Đắk Lắk có “kỷ niệm” gì với du khách?
Trên hành trình khám phá Đắk Lắk, mỗi chuyến đi chạm đến vẻ đẹp kỳ thú của vùng đất và con người tạo nên dấu ấn đáng nhớ cho du khách.
Để níu chân du khách, khiến họ yêu mến một vùng đất, tự tin giới thiệu cho bạn bè đôi khi chỉ cần những điều đơn giản, như một nụ cười thân thiện. Chị Lý Cẩm Vy, du khách đến từ tỉnh Quảng Bình chia sẻ, cảnh quan, dịch vụ sẽ tạo ấn tượng ban đầu, nhưng cảm xúc của du khách còn quan trọng hơn. Một lần đến Đắk Lắk đã đem đến cảm xúc trọn vẹn cho gia đình chị.
Ấn tượng nhất với chị Vy là người Đắk Lắk luôn giữ nụ cười đón khách, dù họ có làm trong nghề dịch vụ du lịch hay không. Gặp bất kỳ người dân nào, khi hỏi đường, cần sự trợ giúp, họ đều vui vẻ mỉm cười, chỉ dẫn tận tình.
Chị Vy nhớ mãi về kỳ nghỉ hai ngày ở Đắk Lắk, nhưng thật nhiều kỷ niệm, nhiều cảm xúc. Nhớ nhất là kỷ niệm gia đình chị đi du lịch tự túc bằng xe ô tô và bị lạc đường khi tham quan thác Dray Nur.
Chỉ qua mấy lời hỏi thăm, một nam thanh niên người Êđê đang tưới nước cà phê, sẵn lòng dừng công việc đang làm, lên xe dẫn đường. Trên chặng đường đến thác, gia đình chị Vy có thêm một “hướng dẫn viên” người bản địa, chuyện trò vui vẻ, biết được bao điều mới lạ.
Từ cảnh quan kỳ vĩ đến ẩm thực phong phú, độc lạ, quan trọng hơn là thái độ thân thiện chắc hẳn sẽ được nhắc đến nhiều khi đặt chân đến Đắk Lắk.
Sản phẩm OCOP của tỉnh Đắk Lắk tham gia trưng bày, giới thiệu tại Ngày hội Du lịch Hồ Chí Minh năm 2024. |
Tuy nhiên, đến Đắk Lắk, dù đã có sẵn ưu đãi về cảnh đẹp, con người thân thiện, không ít du khách lấy làm tiếc khi thiếu những sản phẩm quà tặng đặc trưng để lưu giữ kỷ niệm bằng hiện vật mang về nhằm “ghi dấu” một lần đã ghé thăm. Những sản phẩm quà tặng được giới thiệu, quảng bá tới du khách phần lớn là cà phê, mật ong, túi, ví, quần áo thổ cẩm, đồ thủ công mỹ nghệ như móc khóa, chiếu, gùi, quả bầu khô, tượng voi… vẫn chưa đủ sức tạo dấu ấn riêng.
Theo nhiều du khách, đồ ăn thức uống hay đồ lưu niệm, điều quan trọng nhất là họ muốn nghe những câu chuyện gắn với sản phẩm tại nơi đã đặt chân đến. Đó là những câu chuyện văn hóa, dẫn dắt du khách tìm hiểu về sản phẩm cũng như ý nghĩa và giá trị của món quà, làm khách nhớ mãi về điểm đến.
Trong nỗ lực làm mới sản phẩm tạo ra sức hấp dẫn cho du khách, những năm gần đây, tỉnh Đắk Lắk đang chú trọng phát triển sản phẩm OCOP tham gia làm du lịch với tư cách là quà tặng, lưu niệm. Đây không chỉ là cơ hội gia tăng chuỗi giá trị mà còn là kênh truyền thông để gián tiếp giới thiệu, quảng bá hình ảnh, con người, văn hóa vùng đất đến với khách du lịch.
Chia sẻ về định hướng phát triển sản phẩm OCOP với tư cách là món quà tặng, lưu niệm, bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho rằng, nhiều địa phương trong tỉnh đã quy hoạch được những vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn, đặc biệt là bảo tồn và phát triển nhiều làng nghề truyền thống; hình thành nhiều sản phẩm OCOP chất lượng.
Bước tiếp theo là cần có sự quan tâm đầu tư đúng mức, chiến lược “đường dài” để sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một “đại sứ” du lịch, có điểm nhấn đặc trưng, khác biệt rõ nét để chuyển tải những câu chuyện văn hóa, “khái quát” lại trong sản phẩm quà lưu niệm.
Việc lồng ghép kết nối, tiêu thụ sản phẩm với các hoạt động du lịch cũng đang được địa phương xúc tiến, tăng cường. Ngành du lịch Đắk Lắk đã tổ chức nhiều hội nghị, điểm trưng bày kết nối tiêu thụ, quảng bá sản phẩm quà tặng OCOP, tạo liên kết giữa các cơ sở sản xuất với du khách, người tiêu dùng…
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc