Multimedia Đọc Báo in

Những bước chân can trường

19:37, 27/05/2024

Trải qua 70 năm, những chiến sĩ Điện Biên năm xưa đều đã chân chậm, mắt mờ nhưng những ký ức hào hùng của “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi,/ ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/Máu trộn bùn non/Gan không núng/Chí không mòn!”(*) vẫn vẹn nguyên, không phai mờ…

“Đi đánh một trận lớn!”

23 tuổi, chàng thanh niên dân tộc Nùng Tư Văn Gioóng (tức Tư Đức Giang) (hiện ở xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn) vinh dự được đứng chân vào hàng ngũ Trung đoàn pháo cao xạ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam – Trung đoàn 367.

Ngay sau khi được thành lập vào năm 1953, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn được cử sang Trung Quốc học huấn luyện phòng không và tiếp nhận các vũ khí, khí tài do Liên Xô viện trợ.

Ông Gioóng được phân công nhiệm vụ học lái xe. Đến cuối năm 1953, Trung đoàn 367 nhận lệnh đưa người và vũ khí, phương tiện về nước để chuẩn bị cho trận đánh đầu tiên.

Ông Tư Văn Gioóng cùng vợ xem lại kỷ vật khi ông được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Chiến thắng hạng Nhì.

Ông Gioóng hồi tưởng, lúc ấy, ở cấp chiến sĩ chỉ được biết rằng ta sẽ đi đánh một trận lớn, hoàn toàn không biết là đánh trận nào và ở đâu. Quán triệt tinh thần tuyệt đối bí mật, tuyệt đối tuân thủ mệnh lệnh của cấp trên, chiến sĩ trung đoàn ngụy trang toàn bộ vũ khí, phương tiện, lặng lẽ băng rừng vượt suối để đến điểm tập kết an toàn, đúng thời gian đã ấn định.

Ông Gioóng được giao nhiệm vụ lái xe kéo một khẩu pháo cao xạ 37 mm. Để đảm bảo an toàn cho những vũ khí phòng không vô cùng quý giá của quân đội ta, ông luôn khắc ghi khẩu lệnh của cấp trên, đó là phải luôn giữ bình tĩnh trong mọi tình huống, dù có chết cũng không được đánh đổ xe, đánh đổ pháo. Xe và pháo đã phủ kín lá ngụy trang, ông Gioóng còn phải gắn hai mảnh tôn trước đèn pha cho ánh sáng chỉ hắt một khoảng nhỏ dưới mặt đất. Lắm lúc buộc phải tắt hết đèn pha, ông chỉ dựa vào chút ánh sáng lờ mờ của đèn gầm để di chuyển trong đêm đen núi rừng Tây Bắc. Khó khăn nhất là khi vượt qua những con dốc cao trơn trượt, bộ đội ta phải nhanh chóng móc dây thừng vào xe, dùng sức người kéo cả xe và pháo tiến lên phía trước. Lúc xuống dốc thì dùng chính những dây thừng ấy ghìm lại, tránh xe và pháo chệch đường lao xuống vực.

Dưới mưa bom của giặc Pháp, đội quân pháo cao xạ lần lượt qua phà Tạ Khoa, đèo Lũng Lô, ngã ba Cò Nòi, đèo Pha Đin… rồi tập kết ở Tuần Giáo – Điện Biên, hoàn thành thắng lợi cuộc hành quân gần 500 km từ hậu phương ra tiền tuyến.

Cơm nắm, gạo rang - vững vàng trận địa

Là chiến sĩ của Đại đoàn 308 với mật hiệu Đại đoàn Quân Tiên Phong, ông Hồ Viết Ba (hiện ở xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc) vẫn nhớ như in những tháng ngày được góp sức mình làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Ngược dòng ký ức, ông Ba kể, ngay từ đầu năm 1954, đơn vị của ông đã có mặt ở Tuần Giáo, góp sức cùng các lực lượng quân ta mở đường, kéo pháo vào trận địa. Dù mùa đông mưa phùn, gió bấc lạnh cắt da thịt nhưng sỹ khí quân ta vô cùng hăng hái, một lòng quyết tâm tiêu diệt Trần Đình (bí danh của Điện Biên Phủ). Khi các lực lượng đã được triển khai để đánh thọc sâu vào sở chỉ huy của quân Pháp ở lòng chảo Mường Thanh thì đơn vị của ông được lệnh tiến gấp sang Thượng Lào nhằm tiêu hao sinh lực địch và đánh lạc hướng phán đoán của chúng.

Ông Hồ Viết Ba và con gái xem lại những chiếc huy hiệu - kỷ vật của chiến sĩ Điện Biên.

“Quân lệnh như sơn”, đơn vị của ông lập tức xuất kích, băng rừng vượt núi tiến đánh Mường Sài, Sầm Nưa, cùng Đại đoàn 308 phá vỡ phòng tuyến sông Nậm Hu của địch. Hoàn thành nhiệm vụ ở Thượng Lào, Đại đoàn nhận lệnh quay trở lại Điện Biên. Đêm đi, ngày nghỉ, hành trang của người lính ngoài vũ khí, mỗi người còn được cấp một túi gạo rang phòng khi cơm không kịp nấu. Vào đến trận địa Điện Biên Phủ khi chiến dịch bắt đầu đợt tiến công thứ nhất, toàn bộ chiến sĩ dù không kịp nghỉ ngơi vẫn hăng hái xông pha, tiêu diệt cứ điểm Đồi Độc Lập.

