Mở cửa trường học an toàn: Sự thận trọng cần thiết
Mở cửa trường học làm sao cho an toàn trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp là mối quan tâm chung của đông đảo phụ huynh, học sinh cũng như cơ quan chức năng.
Lúng túng việc xác định F1 trong trường học
Thời gian qua, ngành GD-ĐT cả nước đã tổ chức dạy và học thích ứng linh hoạt với dịch COVID-19. Đến thời điểm hiện tại, 100% tỉnh, thành phố đã xây dựng và thực hiện tiêu chí bảo đảm an toàn cho học sinh khi học trực tiếp; xây dựng kịch bản dạy và học linh hoạt, an toàn cho trẻ em, học sinh…
Các đại biểu tham dự cuộc họp tại điểm cầu Đắk Lắk. |
Trong cuộc họp trực tuyến với 63 điểm cầu trong cả nước vào sáng 17/2 do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì, các đại biểu đều cho rằng, việc tổ chức dạy, học trực tiếp là đúng, kịp thời. Tuy nhiên, cũng gặp những khó khăn khi dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương nên rất cần những bước đi thận trọng. Từ đợt bùng dịch thứ tư (ngày 27/4/2021) đến nay cả nước ghi nhận 162.917 cán bộ, nhân viên, giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên nhiễm COVID-19. Đặc biệt, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, khi tổ chức các hoạt động dạy và học trực tiếp, một số địa phương có tỷ lệ giáo viên, học sinh nhiễm COVID-19 tăng mạnh. Cùng với đó, một số địa phương còn có những quan điểm khác nhau về thời gian, thời điểm, cách thức, quy mô cho trẻ em, học sinh đi học trực tiếp. Một số cơ sở giáo dục còn lúng túng khi xử lý các trường hợp học sinh là F0, F1; việc khoanh vùng xác định F1 chưa hợp lý dẫn đến nhiều học sinh phải nghỉ học trên lớp, chuyển sang học trực tuyến; một số địa phương yêu cầu 100% học sinh phải xét nghiệm trước khi đi học trực tiếp…
Đại diện ngành giáo dục TP. Hồ Chí Minh chia sẻ rằng, tỷ lệ học sinh đi học trực tiếp ở các khối lớp đạt khá cao, tuy nhiên, thành phố vẫn lúng túng trong việc xác định F1 khi xảy ra F0 trong trường học, bởi môi trường trường học mang tính chất riêng biệt, nếu có tiếp xúc gần như hướng dẫn của Bộ Y tế là F1 thì tất cả các học sinh trong lớp đều là F1. Do đó, thành phố xác định những học sinh gần, xung quanh F0 mới xem là F1 và được theo dõi sức khỏe theo diện F1; các học sinh còn lại trong lớp là F1 xa, vẫn đi học bình thường nhằm bảo đảm việc dạy và học, ổn định trường học. Hiện có một số học sinh là F0 (trong đó có một số em chưa tiêm vắc xin), nhưng chưa ghi nhận trường hợp nào trở nặng; đây có thể là do đặc tính dịch bệnh và sức đề kháng của các em.
Các trường học tổ chức sát khuẩn tay cho học sinh từ cổng trường theo quy định. |
Cần sớm có hướng dẫn cụ thể
Qua phản ánh thực tế của các địa phương, hầu hết đại biểu tham dự cuộc họp thống nhất quan điểm cần phải xác định vai trò của các bên liên quan trong công tác phòng, chống dịch khi tiếp tục mở cửa trường học trong thời gian tới. Đặc biệt là phải có hướng dẫn khung, cụ thể về cách ứng phó với dịch bệnh bởi thực tế số ca mắc COVID-19 ở học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý trường học tăng sau khi tổ chức dạy và học trực tiếp tại trường nhưng môi trường ở nhà cũng chưa hẳn là an toàn trong bối cảnh này.
Mặt khác, thời gian học trực tuyến kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tâm sinh lý của các em; khiến học sinh, sinh viên không có điều kiện để phát triển toàn diện. Đối với nhóm trẻ từ 5 - 11 tuổi cần có phương án tiếp cận vắc xin một cách an toàn để bảo vệ sức khỏe cho các em. Phụ huynh học sinh vẫn là người sát con mình nhất, nên cần theo dõi sức khỏe của con, nếu có biểu hiện bất thường thì thực hiện test nhanh tại nhà hoặc đến các cơ sở y tế xét nghiệm để có phương án xử trí tốt nhất.
Tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp nên cần có cái nhìn xa hơn về phòng, chống dịch trong trường học. Việc cho học sinh đi học trực tiếp không chỉ là câu chuyện dạy học cho các em mà còn là vấn đề giải quyết việc làm cho giáo viên, nhân viên và ổn định công việc cho phụ huynh. Nhiều phụ huynh vẫn còn ngại khi đưa học sinh đến trường nhưng vẫn có tình trạng trường không tổ chức học bán trú đã gây sức ép cho phụ huynh khi đưa đón con đi học, khi trông con ở nhà. Do đó, cần phải có văn bản cụ thể làm cơ sở chung để các địa phương, cơ sở giáo dục mở cửa trường học an toàn; tổ chức đầy đủ các hoạt động dạy và học hiệu quả, phù hợp với mọi hoàn cảnh.
Giáo viên Trường Tiểu học Ngô Quyền (TP. Buôn Ma Thuột) dẫn học sinh khối 1 vào lớp. |
Thời gian tới, ngành GD-ĐT tiếp tục tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình dạy và học trực tiếp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch tại các địa phương; phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để đánh giá tình hình dịch bệnh trong trường học, kịp thời hướng dẫn xử trí đối với các tình huống phức tạp xảy ra.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, phòng, chống dịch là vấn đề lâu dài, do đó cần phải thực hiện theo tinh thần chủ động, không mất cảnh giác nhưng cũng không cực đoan. Cần nghiên cứu thống nhất quan điểm phòng, chống dịch trên toàn quốc nhưng không cứng nhắc mà áp dụng linh hoạt, dựa vào thực tế tại mỗi địa phương, mỗi cơ sở giáo dục; ngành giáo dục tiếp tục kiện toàn việc dạy học trực tuyến kết hợp trực tiếp. Đặc biệt, Bộ Y tế cần có văn bản cụ thể hướng dẫn việc tổ chức xét nghiệm, việc cách ly F1 trong trường học; cách phòng, chống dịch bệnh khi tổ chức học bán trú…
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc