Multimedia Đọc Báo in

“Ươm mầm” ở trường mầm non

16:17, 27/11/2021

Lấy trẻ làm trung tâm của trường học, khơi dậy sự hứng thú, khả năng khám phá, tìm hiểu môi trường xung quanh, tạo tiền đề giúp trẻ phát triển toàn diện, cách làm này đã giúp huyện Ea Kar đưa việc thực hiện Chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” đi vào chiều sâu.

Trong khuôn viên của Trường Mầm non Bông Sen ở xã Ea Tih (huyện Ea Kar) không chỉ có dãy phòng học, bếp ăn, nhà hiệu bộ mà còn có nhiều khu vực dành riêng cho trẻ khám phá. Nào là vườn rau xanh, vườn hoa, khu trải nghiệm, con đường của bé... tất cả đều do các cán bộ, giáo viên nhà trường sáng tạo và triển khai thực hiện.

Sau khi được chọn làm điểm triển khai thực hiện Chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2016 - 2020”, Ban Giám hiệu nhà trường đã phối hợp với cha mẹ học sinh cải tạo, quy hoạch, bố trí tận dụng tất cả không gian trong và ngoài lớp nhằm tạo điều kiện cho trẻ được thỏa mãn nhu cầu học tập và khám phá, trải nghiệm. Nhà trường vận động phụ huynh, doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí làm sân chơi. Đồng thời, ngoài giờ lên lớp, các cô giáo trồng hoa, rau xanh, sử dụng các vật liệu tái chế làm đồ chơi, lấy đá cuội tạo hình con vật, bông hoa.

Bên trong các lớp học được trang trí góc học tập, vui chơi hợp lý. Đặc biệt, để mở rộng khuôn viên, giúp trẻ có thêm góc khám phá, nhà trường đã xây dựng thêm khu trải nghiệm. Nhờ vậy, các bé được tìm hiểu thế giới cổ tích “Nàng Bạch Tuyết và 7 chú lùn”, tập làm thợ xây, tạo hình với cát, tìm hiểu bến nước... Vào dịp lễ, Tết, nhà trường xây dựng, trang trí các gian hàng theo chủ đề, chủ điểm như: góc địa phương giúp trẻ tìm hiểu văn hóa, phong tục của địa phương qua các nhạc cụ, trang phục truyền thống, nhà sàn, nhà rông, nấu bánh chưng; góc hoạt động có cửa hàng sách, tạp hóa, sân bóng đá mini theo nhu cầu, sở thích của trẻ.

Học sinh Trường Mầm non Bông Sen (xã Ea Tih, huyện Ea Kar) khám phá khu trải nghiệm của trường.

Cô Ngô Thị Hợi, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Mọi hoạt động đều hướng đến trẻ và vì trẻ, cô giáo chỉ đóng vai trò đồng hành và hướng dẫn. Ngoài các tiết học trong lớp, nhà trường tăng cường tiết học ngoài trời để trẻ được vận động, chơi đùa theo sở thích, hòa mình vào thiên nhiên. Các cô giáo lồng ghép việc truyền đạt kiến thức, kỹ năng sống cho trẻ trong cả giờ học, giờ ăn, giờ chơi, vệ sinh cá nhân... Qua đó, đội ngũ giáo viên ngày càng năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Học sinh mạnh dạn, tự tin, tiếp thu tốt kiến thức và hào hứng khi đến trường. Trường học luôn đổi mới, ngày càng xanh – sạch – đẹp, tạo sự tin tưởng đối với phụ huynh.

Không chỉ Trường mầm non Bông Sen, thực hiện chuyên đề trên, huyện Ea Kar đã chọn 6 trường xây dựng mô hình điểm, tổ chức tham quan, học tập, rút kinh nghiệm và nhân rộng tại 24/24 trường mầm non trên địa bàn huyện. Cùng với đó, huyện đã tổ chức các cuộc thi, hội thảo chuyên đề xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên... Ban giám hiệu các trường mầm non đã tích cực tham mưu với các cấp lãnh đạo đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, thực hiện xã hội hóa nhằm xây dựng các góc vui chơi, trải nghiệm, mua sắm thiết bị, đồ dùng dạy học, tận dụng tối đa diện tích trong và ngoài khuôn viên trường.

"Con đường của bé" trong khuôn viên Trường Mầm non Bông Sen (xã Ea Tih, huyện Ea Kar).

Để thực hiện hiệu quả chuyên đề, các trường mầm non trên địa bàn huyện đã chú trọng xây dựng môi trường vật chất và môi trường xã hội. Các góc mở, khu trải nghiệm, trò chơi dân gian đã tạo điều kiện cho trẻ “học bằng chơi, chơi mà học”. Qua đó, góp phần giúp trẻ phát triển kỹ năng giao tiếp, vận động, xử lý tình huống, thái độ ứng xử, gắn bó, thân thiết hơn giữa trẻ với trẻ, giữa cô và trò.

Khu trải nghiệm của Trường Mầm non Bông Sen (xã Ea Tih, huyện Ea Kar).

Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ea Kar Nguyễn Thanh Dương đánh giá: Việc triển khai thực hiện Chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” đã giúp giáo dục mầm non được chú trọng, đầu tư nhiều hơn, chất lượng được nâng cao, giúp trẻ mạnh dạn, tự tin, biết quan sát, lắng nghe, thực hành các ý tưởng, tạo nền tảng tốt khi trẻ bước vào lớp 1.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện Ea Kar tập trung đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong hoạt động của các trường mầm non, nhân rộng các mô hình điểm nhằm nâng cao chất lượng, xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.