Tháng 4 năm 1975 – hồi ức còn vang vọng!
Nghĩ về ngày 30/4/1975, dấu son trong lịch sử dân tộc, kết thúc 30 năm chiến tranh để giành độc lập – tự do – thống nhất đất nước, không thể quên ngày 10/3 năm ấy với Chiến thắng Buôn Ma Thuột, mở đầu chiến dịch Tây Nguyên, mở đầu mùa Xuân đại thắng.
Vùng căn cứ cách mạng được ăn Tết sớm. Đó là Tết Ất Mão không quên. Không khí nhộn nhịp, anh em kháo nhau: Chắc là có đánh lớn. Nhưng lớn đến đâu thì mình không biết. Đoán già đoán non: Chắc là hơn Tết Mậu Thân 1968. Mỹ đã cút rồi, chỉ còn ngụy cũng dễ đánh hơn.
Tết năm ấy khá đàng hoàng. Mổ heo, gói bánh, sấy thịt làm lương khô dự trữ. Có đơn vị bắn nai, bắn heo rừng để cải thiện thêm. Ở H9 có Bùi Văn Đồng bắn giỏi (sau này Đồng làm Hiệu trưởng Trường Chính trị Krông Pắc) bắn được hai con nai, phải gọi đơn vị bạn ăn đỡ một con. Tôi đang sốt rét, Đồng gọi tôi đi khiêng một con với Đồng. Tôi bảo: “Tao đang sốt rét mà cũng phải khiêng à!”, Đồng bảo: “Còn ai nữa đâu! Cố lên! Ra mồ hôi sẽ hết sốt mà lại có thịt ăn mấy tháng”. Thế là tôi đi khiêng ngay và khỏe lại. Có lẽ do tinh thần là chính.
Cả vùng căn cứ tràn đầy khí thế. Tiếng chày khua thay nhau thâu đêm. Giã lúa, giã bắp và cả phơi khô sắn lát làm lương thực để gùi đạn, gùi gạo ra chiến trường. Trường Nội trú Buôn Chàm có những em mới 15, 16 tuổi cũng được điều động đi chiến dịch. Hơn một lần tôi đã viết về những gùi lúa, gùi bắp cuối cùng nuôi cách mạng, thì lần này tổng phản công càng khí thế. Ngày 10/3/1975, giải phóng Buôn Ma Thuột nhanh gọn, thần tốc. Địch hoảng loạn, ném bom xuống chợ Buôn Ma Thuột, đổ quân xuống Phước An định tái chiếm Buôn Ma Thuột nhưng thất bại thảm hại. Buôn Ma Thuột mở đầu chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, những quân đô-mi-nô lần lượt sụp đổ, Quân đoàn 3 được thành lập thẳng tiến Sài Gòn.
Quân giải phóng tiến vào đánh chiếm sân bay Hòa Bình ở thị xã Buôn Ma Thuột. Ảnh: TTXVN |
Chính quyền cách mạng lo trăm ngàn việc, chạy đua với thời gian: Phân loại tù, hàng binh; lo ổn định đời sống nhân dân, mở lại chợ. Sau mấy tuần đã có điện, nước.
Ngành giáo dục lo tiếp quản các cơ sở giáo dục, vận động giáo viên, học sinh đến lớp. Ngoài việc tiếp quản ở Buôn Ma Thuột còn cử cán bộ tiếp quản các huyện xa mà lúc bấy giờ cả Cheo Reo, Phú Bổn ở phía Bắc, Quảng Đức ở phía Nam còn thuộc Đắk Lắk quản lý. Để tiện theo dõi, mật danh các huyện thời chống Mỹ gọi tắt là H (H1 là M’Drắk, H2 là Đông Cheo Reo, H3 là Tây Cheo Reo, H4 là Buôn Hồ, H5 là phía Bắc Buôn Ma Thuột và Tây Buôn Hồ, H6 là Buôn Ma Thuột, H7 là thị xã Cheo Reo, H8 là Đắk Mil, H9 là Krông Bông, H10 là huyện Lắk, H11 là Phước An). Những cán bộ trẻ, khỏe “lĩnh ấn tiên phong” đi các huyện như: Nguyễn Hữu Uyển đi Cheo Reo H2, ở đó đã có Y Trí, người Ba Na nằm vùng; H5 có Ka Sơn Bắc; H11 có Nguyễn Quang Cản và Vũ Đình Tiến từ H9 qua tiếp quản. Lãnh đạo ban và văn phòng lo tiếp quản Buôn Ma Thuột, bộn bề công việc.
