Tâm niệm thiêng liêng…
Hằng chục năm gắn bó với nghề, những quản trang tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh vẫn lặng thầm hết lòng với công việc, để hương khói, đèn nhang cho các liệt sĩ đã nằm xuống vì quê hương, đất nước.
Những ngày tháng 7, những cơn mưa rả rích khiến TP. Buôn Ma Thuột trở nên trầm lạnh. Khi tiết trời vừa tạnh ráo, chị Trần Thị Hoa (Tổ trưởng Tổ quản trang) và các thành viên lặng lẽ thắp từng nén hương thơm lên các phần mộ ở Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh.
Đã thành quen thuộc, dịp đầu tháng, ngày rằm và các ngày lễ, Tết, các thành viên Tổ quản trang đều đặn dâng hương cho khoảng 2.200 phần mộ nơi này. Riêng Đền thờ Liệt sĩ - một công trình văn hóa tâm linh nằm trong khuôn viên Nghĩa trang luôn được hương khói mỗi ngày như khẳng định ngọn lửa tri ân không bao giờ tắt.
Các thành viên Tổ quản trang thắp hương các phần mộ liệt sĩ. |
Có một điều khá đặc biệt ở Tổ quản trang là hầu hết thành viên đều có gần 20 năm gắn bó với công việc. Cả tổ chỉ có 5 người, nhưng mới đây 2 người nghỉ hưu, khiến nhân lực càng ít ỏi. Những năm đầu vào làm việc, cả tổ hiếm có thời gian rảnh rỗi bởi công việc chất chồng, cỏ dại mọc um tùm khiến việc cắt dọn không hề dễ. Cùng với đó, họ còn làm cỏ và chăm sóc 2.200 phần mộ, cắt tỉa cây cảnh, tiếp đón thân nhân, bốc hài cốt, cho đến phục vụ các lễ an táng hài cốt liệt sĩ…
Trong guồng quay, họ cho rằng, nhịp độ công việc ấy là bình thường, bởi đã quen chân lấm tay bùn từ nhỏ. Nay, cơ sở hạ tầng Nghĩa trang ngày càng được đầu tư, phần việc dọn vệ sinh đã có nhân viên đô thị môi trường đảm nhiệm, nên họ càng phải trách nhiệm với nghề hơn. Bởi với họ, tận tâm với nhiệm vụ được giao, cũng chính là cách báo đáp, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc.
Với ông Đỗ Đình Đạt, em trai của liệt sĩ Đỗ Mạnh Huỳnh, thì Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh và những người quản trang nơi đây đã trở thành thân thuộc. Thường xuyên vượt quãng đường hơn 1.000 km từ tỉnh Hà Nam vào Đắk Lắk để thắp nén hương cho anh trai, ông không khỏi xúc động trước sự giúp đỡ chân tình ở nơi này. Ông tâm sự: “Nghĩa trang được chăm sóc rất chu đáo, bài bản; cán bộ quản trang tiếp đón lịch thiệp, nhiệt tình khiến những thân nhân liệt sĩ ở xa như tôi thấy ấm lòng”.
Vào làm việc từ năm 2003, chị Trần Thị Hoa, Tổ trưởng gần như là nữ duy nhất trong 19 năm qua. Nhiều người khuyên can, quản trang không phải việc của phụ nữ, nhưng chị nghĩ rằng, công việc này đâu phân biệt nam nữ, chỉ cần sức khỏe và lòng thành là đủ. Như một cái duyên với nghề, chị gắn bó với nó mỗi ngày bởi công việc cho chị sự thoải mái, thanh thản và thường xuyên gặp những câu chuyện tử tế trong cuộc sống vốn quá nhiều xô bồ.
Lễ viếng truy điệu và an táng hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia hy sinh trên chiến trường Campuchia. Ảnh: Hữu Hùng |
Lật giở cuốn sổ ghi chép, chị cho hay, Nghĩa trang đón tiếp đông đảo thân nhân đến từ mọi miền đất nước, không phân biệt tuổi tác, thành phần. Họ đến đây đều giống nhau – là thân nhân liệt sĩ, là những vị khách đặc biệt của Nghĩa trang Liệt sĩ.
Cách đây ít năm, có một người vợ đã ngoài 70 cùng các con từ miền Bắc vào nhang khói cho chồng; lúc mới vào, họ tay bắt mặt mừng vui vẻ, nhưng khi ra đến phần mộ, tiếng khóc đau đớn của bà khiến tất cả không kìm được nước mắt. Lại có trường hợp, tích góp dành dụm được chút kinh phí để vào thăm viếng người anh, họ chấp nhận kham khổ suốt dọc chặng đường với nguyện vọng thiết tha là đến tận nơi để thắp nén nhang cho người đã khuất.
Mới đây, giữa tháng 7, vợ chồng chị Hà Thị Tình từ Phú Thọ vào Đắk Lắk đi tìm phần mộ thất lạc của chú mình; hai ngày tất bật liên lạc khắp nơi, họ đành tạm rời Đắk Lắk để qua Kon Tum bởi nơi ấy cũng còn một người thân của họ đã ngã xuống vì Tổ quốc và chưa tìm thấy thông tin mộ chí…
Từng đi bộ đội, nên ông Nguyễn Xuân Hòa đến với công việc quản trang như là cách để tri ân, báo đáp đồng đội mình. Tham gia công việc từ năm 2005, ông không nhớ đã hỗ trợ bao nhiêu thân nhân bốc mộ liệt sĩ. Bởi là việc tâm linh, nên thường diễn ra lúc đêm khuya, bất kể mưa gió bão bùng, chỉ cần thân nhân cần là hỗ trợ hết mình. Mới đây, 3 giờ sáng một ngày mưa tháng 7, theo kế hoạch đã định, ông cùng thân nhân liệt sĩ bốc mộ, gói di cốt và làm các thủ tục cần thiết trước khi về quê Thanh Hóa.
Ông tâm tình: “Công việc không nặng nhọc, nhưng rất cần người đủ tâm. Rất nhiều đồng đội của tôi đã ngã xuống cho đất nước được yên bình hôm nay, điều ấy thôi thúc tôi cố gắng hơn mỗi ngày để làm sao xứng đáng hơn với sự hy sinh cao cả ấy”.
Quỳnh Anh
Ý kiến bạn đọc