Multimedia Đọc Báo in

Huyền sử anh hùng buôn Đắk Tuôr

10:47, 14/07/2024

Đồng bào buôn Đắk Tuôr, xã Cư Pui (huyện Krông Bông) nhiều người vẫn còn nhớ và thường kể về Y Ơn Niê - người anh hùng liệt sĩ dân tộc M’nông. 70 năm qua đi nhưng khí tiết của Y Ơn còn vang vọng núi rừng. Đây là câu chuyện kể về những ngày tháng cuối cùng của anh hùng Y Ơn.

"Ớ dân làng! Cái chân hãy chạy mau mau đi tìm cách mạng, không đầu hàng địch: Không đầu hàng địch!”.

Y Ơn thét lên, tiếng dội vào vách đá. Những ngọn núi trong dãy Chứ Giang Ri đang đứng trụ vào nhau vội nhắc mấy lần bằng giọng âm vang trầm hùng của mình: "không đầu hàng địch!"... Con suối Đắk Tuôr mang lời Y Ơn gửi vào sông Krông Bông, sông Krông Bông truyền lại cho sông Năng, sông Năng lại nhờ sông Ba kể cho buôn làng khắp Tây Nguyên này đều biết.

Ấy là một ngày tháng 2/1963, Y Ơn bước vào mùa rẫy thứ 27.

Tiểu đoàn trưởng ngụy tập trung lính và cho dẫn 75 người đã bị bắt tới gốc cây kơ nia nơi đang trói Y Ơn: “Mày kêu lũ làng đang chạy trốn quay lại đây đi, tao sẽ tha cho mày, chúng tao sẽ đưa tất cả vào dinh điền, có nhiều muối, nhiều rựa, nhiều vải... Chúng mày vào sâu trong núi để mà chết đói hả?”.

Đáp lại lời hắn, Y Ơn đã thúc giục mấy trăm người chưa bị bắt cứ chạy nữa đi, rồi hạ giọng nói với những người đã bị bắt đứng quanh: “Phải tìm cách mạng thôi, phải vào rừng sâu hơn với cách mạng, dân làng à!”.

- A, thằng này láo!

Huỵch! một quả đấm vào ngực, Y Ơn loạng choạng.

Thằng tiểu đoàn trưởng rút súng ngắn, vung vẩy trên tay, hắn tung lên rồi bắt gọn như làm xiếc, chỉ vào Y Ơn nói gằn từng tiếng: “Tao cho mày nói lại. Liệu hồn, không tao bắn bể sọ!”.

Y Ơn ngước nhìn cây kơ nia, thân cây thẳng tắp, tán lá xòe tròn xanh biếc như đỡ lấy trời cao. Kơ nia ơi! Kơ nia cao thế chắc nhìn thấy những hang đá mà buôn làng ta đang ẩn nấp, kơ nia hãy nhờ gió nói với buôn làng: Hãy vững lòng, Y Ơn không chỉ chỗ bà con cho Mỹ Diệm bắt đâu... Chừng như hiểu lòng Y Ơn, ngọn gió rì rà, rì rào từ cạnh nọ chuyền sang cành kia, cây nọ truyền cho cây kia, cánh rừng này chuyển qua cánh rừng khác.

Đoàn viên thanh niên viếng Nhà tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Y Ơn Niê trong hành trình về nguồn. Ảnh: Vân Anh

… Cho đến tháng 10/1961, Đắk Tuôr được giải phóng, Y Ơn được đi hội họp, được học cái chữ của Bác Hồ. Dân làng Đắk Tuôr được đi rừng, đi rẫy. Con trai, con gái ríu rít như chim theo bầy, vui với nhau bên ché rượu cần, bên cối gạo đêm trăng. Y Ơn tham gia du kích và lập ban tự quản từ đấy.

