Đồng chí Tôn Đức Thắng và cuộc đấu tranh trong ngục tù Côn Đảo
Trong suốt 15 năm bị giam cầm tại Côn Đảo, đồng chí Tôn Đức Thắng thực sự trở thành linh hồn của tù chính trị Côn Đảo.
Là người sáng lập và lãnh đạo chi bộ đặc biệt của Côn Đảo, của Hội tù nhân, Tôn Đức Thắng được anh em khâm phục và tín nhiệm bởi tính kiên cường trong đấu tranh với kẻ thù, mẫu mực về nhân cách cộng sản, là trung tâm đoàn kết của chi bộ và của Hội tù nhân. Đồng chí thực sự là tấm gương về chủ nghĩa anh hùng cách mạng để các thế hệ kế tục, học tập noi theo.
Năm 1926, đồng chí Tôn Đức Thắng tham gia Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên và được cử vào Ban Chấp hành Kỳ bộ Nam kỳ. Năm 1929, đồng chí bị địch bắt, kết án 20 năm tù và đày ra Côn Đảo. Với số hiệu tù 5289.20TF, giam tại Banh I – nơi đây được coi là hiện thân của địa ngục trần gian, với những công việc khổ sai như xay lúa, đốn củi, kéo gỗ, kè đá, mò san hô, dọn tàu. Ở đây, còn nổi tiếng với những hình phạt man rợ như đòn roi, còng, xiềng, xà lim, hầm xay lúa, cấm cố biệt lập… Trong sự đày đọa khốn cùng, người cộng sản Banh I phải quyết định lấy vận mệnh, hoặc là chịu chết mòn mỏi, hoặc là đấu tranh để sống trở về tiếp tục hoạt động cách mạng.
Sớm nhận thức được yêu cầu đó, những năm bị đày đọa trong nhà tù Côn Đảo, đồng chí Tôn Đức Thắng cùng với những anh em trong tù đấu tranh bảo vệ những đồng chí ốm yếu trước đòn roi của cai ngục, giữ vững khí tiết cách mạng. Theo đó, đồng chí đã cùng các đảng viên cộng sản khác bàn bạc và thống nhất vận động thành lập tổ chức Hội cứu tế để giúp đỡ tù nhân. Hội cứu tế Banh I lần đầu tổ chức được 100 người tù. Bằng những hình thức cứu tế thích hợp và những quan hệ quần chúng tốt, những người cộng sản đã cảm hóa và tập hợp số đông tù thường phạm, từng bước đưa họ vào cuộc đấu tranh cải thiện chế độ lao tù. Đến cuối năm 1930, trên cơ sở kinh nghiệm tổ chức Hội cứu tế của tù nhân, thành lập ra Hội những người tù đỏ, làm hạt nhân, đại diện cho anh em tù, đứng ra thương thuyết, tranh đấu với cai ngục, quản tù.
Thấy tình hình khá thuận lợi, đồng chí Tôn Đức Thắng đề nghị với các đảng viên cộng sản xúc tiến thành lập Chi bộ đặc biệt (1932) ở khám Chỉ Tồn Banh I. Lúc đầu có chừng 20 đảng viên, đồng chí Nguyễn Hới (Bí thư Tỉnh ủy Nam Định) được cử làm Bí thư, chi ủy có các đồng chí Tôn Đức Thắng, Tống Phúc Chiểu, Tạ Uyên, Tống Văn Trân. Chi bộ xác định nhiệm vụ: Lãnh đạo đấu tranh trong tù; giáo dục, bồi dưỡng lý luận cho nhau; tuyên truyền, giác ngộ binh lính, giám thị; liên hệ với Đảng ở đất liền và tổ chức trốn.
Cuối tháng 12/1932, một mối liên lạc trong tù do đồng chí Tôn Đức Thắng phụ trách bị địch phát hiện, đồng chí Tôn Đức Thắng bị giam vào hầm xay lúa – đây nơi hành hạ dã man đối với các tù nhân, người tù phải chịu cảnh tối tăm, ngày cũng như đêm, không khí ngột ngạt, bụi mù mịt bốc lên từ cối xay. Những người tù lúc nào cũng phải ở trần, cũng vì thế mà bụi trấu hòa lẫn mồ hôi bám vào da thịt bóc ra từng mảng, lở loét rất đau đớn.
Vượt lên nghịch cảnh, với uy tín của mình, đồng chí Tôn Đức Thắng đã cải tạo chế độ hầm xay lúa, cùng với sự giúp đỡ, ủng hộ của một số tù nhân cộng sản, thành lập Hội cứu tế tù nhân ngay trong hầm xay lúa. Nhờ vậy, những người ốm đau được chăm sóc, cung cấp thuốc men chu đáo, buổi tối còn có lớp học văn hóa cho những người không biết chữ, nói chuyện truyền thống, giáo dục lòng yêu nước cho tù thường. Giữa năm 1935, sau khi mãn hạn bị phạt ở hầm xay lúa, địch đưa đồng chí Tôn Đức Thắng trở lại Banh I ở Khám 8-9.
Cuối năm 1938, chế độ cai trị ở thuộc địa có nhiều thay đổi, Chi bộ nhà tù và Hội tù nhân đặt ra nhiệm vụ là phải bằng mọi cách bảo vệ tính mạng tù nhân, bảo vệ cán bộ của Đảng. Hội tù nhân được cải tiến về mặt tổ chức dựa trên đề nghị của Tôn Đức Thắng, theo hình thức hoạt động công khai. Cụ thể là mỗi khám cử ra các ban như: Ban trật tự, Ban học tập, Ban vệ sinh, Ban cứu tế. Tất cả các ban đều chịu sự chỉ đạo của chi bộ. Nhờ đó, tình hình sức khỏe của tù nhân được cải thiện đáng kể.
Tháng 9/1945, nghe tin Nhật đã đầu hàng Đồng minh, Đảng ủy nhà tù đã cử đoàn đại biểu gồm các đồng chí Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng, Trần Ngọc Danh, Lã Vĩnh Lợi đến gặp chúa đảo Lê Văn Trà yêu cầu trao chính quyền trên đảo cho những người tù cộng sản. Mặc dù yêu cầu không được chấp nhận, nhưng chúa đảo phải đồng ý tổ chức chính quyền liên hiệp ở Côn Đảo. Sau đó, Hội đồng liên hiệp quốc dân Côn Đảo ra đời, gồm chủ yếu là tù nhân cộng sản trong đó có Tôn Đức Thắng, với nhiệm vụ thu vũ khí của binh lính trên đảo và thành lập lực lượng bảo vệ Côn Đảo (Đoàn phòng thủ Côn Đảo).
Ngày 17/9/1945, Tôn Đức Thắng cùng các đồng chí của mình tham gia cuộc mít tinh tại sân vận động, nghe đại diện của Chính phủ, đồng chí Tưởng Dân Bảo, tuyên bố: Côn Đảo chính thức thuộc chủ quyền Việt Nam và là mảnh đất tự do, độc lập.
Ngày 23/9/1945, tàu Phú Quốc và 25 chiếc tàu, thuyền khác đưa 1.800 tù chính trị trở về đất liền. Cầm lái chiếc ca nô mang tên Giải phóng, do chính tay người thợ máy Tôn Đức Thắng lái đưa một số đồng chí trong Ban lãnh đạo trở về đất liền.
Cẩm Trang
Ý kiến bạn đọc