Con đường dẫn đến Đại thắng mùa Xuân 1975
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta mãi mãi là trang sử vàng chói lọi. Trong đó, đường Hồ Chí Minh - con đường huyền thoại dẫn đến đại thắng mùa Xuân năm 1975 là một minh chứng hùng hồn về lòng yêu nước, ý chí quả cảm và quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ, thống nhất non sông của cả dân tộc Việt Nam ở thế kỷ 20.
Ngay sau khi Hiệp định Giơneve được ký kết, âm mưu xâm lược của đế quốc Mỹ và chính sách đàn áp, khủng bố của chính quyền Ngô Đình Diệm ở miền Nam đã đặt các lực lượng cách mạng miền Nam và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước một sự lựa chọn khắc nghiệt. Để kịp thời đối phó với tình hình và lãnh đạo toàn dân đấu tranh chống lại Mỹ - Diệm, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã triệu tập Hội nghị lần thứ 15 (khóa II) ngày 13/1/1959 để bàn về phương hướng cách mạng miền Nam. Hội nghị xác định con đường tiến lên của cách mạng miền Nam là vừa đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang để tiêu diệt sinh lực địch, cùng nhiệm vụ chiến lược: Tập trung giải phóng miền Nam, xây dựng và bảo vệ miền Bắc…
Có thể nói, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 15 đã cắm mốc lịch sử vô cùng quan trọng cho cách mạng ở cả hai miền, đặc biệt thổi bùng ngọn lửa đấu tranh cho cách mạng miền Nam, phù hợp với tâm tư và nguyện vọng của cán bộ, nhân dân miền Nam, có ý nghĩa lớn lao đối với sự phát triển sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta.
Quân Giải phóng tiến vào cửa ngõ Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu |
Ngay sau Hội nghị Trung ương 15, Tổng Quân ủy Trung ương đã họp bàn việc xây dựng lực lượng vũ trang miền Nam, tìm cách đưa một bộ phận quân đội cùng với vũ khí, đạn dược, vật tư... vào chi viện cho chiến trường miền Nam một cách bí mật, an toàn. Để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này, ngày 19/5/1959, Tổng Quân ủy Trung ương đã quyết định thành lập “Đoàn quân sự đặc biệt” (sau này gọi là Đoàn 559) do đại tá Võ Bẩm chỉ huy, có nhiệm vụ mở xuyên đường Trường Sơn vào Nam, nhằm xây dựng tuyến chi viện chiến lược, vận chuyển vật chất và binh lực từ hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam. Và cũng chính từ đây, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh được hình thành, là mạch máu giao thông quan trọng, góp phần quyết định vào sự thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, như nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Trường Sơn xẻ dọc, xẻ ngang/ Xẻng tay mà viết nên trang sử vàng/Trường Sơn vượt núi băng sông/ Xe đi trăm ngả, chiến công bốn mùa/Trường Sơn đông nắng, tây mưa/ Ai chưa đến đó như chưa hiểu mình”.
Lúc đầu, đường Hồ Chí Minh trên bộ là con đường mòn đi dọc phía Đông dãy Trường Sơn, luồn lách qua hàng rào, đồn bốt và sự đánh phá ác liệt của kẻ thù, gắn với nhiều địa danh nổi tiếng như đèo Mụ Giạ, phà Xuân Sơn, đường 20 quyết thắng…
Sau một thời gian “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, con đường ngày một nối dài, vươn xa với quy mô trải dài cả Đông và Tây dãy Trường Sơn, xuyên qua 20 tỉnh thuộc 3 nước Đông Dương. Đường Hồ Chí Minh là khúc ruột nối các tuyến vận tải của hậu phương lớn miền Bắc, các tuyến vận tải của các chiến trường thuộc ba nước Việt – Lào – Campuchia, tạo nên một hệ thống liên hoàn và vững chắc.
