Ký ức về một thời xông pha lửa đạn
Trở về từ chiến trường, trong hành trang xây dựng cuộc sống hòa bình của những cựu chiến binh luôn trĩu nặng ký ức về một thời xông pha trong lửa đạn...
Cựu chiến binh Nguyễn Minh Sơn (SN 1952, trú thôn 8, xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) là một trong hơn 200 sinh viên Trường Đại học (ĐH) Xây dựng Hà Nội “xếp bút nghiên lên đường ra trận” theo lệnh tổng động viên năm 1971. Kết thúc huấn luyện, các chàng lính sinh viên được biên chế về các đơn vị để bổ sung lực lượng chiến đấu trên khắp các chiến trường. Riêng ông Sơn được điều động vào Sư đoàn 325 (Ðoàn Bình Trị Thiên) với nhiệm vụ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.
Hai cựu chiến binh Nguyễn Minh Sơn (bên phải) và Nguyễn Viết Mậm. |
Ông tâm sự rằng, thế hệ trẻ thời chiến luôn khao khát được lên đường cầm súng bảo vệ Tổ quốc, dù biết sự khốc liệt của chiến tranh với biết bao khó khăn, gian khổ và có thể phải đối mặt với hy sinh mất mát. Trong những năm chiến đấu ở Quảng Trị, ông không thể quên trận chiến “81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ” năm 1972, khi cùng đồng đội chiến đấu anh dũng để giành giật với địch từng tấc đất. Vượt sông Thạch Hãn dưới làn bom đạn dày đặc, rất nhiều đồng đội còn chưa kịp vào đến Thành cổ. Trên chiến trường mịt mù lửa đạn, những người còn sống vẫn phải nén đau thương, vừa cầm súng chống giặc vừa đào hố chôn đồng đội… Biết bao xương máu đã đổ để mang lại thắng lợi quyết định, góp phần quan trọng vào việc ký kết Hiệp định Paris năm 1973.
Đi qua những ngày đạn bom khốc liệt với bao đau thương mất mát, ông Sơn trân trọng từng thời khắc quý giá của cuộc sống hòa bình. Sau năm 1975 ông trở lại giảng đường tiếp tục học tập, ra trường làm kỹ sư cầu đường, góp sức vào công cuộc tái thiết đất nước.
Cựu chiến binh Nguyễn Viết Mậm (68 tuổi, trú thôn 7, xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) cũng từng tham gia chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị trong "mùa hè đỏ lửa" năm 1972. Là lính trinh sát thuộc Trung đoàn 64, Sư đoàn 320 (Sư đoàn Đồng Bằng), ông Mậm thường phải “độc lập tác chiến” hoặc cùng với một vài đồng đội bí mật đi trinh sát để nắm rõ tình hình địch trước trận đánh và kiểm tra trận địa khi trận đánh kết thúc. Ông kể: "Cứ đêm xuống chúng tôi hóa trang, bí mật bò vào cứ điểm để quan sát, ghi nhớ chính xác từng vị trí của địch, tổng hợp tình hình, nhiều khi chạm trán quân địch đều phải mưu trí tìm cách thoát khỏi để đưa tin tức về. Với quyết tâm thắng giặc, chúng tôi không chùn bước trước mọi thử thách, có những chuyến hành quân ròng rã nhiều ngày vẫn không thấy mệt, đêm đến thì lót lá cây tranh thủ chợp mắt rồi lại lên đường...".
Gần 4 năm chiến đấu ở Quảng Trị, ông Mậm không nhớ mình đã tham gia bao nhiêu trận đánh. Sau đó, dù bị thương nặng, sức khỏe bị ảnh hưởng nhiều nhưng ông cho rằng mình vẫn hạnh phúc hơn nhiều đồng đội đã ngã xuống.
Cựu chiến binh Nguyễn Viết Mậm được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều huân, huy chương cao quý, nhưng với ông, quý giá nhất luôn là nền hòa bình, độc lập của Tổ quốc mà bao thế hệ đã chung tay xây đắp, gìn giữ. Hiện nay, ngoài chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ông vẫn dành thời gian tham gia hoạt động Hội Cựu chiến binh địa phương, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, đồng thời luôn nhắc nhở con cháu tích cực học tập, lao động, đóng góp xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Thế Hùng
Ý kiến bạn đọc