05, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Buôn Đôn kết hợp chặt chẽ, gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với chương trình công tác của Mặt trận, các cuộc vận động, phong trào thi đua do cấp trên phát động như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”… Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Buôn Đôn Nguyễn Tuấn Cường, để cụ thể hóa Chỉ thị 05, huyện đã chọn khâu đột phá trong công tác xóa đói giảm nghèo, triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, xem đây là “thước đo” đánh giá hiệu quả, chất lượng của việc học tập, hưởng ứng.

Hội LHPN xã Krông Na có hơn 1.400 hội viên, trong đó có trên 80% hội viên là người dân tộc thiểu số, nhiều hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Để "trợ lực", giúp các trường hợp này thêm điều kiện phát triển sản xuất, chăn nuôi, cải thiện thu nhập, Hội LHPN xã đã xây dựng, thành lập 12 mô hình "Nhóm phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế", huy động hội viên thực hành tiết kiệm, đóng góp trên 700 triệu đồng, hỗ trợ 700 lượt hội viên vay vốn. Qua đó giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm xuống 3%.

Là một tổ chức thành viên tích cực của Mặt trận, Hội Chữ thập đỏ huyện hưởng ứng việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh qua việc triển khai hiệu quả các chương trình công tác của Hội, trọng tâm là công tác trợ giúp nhân đạo, vận động các tổ chức, cá nhân "đỡ đầu" những gia đình có hoàn cảnh khó khăn theo chương trình "Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo". Hội tiến hành khảo sát hơn 100 gia đình và làm "cầu nối", giúp 55 hộ nhận được trợ cấp hằng tháng, góp phần cùng chính quyền địa phương làm tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn.

Anh Đoàn Thanh Tuyên (thôn Ea Duất, xã Ea Wer) được Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện hỗ trợ vốn phát triển chăn nuôi, xóa đói giảm nghèo.

Học tập, làm theo lời Bác ở huyện vùng biên Buôn Đôn còn được cụ thể hóa qua kết quả vận động, xây dựng Quỹ Vì người nghèo. Là một huyện còn khó khăn, song với tinh thần tương thân tương ái, sẻ chia, trách nhiệm với cộng đồng của đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, từ năm 2016 đến nay, toàn huyện đã vận động được trên 1,9 tỷ đồng để hỗ trợ xây nhà Đại đoàn kết, nhà theo Chương trình 167, góp phần xóa xong nhà dột nát, nhà tạm trên địa bàn. Bên cạnh đó, với quyết tâm đưa Buôn Đôn thoát khỏi danh sách huyện khó khăn trong thời gian sớm nhất, Mặt trận huyện đã phối hợp, cùng các tổ chức thành viên đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện trên 190 tỷ đồng cho hơn 8.700 hộ khó khăn vay vốn phát triển kinh tế. Nhờ đó nhiều gia đình đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 26,27% (giảm 15,51% so với năm 2016).

Những kết quả trên là rất đáng ghi nhận, song theo ông Nguyễn Tuấn Cường, để việc thực hiện Chỉ thị 05 đi vào thực chất, đạt hiệu quả cao hơn nữa thì thời gian tới, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị 05 gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc MTTQ Việt Nam các cấp trong quá trình triển khai thực hiện cũng như kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo lời Bác.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.