Nói đến Trường Sơn là nói đến sự hy sinh, gian khổ, đồng thời cũng là nói đến khát vọng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của con người Việt Nam. Bất chấp sự hủy diệt của kẻ thù và những khó khăn, trở ngại của thời tiết, địa hình, mưa bom bão đạn trong suốt 16 năm (1959 - 1975), đặc biệt là từ sau năm 1964, đường Trường Sơn như một trận đồ “bát quái” vươn ra các chiến trường bằng mọi ngả.
Các đơn vị bộ đội và thanh niên xung phong trên tuyến đường Hồ Chí Minh đã vượt qua muôn vàn gian lao, thử thách, dũng cảm, kiên cường chống trả cuộc chiến tranh xâm lược tàn khốc của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa. Thời gian này, chúng đã ném xuống đây hơn 3,5 triệu tấn bom đạn, nhiều hơn số lượng bom đạn Mỹ đã sử dụng trong đại chiến thế giới lần thứ hai.
Bằng vũ khí thô sơ và lòng quả cảm, quân ta đã bắn rơi 2.455 chiếc máy bay các loại. Trong lúc đó, địch đã mở 5 chiến dịch tấn công binh chủng hợp thành gồm nhiều thứ quân, cùng hàng nghìn biệt kích, thám báo để đánh phá ta... Song với quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta luôn hướng về miền Nam ruột thịt, ta đã lần lượt đánh tan các chiến dịch lớn, nhỏ của địch, tiêu diệt và bắt sống 18.470 tên.
Đồng thời, quân ta cùng với quân dân nước bạn Lào đã giải phóng đất đai, xây dựng cơ sở cách mạng ở sáu tỉnh Trung - Hạ Lào. Với trí và lực của hàng triệu khối óc, con tim, chúng ta đã xây dựng được hơn 16.700 km đường bộ, hơn 500 km đường sông và 1.400 km đường ống dẫn xăng dầu, 1.350 km đường dây hữu tuyến liên lạc và thiết bị tiếp sức, tổ chức hành quân đi bộ và cơ động bằng cơ giới được hơn 2 triệu quân vào chiến trường, vận chuyển, chi viện cho chiến trường miền Nam được hơn 1 triệu tấn vũ khí, đạn dược và lương thực...
Băng rừng, vượt suối Trường Sơn vào Nam đánh Mỹ. Ảnh tư liệu |
Đến sau Hiệp định Paris, quân ta với lực lượng các xe pháo hùng hậu, ngày đêm hối hả nối đuôi nhau trên các ngả đường thần tốc, táo bạo, bí mật và bất ngờ, quét sạch quân thù như thế chẻ tre, tất cả cùng nhau “Tiến về Sài Gòn ta quét sạch giặc thù... Tiến về Sài Gòn giải phóng miền Nam” làm nên cuộc toàn thắng lịch sử, thống nhất Tổ quốc, Bắc – Nam sum họp một nhà vào mùa Xuân năm 1975, cả dân tộc cùng nhau hát vang khúc ca khải hoàn “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”.
Đường Hồ Chí Minh là một sự sáng tạo độc đáo về chiến lược của Đảng ta trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, là con đường huyền thoại thống nhất Bắc - Nam, là con đường liên minh, đoàn kết và chiến đấu thắng lợi của ba nước anh em: Việt Nam – Lào – Campuchia, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời đại Hồ Chí Minh, đúng như lời bình luận của một nhà báo Pháp viết trên tờ Le Figaro (1971): “Con đường Hồ Chí Minh đã trở thành câu chuyện thần thoại ở Đông Dương, chính con đường mòn đã quyết định hòa bình hay chiến tranh. Quân đội mạnh nhất thế giới đã không làm gì được con đường này. Cái máy bay khổng lồ B52 đã ném bom xuống đường mòn Hồ Chí Minh để hủy diệt, nhưng nó vẫn tồn tại, nó là con rắn trăm đầu luôn mọc lại”...
Nguyễn Đình Dũng
Ý kiến bạn đọc