Multimedia Đọc Báo in

Linh hoạt tổ chức dạy học, ôn tập kiến thức cho học sinh lớp 12

07:14, 12/05/2022

Chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 diễn ra vào đầu tháng 7 tới, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh "tăng tốc" việc dạy học và ôn tập cho học sinh với những hình thức linh hoạt.

Năm học 2021 - 2022, học sinh toàn tỉnh đa phần học gián tiếp. Do đó, ngay khi tổ chức dạy học trực tiếp, các cơ sở giáo dục đã tận dụng tối đa thời gian để bổ sung kiến thức, tập trung hoàn thành kiến thức cơ bản của các môn học cho học sinh, tổ chức ôn tập để thi tốt nghiệp.

Năm học 2021 - 2022, Trường THPT Nguyễn Công Trứ (huyện Krông Pắc) có 11 lớp 12 với 352 học sinh. Hiện tại, các em đã học đến tuần thứ 34 của năm học, dự kiến ngày 30/5 sẽ kết thúc năm học. Nhà trường đang thực hiện song song công tác phòng, chống dịch bệnh và hướng dẫn các tổ bộ môn chọn lọc kiến thức cốt lõi trong chương trình chính khóa, tổ chức ôn tập trực tiếp, trực tuyến một cách linh hoạt, hợp lý. Cụ thể là phân luồng học sinh theo học lực và nguyện vọng để ôn luyện, củng cố kiến thức, phấn đấu một kỳ thi đạt kết quả cao nhất.

Em Đặng Thị Kim Thoa (bìa trái), học sinh lớp 12A5, Trường THPT Võ Văn Kiệt luyện đề cùng bạn trước buổi sinh hoạt ngoại khóa.

Thầy Nguyễn Thành Mai, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, buổi sáng hằng tuần học sinh khối 12 học theo chương trình; buổi chiều tổ chức ôn thi tốt nghiệp với các môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ, tổ hợp các môn tự chọn khoa học xã hội và khoa học tự nhiên.

Theo đánh giá của các cơ sở giáo dục, so với những khóa trước, học sinh khóa 2019 - 2022 thiệt thòi hơn khi dịch bệnh COVID-19 kéo dài từ năm 2020 đến nay đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động dạy học của nhà trường và học sinh. Do đó, bên cạnh việc tạo điều kiện cho học sinh ôn tập, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh còn tổ chức thi thử tốt nghiệp để học sinh làm quen với môi trường phòng thi và đánh giá năng lực thực tế nhằm điều chỉnh việc dạy học phù hợp cũng như hỗ trợ học sinh chọn ngành, chọn trường tiếp tục con đường học tập của mình.

Cô Nguyễn Thị Xuân Hương, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, trường tổ chức ôn tập chung cho học sinh từ đầu năm học. Đến khi có kết quả kiểm tra học kỳ I thì tiến hành phân luồng học sinh theo hai nhóm đối tượng: bổ sung kiến thức cơ bản cho học sinh yếu với mục tiêu thi đỗ tốt nghiệp và bồi dưỡng kiến thức nâng cao cho học sinh khá, giỏi theo từng bộ đề, tài liệu để các em đạt kết quả cao trong xét tuyển vào các trường cao đẳng, đại học. Giữa tháng 4, trường cũng đã tổ chức thi thử để tiếp tục đánh giá năng lực học tập của học sinh, đó cũng là hình thức tập sự cho cán bộ, giáo viên coi thi, lãnh đạo làm công tác hội đồng thi và thí sinh về kỹ năng làm bài, làm quen với môi trường phòng thi.

Ngoài chương trình ôn tập của nhà trường, học sinh khối 12 còn tự học, tự luyện đề theo nhiều cách khác nhau. Em Đặng Thị Kim Thoa, học sinh lớp 12A5, Trường THPT Võ Văn Kiệt (huyện Ea H’leo) tâm sự, ngoài ôn tập để thi học kỳ kết thúc năm học thì em còn tập trung luyện đề. Các đề thi được luyện theo nhiều hình thức khác nhau: học với giáo viên tại trường, luyện đề trên mạng và luyện đề chung với bạn. Việc ôn tập giúp em củng cố kiến thức, còn luyện đề giúp em có sự hình dung cụ thể về cách thức tiếp cận, văn phong bài thi, cách đọc đề, hạn chế tối đa những sai sót có thể gặp phải khi làm bài thi.

Một buổi học của học sinh lớp 12 A5, Trường THPT Nguyễn Công Trứ.

Còn em Quách Diệu Vy, học sinh lớp 12A5, Trường THPT Nguyễn Công Trứ bộc bạch, hình thức học thay đổi liên tục đã gây nên những áp lực không nhỏ đối với học sinh lớp 12. Do đó, ngoài sự nỗ lực của giáo viên thì học sinh cũng cần có sự chuẩn bị tâm lý tốt cũng như tinh thần học tập nghiêm túc. Và rất may mắn, em luôn nhận được sự đồng hành, chia sẻ của thầy cô, gia đình. Điều đó đã giúp em có sự chủ động trong học tập, luôn theo sát chương trình học và học tập với tâm lý thoải mái. Hiện tại, ngoài học ôn các môn thi tốt nghiệp, em còn tự ôn tập theo sách tham khảo các môn khối A (Toán, Lý, Hóa) để tham gia Kỳ thi đánh giá năng lực đợt 2 do Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức vào cuối tháng 5 này với dự định xét tuyển vào Trường Đại học Tài chính – Marketing (TP. Hồ Chí Minh).

Kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi quan trọng nhất trong suốt 12 năm phổ thông. Kết quả kỳ thi không chỉ để xét tốt nghiệp mà còn dùng để xét tuyển vào các trường đại học – cao đẳng trên cả nước. Sự linh hoạt, chủ động trong việc dạy học, ôn tập sẽ giúp mang lại  kết quả tốt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 sẽ diễn ra từ ngày 6 đến ngày 9/7. Theo đó, ngày 6/7, thí sinh đến các điểm dự thi để làm thủ tục và nghe phổ biến Quy chế thi; ngày 7/7, buổi sáng thí sinh dự thi môn đầu tiên là Ngữ văn, buổi chiều thi môn Toán; ngày 8/7, buổi sáng đồng thời thi tổ hợp khoa học tự nhiên và tổ hợp khoa học xã hội, buổi chiều thi môn Ngoại ngữ. Sáng ngày 9/7 là buổi thi dự phòng.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.