Multimedia Đọc Báo in

Chủ động đón học sinh trở lại trường

08:41, 14/02/2022

Sau một thời gian dài phải học gián tiếp do ảnh hưởng của dịch COVID-19, từ ngày 14/2, học sinh bậc mầm non trên địa bàn tỉnh và học sinh tiểu học, lớp 6 tại TP. Buôn Ma Thuột đồng loạt trở lại trường học trực tiếp.

TP. Buôn Ma Thuột là một trong những "điểm nóng" về dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Để bảo đảm tiến độ dạy và học, ngành giáo dục thành phố đã triển khai linh hoạt các phương án dạy học trực tiếp, gián tiếp theo từng khối lớp. Cụ thể, bậc THCS đã đón học sinh từ lớp 7 trở lên đến trường. Còn khối mầm non, tiểu học và lớp 6 sẽ đón học sinh đến trường học trực tiếp từ ngày 14/2.

Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch, các trường đã xây dựng, phổ biến phương án cụ thể về phòng, chống dịch; khảo sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh về việc tổ chức dạy học cho học sinh; tuyên truyền về công tác phối hợp giữa phụ huynh với nhà trường khi đưa trẻ đến trường học trực tiếp như thực hiện 5K, chuẩn bị đồ dùng cá nhân cho con, kịch bản khi có ca F0…

Trường Mầm non 10-3 (TP. Buôn Ma Thuột) tổ chức test nhanh cho giáo viên trước khi đón học sinh trở lại trường.

Những ngày qua, cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Khuyến (TP. Buôn Ma Thuột) đã tập trung vệ sinh trường lớp, trang thiết bị để chuẩn bị đón 455 học sinh trở lại trường học trực tiếp.

 

Đưa trẻ mầm non, học sinh phổ thông tới trường sớm nhất có thể để vừa bảo đảm quyền lợi chính đáng của học sinh, vừa tạo môi trường lý tưởng để các em học tập, vui chơi, phát triển toàn diện”.

ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT nhấn mạnh

Bà Hồ Thị Lam, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Khuyến cho biết: “Căn cứ vào tình hình thực tế của học sinh, nhà trường đã đón học sinh khối THCS chậm hơn 1 tuần so với trường công lập vì đa số học sinh sinh sống rải rác ở các xã, phường trên địa bàn thành phố; việc học 1 buổi/ngày gây khó khăn trong việc đưa đón con của phụ huynh. Trường khuyến khích phụ huynh chủ động test COVID-19 tại nhà cho con em mình. Các học sinh và cán bộ, giáo viên, nhân viên khi có các biểu hiện sốt, ho, khó thở được khuyến khích ở nhà để theo dõi sức khỏe. Nhà trường đã có phương án bổ trợ kiến thức cho những học sinh phải nghỉ học do dịch hoặc do các biểu hiện nói trên nhằm bảo đảm việc học tập cho các em cũng như phòng, chống dịch. Việc đưa đón học sinh tại trường được phân theo hai luồng cổng chính và cổng phụ theo từng khu vực”.

Việc dạy, học online mùa dịch là tình thế bắt buộc và đối với học sinh lớp 1, việc dạy học đã gặp rất nhiều khó khăn. Cô Lê Thị Hằng, giáo viên Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Khuyến cho hay, năm học 2021 - 2022 thực hiện truyền thụ kiến thức theo chương trình mới nên bản thân cô và trò đã gặp khá nhiều khó khăn khi dạy học online. Việc dạy, học trực tiếp sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Do đó, cô rất hồi hộp và mong đợi được đón học sinh của mình tại trường.

Tương tự, để đón học sinh bậc mầm non trở lại trường học, ngoài công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực thì các trường còn tổ chức khảo sát ý kiến của phụ huynh trước khi tổ chức học trực tiếp tại trường. Cô Nguyễn Thị Ngọc Ánh, dạy lớp mầm, Trường Mầm non Ban Mê (TP. Buôn Ma Thuột) tâm sự, gần 8 tháng qua học sinh không đến trường cũng là thời điểm cô phải tự tìm nhiều việc làm khác để trang trải cuộc sống. Nay có thông báo của nhà trường chuẩn bị đón học sinh trở lại trường, cô rất vui vì được gặp lại học sinh, được làm đúng ngành nghề mình yêu thích. Cô đã tham gia công tác dọn vệ sinh trường học từ trước để các em có môi trường học tập tốt nhất. Đồng thời, hướng dẫn các phụ huynh chuẩn bị đồ dùng cá nhân mang theo khi con em mình đi học.

Đại diện ngành giáo dục đến thăm, động viên học sinh, giáo viên Trường THCS Đào Duy Từ (TP. Buôn Ma Thuột).

Theo thống kê của ngành giáo dục, toàn tỉnh đã có 175/329 trường mầm non, 280/390 trường tiểu học, 233/239 trường THCS, 51/59 trường THPT, 12/15 Trung tâm GDTX-GDNN tổ chức dạy học trực tiếp. Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, các trường cần tranh thủ “thời gian vàng” khi học trực tiếp để củng cố kiến thức, kỹ năng cho học sinh. Trọng tâm là ôn tập bù lấp những lỗ hổng về kiến thức khi học trực tuyến; tăng cường kiểm tra, uốn nắn, hỗ trợ các em những kỹ năng cơ bản, các phương pháp học tập hiệu quả, nhất là các em cuối cấp. Đầu và cuối mỗi buổi học, giáo viên dành thời gian để nhắc các em về 5K gắn với thực hiện “một cung đường hai điểm đến”; động viên học sinh hạn chế tiếp xúc trong giờ ra chơi.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.