Lo xin lương thực cho hai trường sư phạm là Sư phạm Bổ Túc và Sư phạm Cao Nguyên. Tôi được cử đi H8 giúp Đào Xuân Chính (người Ninh Bình) tiếp quản các cơ sở giáo dục, gặp gỡ giáo viên để mở lại lớp học. Buổi đầu tiếp xúc, giáo viên còn dè dặt. Nữ giáo viên không ai mặc áo dài, không trang điểm, có phần tự làm xấu mình đi do địch tuyên truyền đã nhiều năm sợ cách mạng không cho làm đẹp. Những câu hỏi xoay quanh 10 chính sách của mặt trận giải phóng, về việc mở lại trường lớp, về giáo viên thu dung. Dần dần giáo viên tin vào chính quyền cách mạng. Vùng H8 đa số người dân theo đạo Công giáo, từ Nghệ An di cư vào năm 1954.
Trở lại trung tâm tỉnh, Hà Ngọc Đào (Phó Ban Giáo dục tỉnh) viết khá chi tiết, đầy đủ: Trường Trung học Tổng hợp (nay là Trường THPT Buôn Ma Thuột) là trường có quy mô lớn nhất tỉnh, có 70 lớp, 3.551 học sinh từ lớp 6 đến lớp 12. Trường Trung học Bồ Đề của Phật giáo có 22 lớp, cấp 2 có 1.035 học sinh, cấp 3 có 483 học sinh. Trường Trung học Hưng Đức của Thiên Chúa giáo có 19 lớp, cấp 2 có 1.342 học sinh, cấp 3 có 497 học sinh.
Một vài chi tiết được phản ánh, ngày 19/4/1975 của các trường học: Trường Tiểu học Hùng Vương mất hồ sơ, sổ điểm, phấn viết; Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ có 2 giáo viên nhà bị cháy phải vào ở trong trường; Trường Võ Tánh mất 13 bàn, giáo viên trình diện đầy đủ.
Cái lo lắng của ngành là hoàn thành khóa chuyển tiếp để thi tú tài 2 đúng tiến độ. Các môn sử địa tạm dừng. Môn văn thì tự biên soạn rồi in rô-nê-ô cho các trường. Các môn khoa học tự nhiên vẫn được dạy chương trình cũ. May mắn cho tôi đã từng dạy văn nên nhớ nhiều thơ của Bác Hồ, Tố Hữu cùng các nhà thơ cách mạng nên việc chọn bài cũng không khó. Tôi và Nguyễn Trúc tự biên, tự diễn chương trình này. Toàn tỉnh có hơn 100 trường, hơn 2.000 giáo viên, hơn 30.000 học sinh các cấp. Khối lượng công việc nhiều. Niềm vui giải phóng tiếp thêm sức mạnh nên có khi làm việc tới hơn 20 tiếng, không nghĩ đến đêm hay ngày. Có một đoạn hồi ký của Hà Ngọc Đào rất cảm động. Chủ trương của Ủy ban Quân quản không để giáo viên bị đói: “Tôi và anh Trúc đánh xe vào kho gạo của địch bỏ chạy không kịp đốt, chở mấy bao cho mấy hộ sập nhà hoặc nhà cháy, hoặc giáo viên bị đói. Thấy xe chúng tôi chở gạo đến, họ sửng sốt không nói nên lời”. Việc làm thực tế có tác động sâu sắc đến niềm tin vào chính quyền mới.
Lúc này Quân đoàn 3 đã thành lập, xe pháo ầm ầm theo đường 14 tiến thẳng tới Sài Gòn. Nhiều xe chở tên lửa, nhiều xe chở quân đi như trẩy hội. Không khí náo nức tin ngày toàn thắng tới gần.
Tháng 4/1975, chúng tôi hòa cùng dòng chảy của dân tộc để làm nên Đại thắng mùa Xuân, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, non sông thu về một mối.
47 năm đã qua đi mà hồi ức còn vang vọng!
Tháng 4/2022
Hữu Chỉnh
Ý kiến bạn đọc