Thế rồi Mỹ Diệm lên lập đồn Mí Ga để xây dựng sân bay, chỉ cách Đắk Tuôr một giờ đi bộ. Tháng nào địch cũng càn quét ít nhất ba lần. Con cọp về bắt heo, bắt bò mỗi lần chỉ bắt một con, mà cọp thì đi lẻ, còn thằng Mỹ Diệm đi kéo đàn, bắt hết mấy trăm con trâu, bò, heo, dê, bắt hết nghìn con gà; đập hết trăm ché thường và mười sáu ché túc; cướp đi mất năm bộ chiêng quý mà mỗi bộ chiêng phải đổi ba voi, mười trâu từ bên Lào mang tới; năm lần đốt hết ba trăm nóc nhà, cũng là năm lần người dân Đắk Tuôr dời buôn vào núi cao hơn, rừng sâu hơn để dựng buôn mới. Lúa bắp, quần áo cũng cháy hết. Địch đã giết ba người, câu pháo làm bị thương ba người để uy hiếp tinh thần rồi dụ dỗ buôn làng về lập ấp. Có người sợ súng đạn, có người sợ đi miết vào núi cao thì chết đói.

Y Ơn giơ cao tay, nói với dân làng: "Bớ dân làng! Ta còn cái rựa, cái xà gạc, ta còn rừng núi, ta còn sống. Rừng núi sẽ cho ta củ mài, củ măng. Ta mang cung bẫy đá, rừng núi sẽ cho ta thịt rừng. Thằng Mỹ Diệm theo chân ta sẽ phải chết, phải cho ta súng đạn để đánh chúng. Hạt muối ta có nhiều ớt, nhiều lá chua. Không có chăn, ta có nhiều lá cây, hang đá, nhiều củi đốt lửa... Ta không phải một buôn Đắk Tuôr mà còn cả xã Krông Tun, cả tỉnh Đắk Lắk, cả nước mình, nhiều, nhiều lắm. Ta theo Mỹ Diệm thì ông bà ở nhà mồ cũng giận ta. Đi đâu ngó thấy người Êđê, người Bana, người Kinh, ta sẽ phải lẩn lút như con khỉ bẻ trộm bắp. Ta nhất định không theo giặc, ta phải đi nữa, đi miết miết tới khi nào pháo đồn Mí Ga không bắn tới, con mắt thằng địch không ngó tới, cái chân thằng địch không leo tới"...

Dân làng tin cái miệng Y Ơn, vì cái bụng nó nghĩ đúng nên cái miệng nó nói phải. Y Ơn đã trở thành người Đảng, được giao nhiệm vụ xã đội phó, trực tiếp chỉ đạo buôn Đắk Tuôr.

… “Thưa thiếu tá, tên mọi đã tỉnh!” - Một thằng lính đến báo với tên tiểu đoàn trưởng, không biết đã ngồi nghỉ từ lúc nào. Hắn uể oải đứng dậy: “Tao khen cho mày đấy! Chúng tao có một tiểu đoàn dù, một tiểu đoàn bộ, định chụp hết, hốt hết mà không được. Có phải mày chặn bọn tao cho du kích kịp dẫn dân làng chạy không?”

- Phải!

- Chúng nó thoát nhưng mày bị bắt, mày bị bắt thì ai làm cách mạng ở Đắk Tuôr? Mày kêu dân làng về, đằng nào cũng thế, chúng tao sẽ tha cho mày và đối xử tử tế, mày sẽ được làm ấp trưởng.

Y Ơn quắc mắt:

- Cái bụng dân làng thì không ưng ở với Mỹ Diệm, tao chết sẽ có người khác, có cả dân Đắk Tuôr làm cách mạng, chúng mày không bắt được hết dân Đắk Tuôr, không bắt được hết dân cả nước đâu…

Lưỡi lê kẻ thù găm vào ngực Y Ơn, cắt ngang lời nói. Con suối Đắk Tuôr réo lên giận dữ, rừng cây rung lá ào ào.

Đấy là một ngày đầu tháng 2/1963. Chuyện về anh hùng Y Ơn được già làng kể lại cho con cháu bằng giọng trầm trầm của núi rừng như đang kể những trường ca hay kể về huyền sử.

Hữu Chỉnh


Ý kiến bạn đọc