Multimedia Đọc Báo in

Chiến thắng Đức Lập - trận thắng mở màn cho mùa Xuân đại thắng ở Tây Nguyên

05:27, 23/02/2025

Từ giữa năm 1974, Bộ Chính trị nhận định đây là thời cơ thuận lợi nhất để ta hoàn thành giải phóng miền Nam, giành thắng lợi trọn vẹn cho cách mạng dân tộc dân chủ, đồng thời giúp Lào, Campuchia hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Tháng 1/1975, Thường trực Quân ủy Trung ương quyết định mở Chiến dịch Tây Nguyên (mang mật danh A275) nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng các tỉnh Nam Tây Nguyên (Đắk Lắk, Phú Bổn, Quảng Đức).

Trong Chiến dịch Tây Nguyên, quận lỵ Đức Lập (tỉnh Quảng Đức cũ - Đắk Mil ngày nay) được chọn là điểm mở đầu để tiến công giải phóng Buôn Ma Thuột. Đức Lập là một quận lỵ lớn nằm trên đường số 14, án ngữ con đường vận tải chiến lược vào miền Đông Nam Bộ, được xem như “cánh cửa thép” khống chế Nam Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và vùng biên giới Campuchia.

Tuổi trẻ huyện Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông) tổ chức hoạt động về nguồn tại Đồi 722- Đắk Sắk (huyện Đắk Mil). Ảnh: Báo Đắk Nông

Để án ngữ vị trí quan trọng này, tại Đức Lập, địch có Sở chỉ huy hành quân Sư 23 cùng 2 tiểu đoàn bộ binh, 3 đại đội pháo binh 105, 1 chi đoàn xe tăng, 5 đại đội bảo an và một số đơn vị trinh sát, công binh của Sư 23. Với 5 cứ điểm quân sự mạnh, Đức Lập hình thành tuyến phòng thủ Tây Nam Buôn Ma Thuột, là lá chắn mạnh, ngăn đường hành lang chiến lược của ta vào miền Đông.

Vì vậy, ta xác định đánh căn cứ Đức Lập là một nhiệm vụ rất quan trọng, liên quan mật thiết với mục tiêu chính của chiến dịch là thị xã Buôn Ma Thuột. Vào lúc 5 giờ 55 phút ngày 9/3/1975, Sư đoàn 10 và Sư đoàn 316 bộ đội chủ lực của ta phối hợp với bộ đội địa phương và lực lượng du kích của huyện Đức Lập đã đồng loạt nổ súng đánh vào quận lỵ Đức Lập.

Đến 8 giờ 30 phút cùng ngày, ta đã chiếm được căn cứ 23. Cùng lúc, ở phía Tây, Trung đoàn 28 cũng đã đánh chiếm căn cứ Núi Lửa; Trung đoàn 66 chiếm Sở chỉ huy hành quân của Sư đoàn 23 địch. Sư đoàn 10 tiếp tục tổ chức tiến công vào chi khu (quận lỵ Đức Lập). Tại quận lỵ Đức Lập, dựa vào hệ thống lô cốt, hầm ngầm kiên cố, công sự và xe thiết giáp đặt ngầm dưới đất, quân địch đã chống trả quyết liệt. Sư đoàn 10 phải tổ chức nhiều đợt tiến công, đưa pháo hạng nặng vào gần, hạ nòng bắn thẳng, tới 8 giờ 30 phút ngày 10/3/1975 ta mới làm chủ được quận lỵ Đức Lập.

Cùng với tiến công quân sự là phát động quần chúng nổi dậy. Theo đó, ngay trong ngày 9/3/1975, các đội công tác của huyện đã phát động nhân dân từ các ấp trên trục đường hướng Đức Lập - Đắk Sắk - Đắk Song nổi dậy, đội công tác đã cùng bộ đội chủ lực diệt 2 đại đội bảo an địch ở Đức Minh - Đắk Sắk, đồng thời tham gia truy quét bọn ác ôn đầu sỏ bắt hàng trăm tên, gọi hàng bọn nghĩa quân dân vệ ra nộp súng, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân. Trong cuộc tiến công giải phóng Đức Lập, quân ta đã tiêu diệt và làm tan rã phần lớn quân địch, bắt sống 100 binh sĩ, thu giữ 4 khẩu pháo, 20 xe tăng và thiết giáp của địch.

Chiến thắng Đức Lập ngày 9/3/1975 là trận thắng lớn đầu tiên của quân đội ta trong Chiến dịch Tây Nguyên, góp phần đẩy mạnh khí thế tiến công và nổi dậy của toàn chiến trường. Đây là thắng lợi mang tính “nút thắt”, mở thông đường hành lang chiến lược, tạo điều kiện thuận lợi để Sư đoàn 316 đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975, tạo đà cho Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi.

Cẩm Trang


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Đắk Lắk phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 8% trở lên
Kỳ họp lần thứ Chín, HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa X diễn ra ngày 19/2 đã thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh, bổ sung một số chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt trên 8% trở lên.