Multimedia Đọc Báo in

Hoàng triều cương thổ và sự thâu tóm quyền lực của người Pháp trên cao nguyên

15:24, 27/11/2022

Khi thực dân Pháp hoàn thành việc xâm lược ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia đã đặt chế độ cai trị của mình, năm 1887 chúng chia thành năm khu vực Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ (Việt Nam), Lào và Cao Miên (Campuchia) thuộc Liên bang Đông Dương, Đông Pháp.

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Chính phủ Pháp phải đương đầu với cao trào độc lập và thống nhất của người Việt khắp cả ba khu vực Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ. Vì thế Cao ủy Đông Dương Georges Therry d’Argenlieu tìm cách vô hiệu hóa bằng cách thành lập Cộng hòa tự trị Nam Kỳ rồi xứ Thượng Nam Đông Dương (27/5/1946). Trong đó, xứ Thượng trực thuộc Chính phủ Liên bang Đông Pháp với 5 tỉnh cao nguyên trung phần, gồm Đồng Nai Thượng, Lang Biang, Pleiku, Darlac, Kontum; thủ phủ đặt ở Đà Lạt, sau đó chuyển tới Ban Mê Thuột. Cộng đồng người Thượng (dùng từ Hán - Việt tức là trên cao để phân biệt vùng thấp đồng bằng) từ khi xuất hiện cho đến khi người Pháp cai trị chưa bao giờ kết hợp lại thành một quốc gia. Mỗi nhóm dân tộc, tùy từng thời điểm, hùng cứ một nơi, quây quần theo thủ lĩnh hoặc dòng họ. Sống trên một địa bàn hiểm trở, xung quanh đều là rừng, văn minh của người Thượng có thể gọi là văn minh thảo mộc, những di tích không tồn tại lâu dài với thời gian.

Đà Lạt
Đà Lạt xưa. Ảnh: T.Biểu 

Ngày 30/5/1949, người Pháp trao quyền quản lý vùng cao nguyên trung phần với xứ Thượng Nam Đông Dương cho Chính phủ quốc gia Việt Nam. Quốc trưởng Bảo Đại tách riêng cao nguyên trung phần ra và lập quy chế hành chính đặc biệt có tên là Hoàng triều Cương thổ qua Dụ số 6 ngày 15/4/1950, tại vùng đất này Bảo Đại ngoài danh nghĩa Quốc trưởng ra vẫn giữ chức vụ Hoàng đế. Hoàng triều Cương thổ ở Trung phần gồm Đồng Nai Thượng, Lâm Viên, Pleiku, Darlac và Kontum. Ngoài ra Dụ số 6 còn ấn định ở Bắc phần gồm nhiều tỉnh cũng thuộc Hoàng triều Cương thổ đó là các tỉnh Hòa Bình (Khu tự trị người Mường); Phong Thổ, Lai Châu, Sơn La (Khu tự trị người Thái); Lào Kay, Hà Giang (Khu tự trị người Mèo); Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn (Khu tự trị người Thổ); Hải Ninh, Móng Cái (Khu tự trị người Nùng).

Đứng đầu Hoàng triều Cương thổ là chức danh Khâm mạng Hoàng triều do Quốc trưởng Bảo Đại bổ nhiệm đồng thời quy chế tự trị của các dân tộc thiểu số sẽ có thể lệ riêng và Chính phủ Pháp sẽ tham nghị nên mỗi khi ban bố luật pháp thì Chính phủ quốc gia Việt Nam phải có sự thỏa thuận của chính phủ Pháp.

Ngày 21/5/1951, Quốc trưởng Bảo Đại ban hành “Quy chế 16” với 9 điều khoản đặt nền móng cho sự cai trị của mình dưới sự chỉ đạo của Pháp như: Thành lập Hội đồng kinh tế; thành lập Tòa án phong tục; thành lập đơn vị riêng, quân sự riêng biệt cho người Thượng ưu tiên phục vụ ở cao nguyên… với mục đích thâu tóm quyền lực về kinh tế ở các đồn điền cũng như chia rẽ các vùng của người dân tộc thiểu số, đồng thời ngăn cản người Việt từ đồng bằng di dân lên miền đất này. Đồn điền trên vùng cao nguyên đất đỏ chủ yếu là trồng cao su do phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng quanh năm, còn lại cây cà phê, chè, ca cao trồng rất ít do năng suất thấp vì trong năm kéo dài nhiều tháng không có mưa. Từ năm 1940, trên toàn cõi Đông Pháp diện tích trồng cao su khoảng 150.000 ha, riêng cao nguyên chiếm gần 1/3, số phu cao su đến 70.000 người (tục gọi là cu-li phục dịch), đa phần họ được mộ từ những thành phần nghèo ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ làm công ăn lương, bị ràng buộc phải bám vào người Pháp. Người phu bị cai phu và chủ đồn điền ngược đãi, bóc lột sức lao động đến cùng kiệt, trung bình họ chỉ được nhận lương khoảng 30 - 40 xu mỗi tháng (thời đó 1 kg gạo trị giá hơn 2 xu).

Quy chế Hoàng triều Cương thổ sau một thời gian bị chỉ trích vì Bảo Đại đã nhượng quyền cho Pháp quá lớn, nhất là khi thành lập Hội đồng kinh tế, phần lớn do các chủ đồn điền người Pháp thao túng. Chính sách hạn chế di dân người Kinh lên cao nguyên vẫn duy trì và người Pháp còn nắm quyền hành chánh như trong thỏa thuận với Tổng thống Pháp Vincent Auriol với Quốc trưởng. Trong số năm tỉnh thì ba tỉnh Kontum, Pleiku, Darlac vẫn do người Pháp cai quản, hơn nữa đại diện Quốc trưởng Bảo Đại ở cao nguyên, tức vị Khâm mạng là người Pháp là đại tá Pierre Didelot.

Sau đó, phong trào cách mạng chống Pháp diễn ra mạnh mẽ ở khắp Đông Dương, đỉnh cao là thắng lợi ở Điện Biên Phủ. Hiệp định Genève 1954 được ký kết, Pháp rút dần sự hiện diện của mình ra khỏi Đông Dương. Đến ngày 10/8/1954, quy chế Hoàng triều Cương thổ bị xóa bỏ. Thủ tướng Ngô Đình Diệm thông qua Dụ số 21 (ngày 11/3/1955) và được Quốc trưởng Bảo Đại chấp thuận, chính thức sáp nhập Hoàng triều Cương thổ vào Trung phần, chấm dứt đặc quyền của người Pháp và Quốc trưởng trên đất cao nguyên.

Võ Hữu Lộc


Ý kiến bạn đọc