Multimedia Đọc Báo in

Chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022: "Nóng" câu chuyện chống gian lận thi cử

08:06, 14/06/2022

Chống gian lận thi cử, bảo đảm an toàn, công bằng cho các thí sinh tham gia kỳ thi là một trong những tiền đề để đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực tương lai. Đây là một trong những nội dung quan trọng làm "nóng" Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2022 do Bộ GD-ĐT tổ chức mới đây.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin

Chỉ còn gần một tháng nữa là hơn 1 triệu thí sinh trên cả nước bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Rút kinh nghiệm từ những kỳ thi trước và trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, số hóa toàn ngành, Chính phủ, Bộ GD-ĐT đã ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể về quy chế, cách thức tổ chức, kế hoạch thanh kiểm tra… Trong đó, có một số điểm mới so với các kỳ thi trước đó là: bắt buộc thí sinh đăng ký dự thi bằng hình thức trực tuyến; đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng sau kỳ thi tốt nghiệp THPT…

Trong nội dung hướng dẫn các nhiệm vụ chính và nội dung cần tập trung chỉ đạo của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, Bộ GD-ĐT chỉ rõ, các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra dữ liệu đăng ký dự thi; tổ chức tập huấn nghiệp vụ thi cho cán bộ, giáo viên làm công tác thi; công tác phối hợp thực hiện đồng bộ bảo đảm an ninh, an toàn, thuận lợi cho cán bộ, giáo viên, thí sinh dự thi; có phương án chủ động với phóng viên để tác nghiệp trong các ngày thi tại tất cả điểm thi… Hội đồng thi lựa chọn cán bộ có năng lực, tinh thần trách nhiệm và ý thức chấp hành pháp luật cao; phối hợp với PA03 để xác minh phẩm chất chính trị của cán bộ, giáo viên tham gia các khâu trọng yếu: in sao, vận chuyển đề thi; ban làm phách, ban chấm thi…

Lực lượng thanh niên tình nguyện tham gia hỗ trợ thí sinh tại một điểm thi ở huyện Krông Pắc năm 2021.

Về cơ sở vật chất, các địa phương chủ động rà soát tổng thể, chú trọng địa điểm in sao đề thi, lưu trữ bài thi của hội đồng thi, làm phách, hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT)… Tại các điểm thi, bố trí phòng thi dự phòng cho thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; xây dựng phương án bảo quản vật dụng của thí sinh bảo đảm khoảng cách tối thiểu 25 m. Về vấn đề này, đại diện Bộ Công an đã đưa ra các thông tin hết sức thuyết phục. Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) thông tin, kỳ thi năm nay đã tăng cường ứng dụng CNTT trong nhiều khâu. Điều này đòi hỏi cơ sở dữ liệu liên quan đến kỳ thi, đặc biệt là trên môi trường mạng cần được đảm bảo an toàn đồng bộ tất cả các giai đoạn. Vật dụng, đồ dùng cá nhân của thí sinh để cách phòng thi càng xa càng tốt, bởi qua rà soát trên thị trường, nhiều thiết bị công nghệ cao có thể thu phát sóng trong vòng 25 m.

 

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại Đắk Lắk có 20.455 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, có 1.524 thí sinh chỉ xét tốt nghiệp, 759 thí sinh xét đại học, 18.172 thí sinh thi tốt nghiệp và tuyển sinh.

Phối hợp chặt để phòng, chống gian lận

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 diễn ra trong thời gian ngắn (hai ngày chính thức là 7 và 8/7) trên phạm vi toàn quốc với quy mô rất lớn, cả về số thí sinh và chủ thể tham gia tổ chức. Từ tính chất, bối cảnh và tầm quan trọng của kỳ thi cho thấy việc tổ chức kỳ thi cần phải có sự nhất quán, đồng bộ trên cả nước nhằm bảo đảm công bằng cho thí sinh tham dự kỳ thi. Bộ Công an cũng khuyến cáo, không nên cho thí sinh mang thiết bị ghi âm, ghi hình không có chức năng phát sóng vào phòng thi vì việc đánh giá thiết bị có chức năng phát sóng hay không rất khó. Bộ GD-ĐT cần tiếp tục tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trước kỳ thi, đặc biệt là việc nghiêm cấm thí sinh sao chụp đề thi trong thời gian làm bài và gửi ra ngoài bởi vì đây là hành vi làm lộ bí mật Nhà nước.

Về phương án để đồ dùng của học sinh cách xa phòng thi 25 m, các điểm thi có thể mượn các trường học, nhà dân lân cận để vật dụng của thí sinh dưới sự giám sát của lực lượng chức năng. Các địa phương cũng kiến nghị: cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc đeo khẩu trang của thí sinh, giám thị, không sử dụng loại khẩu trang có van bởi khẩu trang có van dễ gắn các thiết bị phát sóng và khó phát hiện.

Một điểm phát cơm và nước uống miễn phí cho thí sinh tại huyện Krông Pắc tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2019. Ảnh: Thanh Đoàn

Việc phòng, chống gian lận thi cử là vấn đề khó, đòi hỏi sự phối hợp giữa các ngành, đơn vị và cả thí sinh. Chỉ thị số 06/CT-TTg, ngày 27/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2022 đã nêu rõ: Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm toàn diện về tổ chức kỳ thi của địa phương: bảo đảm an toàn, nghiêm túc, chất lượng trong công tác tổ chức đăng ký dự thi, in sao đề thi, coi thi, chấm thi, thanh tra, kiểm tra, công bố kết quả thi, phúc khảo bài thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT; bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương để tổ chức kỳ thi… Trường hợp phát sinh tình huống bất khả kháng cần xử lý kịp thời, phù hợp thực tế, bảo đảm quyền lợi tối đa cho thí sinh…

Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho kỳ thi. Thanh tra Chính phủ chỉ đạo thanh tra các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cử người tham gia ban chỉ đạo cấp tỉnh và các đoàn thanh tra, kiểm tra kỳ thi của địa phương.

Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, toàn tỉnh có 32 điểm thi, 951 phòng thi trên địa bàn 15 huyện, thị xã, thành phố. Hiện tại, ngành giáo dục địa phương đã hoàn thành các dữ liệu, kiểm tra, điều chỉnh thông tin của thí sinh theo đúng thời gian quy định. Sở đang phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị thi, cơ sở vật chất tại các điểm thi, địa điểm in sao đề thi, chấm thi, công tác lựa chọn nhân sự…

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.