Rèn luyện thái độ trung thực trong học tập
Thời tôi học phổ thông, các thầy cô thường nhắc nhở học sinh: mình học cho mình, kết quả thực chất mới giá trị hơn điểm số; muốn bao nhiêu điểm thầy cho ngay, nhưng đó không phải là điểm của kiến thức mình có.
Tôi nhớ năm đầu tiên vào học cấp ba, kết quả học kỳ I lớp tôi có tới 13 học sinh tiên tiến! Điều đó gây chấn động toàn trường vì thời ấy mỗi lớp thường chỉ có 3 - 4 học sinh tiên tiến. Lớp tôi được chọn làm điểm xây dựng phong trào học tập. Chúng tôi chọn giải pháp “cấm mở vở coi bài” (cách đây hơn 40 năm chưa có từ “quay cóp” và “phao”). Lớp quy định xử nặng những ai xem sách vở, coi bài của bạn khi làm bài kiểm tra; người cho bạn coi, ném bài cho bạn cũng bị xử như người coi bài). Hệ 10 năm cấp ba chỉ có 3 năm (lớp 8, 9, 10), học hết lớp 9 hầu như ai cũng đều được kết nạp Đoàn. Hồi đó tốt nghiệp cấp ba phải là đoàn viên mới được làm hồ sơ thi đại học; có người vì phạm lỗi “quay cóp” mà không được kết nạp Đoàn.
Một tiết học của thầy và trò Trường Tiểu học, THCS & THPT Victory. Ảnh: Ngô Minh Phương |
Nhờ rèn được thái độ trung thực khi làm bài nên các kỳ thi đối với tôi không nặng nề lắm, không phải dùng tới “phao cứu sinh”. Học đại học mà tôi không bao giờ bị thi lại, bị bạn bè đùa vui là sinh viên “cá biệt”. Cách học của tôi là học hiểu là chính, không học thuộc lòng, học tủ; nếu gặp đề đòi hỏi sáng tạo thì thường được điểm cao, còn đòi hỏi thuộc bài thì cũng vẫn được trên trung bình. Sau này đi học lý luận chính trị, học các chứng chỉ…, tôi cũng “kiên định” như vậy. Cũng làm đề cương đầy đủ theo giới hạn ôn thi, mang theo đề cương tranh thủ xem lại trước giờ thi; còn vào phòng thi rồi thì cắm cúi làm bài không mơ màng gì đến tài liệu. Kết quả điểm cao thấp không quan trọng, miễn là “qua” được.
Bệnh gian lận học đường không chỉ gây ra hệ lụy xấu đến xã hội (minh chứng là các vụ án nâng điểm thi tốt nghiệp phổ thông ở một số tỉnh miền núi phía Bắc những năm học trước), mà còn ảnh hưởng đến tương lai của học sinh (vì thiếu kiến thức khi học lên bậc cao hơn, thiếu độc lập suy nghĩ, hình thành thói quen gian lận…).
Cách nay hơn chục năm, ngành giáo dục đã thấy được nguy cơ của gian lận học đường nên đã đề xướng cuộc vận động “Hai không”: “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” mà "tác giả" là nguyên Bộ trưởng Giáo dục – Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân (trong đó vế thi cử thì lớp cấp ba của tôi đã thực hiện từ hơn bốn chục năm trước rồi). Kết quả cuộc vận động của toàn ngành giáo dục vẫn còn rất khiêm tốn, có lẽ do chúng ta chỉ giải quyết phần ngọn. Cái gốc vẫn là vấn đề trung thực của học sinh và cả giáo viên; học sinh phải biết xấu hổ khi quay cóp, giáo viên phải biết tự trọng khi đặt bút cho điểm... Trung thực trong nhà trường phải trở thành nếp văn hóa và kiểm tra bài, thi cử chỉ là một trong nhiều nội dung của trung thực.
Thế Nhân
Ý kiến bạn đọc