Gian khổ nhất phải kể đến đợt tấn công thứ hai. Ông Ba được phân công làm tiểu đội trưởng, phụ trách 2 khẩu trung liên. Cả tiểu đội kiên trì bám giao thông hào. liên tục tấn công cứ điểm quân giặc. Trên đầu, đạn, pháo bay tới tấp; dưới chân, nước ngập bì bõm, có lúc đến ngang bụng, bộ đội ta vẫn vững vàng bám chốt.

Giữa bốn bề lửa đạn, lương thực chính của bộ đội ta chỉ có cơm nắm, muối vừng cùng túi gạo rang luôn thường trực bên hông. Nắm cơm được vắt bằng cỡ quả cam, khi nào ngơi tay đánh giặc, bộ đội lại lần giở ra ăn. Lắm khi nắm cơm ướt sũng nước mưa, trương bở nhưng ông Ba cũng như tất cả những người lính trên trận địa không cho phép mình bỏ phí một hạt nào, bởi đó là mồ hôi, công sức của hàng vạn người dân, hàng vạn dân công hỏa tuyến góp sức đưa vào chiến trường.

“Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh” (**)

Ở tuổi 97, khi nhắc về kỷ niệm tham gia kéo pháo vào trận địa, ông Bùi Việt Hưng (hiện ở xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) lại giơ cao cánh tay đồi mồi, gân guốc, cất giọng sang sảng hát vang bài ca “Hò kéo pháo” của nhạc sĩ Hoàng Vân. Ông Hưng xung phong đi bộ đội từ năm 1950, được biên chế vào Trung đoàn 165, Đại đoàn 312 và được tôi luyện qua nhiều trận đánh lớn của đại đoàn.

Ông Hưng bồi hồi nhớ lại, đầu năm 1954, bộ đội ta được lệnh cắt pháo khỏi xe cơ giới, toàn bộ dùng sức người đưa vào trận địa. Khó khăn nhất phải kể đến những khẩu lựu pháo 105 mm và pháo cao xạ 37 mm nặng đến 2,4 tấn. Đường đèo dốc quanh co, hiểm trở. Dưới làn mưa phùn cùng cái rét căm căm, các chiến sĩ bộ binh, pháo binh kẻ trước, người sau tập trung toàn lực khẩn trương đẩy pháo vào thẳng hướng các cứ điểm quân thù.

Đại diện lãnh đạo TP. Buôn Ma Thuột và xã Hòa Phú thăm và tặng quà chiến sĩ Điện Biên Bùi Việt Hưng nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Thế nhưng, ngay sau khi đưa được pháo vào ngụy trang tại vị trí đã định thì lại nhận lệnh kéo pháo ra, lòng quân ai nấy đều lo lắng. Chỉ đến khi được giải thích, phổ biến cặn kẽ về việc thay đổi chiến thuật để đảm bảo “đánh chắc, tiến chắc”, ông Hưng cùng đồng đội nhanh chóng xốc lại tinh thần, một lòng tin tưởng vào quyết định của Bác Hồ, quyết định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhất tề tuân thủ mệnh lệnh.

Cũng cung đường ấy, những con dốc ấy nhưng hành trình kéo pháo ra gian khổ bội phần. Trên không, máy bay địch không ngừng quần thảo, bắn phá. Dưới mặt đất, những con dốc dài trơn trượt luôn chực chờ nuốt chửng cả người và pháo nếu chẳng may không vững tay ghìm. Theo nhịp hai ba, dô ta, pháo nhích dần từng chút, từng chút một… Dù hiểm nguy kề cận, bộ đội ta luôn nêu cao khẩu hiệu “Dù hy sinh không rời pháo”.

Chiến dịch chính thức mở màn vào ngày 13/3/1954, ông Hưng cùng đồng đội hoàn thành thắng lợi đợt tấn công thứ nhất, đánh chiếm Đồi Độc Lập, rồi lại cấp tập chuẩn bị cho đợt tấn công thứ hai. Vừa đánh, vừa đào hào siết chặt vòng vây, ông Hưng cùng đồng đội tiến dần vào sát cứ điểm A1. Khi vừa hoàn thành xong nhiệm vụ đặt ống bộc phá thứ nhất để mở hàng rào cho quân ta tiến vào tấn công A1 thì ông Hưng bị một mảnh pháo làm trọng thương, được đưa về tuyến sau điều trị.

Ngày 7/5/1954, trên giường bệnh của Bệnh viện Thái Bình, ông Hưng nghe radio truyền tin chiến thắng. Dù vết thương vẫn rất đau nhức nhưng ông đã bật dậy, loạng choạng bước về phía trước hô vang: “Mường Thanh giải phóng rồi! Mường Thanh giải phóng rồi!”. Nước mắt rơi trên má người thương binh vì mừng vui, hạnh phúc…

.......................................

(*), (**) Trích từ bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của nhà thơ Tố Hữu.

Minh Viễn


Ý kiến bạn đọc