Multimedia Đọc Báo in

Làm sao để tránh tình trạng đạt 30 điểm 3 môn vẫn… trượt đại học?

11:57, 08/10/2021

Nếu như vài năm trước có trường phải nâng điểm chuẩn thật cao để loại bớt thí sinh thì năm nay điểm chuẩn tăng “sốc” đã làm thí sinh đạt 30 điểm vẫn trượt đại học.

Ảnh .
Nhiều thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đạt điểm cao nhưng vẫn trượt đại học. (Ảnh: Tin nhanh 24/7)

Những ngày vừa qua có lẽ không ít thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng bằng phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông cảm thấy thất vọng, thậm chí bức xúc bởi đạt 9 điểm mỗi môn thi cũng không thể đỗ, thậm chí 30 điểm 3 môn vẫn rớt đại học.

“Nóng” nhất chính là ngành Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao của Trường Đại học Hồng Đức (tỉnh Thanh Hóa) với mức điểm chuẩn 30,5 điểm, thang điểm 30.

Mức điểm này đã “soán ngôi” ngành Hàn Quốc học của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội (điểm chuẩn 30) vốn được lập từ vài năm gần đây.

Năm nay là lần thứ hai trong vòng 5 năm trở lại đây, điểm trúng tuyển đại học vượt mức trần 30 điểm/3 môn. Lần thứ nhất là vào năm 2017, Học viện An ninh nhân dân lập kỷ lục với điểm chuẩn 30,5 của ngành Ngôn ngữ Anh dành cho thí sinh nữ. Theo thống kê từ Bộ GD-ĐT, điểm chuẩn năm nay tăng “sốc” so với năm trước, trong đó có 30 ngành tăng từ 9 đến 11 điểm, 265 ngành có điểm chuẩn tăng từ 5 điểm trở lên.

Hàng loạt ngành của nhiều trường năm ngoái điểm chuẩn chỉ 18, 19 thì năm nay lên 25, 26 điểm. Ngành Giáo dục chính trị tổ hợp C20 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm ngoái 19,25 điểm thì năm nay 28,25 điểm. Mức điểm chuẩn trên 29 điểm/3 môn đã không còn là hiện tượng cá biệt.

Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội có ngành Đông phương học khối C lấy điểm chuẩn 29,8; ngành Quan hệ công chúng 29,3 điểm. Trường Đại học Luật Hà Nội lấy 29,25 điểm với ngành Luật kinh tế. Đối tượng nữ ngành nghiệp vụ an ninh Học viện An ninh nhân dân lấy 29,99 điểm. Ngành Xây dựng lực lượng Công an nhân dân khối C, dành cho nữ của Học viện Chính trị Công an nhân dân có điểm chuẩn 30,34.

Sự tăng “sốc” của điểm chuẩn đại học năm 2021 vượt xa cả dự báo của chính Bộ GD-ĐT trước đó và dự đoán của thí sinh khiến những em đạt 27, 28 điểm phải than thở: “18 tuổi, lần đầu tiên tôi biết cảm giác 27 điểm trượt hết tất cả nguyện vọng thi đại học”! Câu chuyện điểm chuẩn đại học năm 2021 tăng “sốc” này hẳn khiến cho nhiều người phải đặt câu hỏi điểm chuẩn cao quá hay các em học quá siêu? Và quan trọng hơn là phải làm sao để năm sau không có thí sinh nào lại gặp tình trạng đạt 10 điểm mỗi môn vẫn trượt đại học?

Thiết nghĩ, Bộ GD-ĐT cần có sự tính toán lại về điểm ưu tiên đối tượng và khu vực. Ưu tiên là đúng nhưng để dẫn đến chuyện học sinh thành phố dù 3 môn đạt điểm tuyệt đối 10/10 vẫn trượt đại học thì lại là không công bằng với các em. Dù có giỏi đến mức độ nào thì các em cũng không thể đạt hơn 10 điểm/bài thi. Vậy các em có hộ khẩu tại thành phố phải làm sao?

Bên cạnh đó, các thí sinh cần phải có phương cách đăng ký nguyện vọng phù hợp; không nên chọn một mà phải sử dụng tối đa các phương án xét tuyển của trường đại học như: xét học bạ, xét điểm thi đánh giá năng lực, xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, xét tuyển thẳng, kết hợp xét học bạ và các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.

Các trường đại học đang trong quá trình hướng đến tự chủ nên đều áp dụng nhiều phương thức xét tuyển, điều đó khiến chỉ tiêu dành cho phương án xét điểm thi tốt nghiệp bị giảm xuống.

Do đó, thí sinh cần phải nghiên cứu kỹ, lựa chọn cho mình các phương thức xét tuyển phù hợp và an toàn nhất, chọn ngành thay vì chọn trường, đăng ký nhiều nguyện vọng để rớt cái này còn cái khác; tranh thủ thi đánh giá năng lực ngay khi có thể (để đề phòng các đợt thi đánh giá năng lực bị hủy do dịch bệnh).

Và ngay cả khi điểm thi của các em có cao ngất ngưởng gần chạm đỉnh thì cũng hãy bình tĩnh, phải tận dụng quyền thay đổi nguyện vọng bởi điểm mình cao nhưng nhiều người khác cũng cao, thậm chí còn cao hơn.

Bình An


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.