Multimedia Đọc Báo in

Sẵn sàng cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022

07:13, 24/06/2022

Chỉ còn khoảng hai tuần nữa, Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 (gọi tắt là kỳ thi) sẽ diễn ra đồng loạt trên cả nước với sự tham gia của hơn 1 triệu thí sinh. Tỉnh Đắk Lắk đã tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế thi.

Chuẩn bị chu đáo về mọi mặt

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 sẽ được tổ chức vào ngày 7 và 8/7. Ngày 6/7, thí sinh sẽ đến phòng thi làm thủ tục dự thi, đính chính sai sót (nếu có) và nghe phổ biến Quy chế thi, lịch thi. Ngày 9/7 là ngày thi dự phòng.

Theo ngành giáo dục, đây là năm thứ ba Bộ GD-ĐT có chủ trương giao cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm toàn diện tổ chức kỳ thi tại địa phương. Thực hiện nhiệm vụ trên, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai công tác chuẩn bị từ sớm theo đúng quy định.

Cụ thể là thành lập Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại tỉnh Đắk Lắk với sự tham gia của 38 thành viên đến từ UBND tỉnh, các sở, ngành, đơn vị liên quan. Ban Chỉ đạo thi đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên nhằm quán xuyến toàn diện công tác chuẩn bị một cách chu đáo từ cơ sở vật chất, nhân lực, phương án tổ chức cụ thể tại địa phương cũng như hỗ trợ tối đa cho thí sinh dự thi... Ngoài ra, UBND tỉnh còn ban hành kế hoạch tổ chức kỳ thi nhằm xác định nội dung, phương án cụ thể để kỳ thi diễn ra đúng quy chế Bộ GD-ĐT đưa ra.

Ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tỉnh kiểm tra khu vực y tế tại điểm thi Trường THPT Buôn Đôn.

Là đơn vị chủ trì tổ chức kỳ thi tại địa phương, Sở GD-ĐT đã chủ động thực hiện công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, nhân sự, tập huấn cho các cán bộ lãnh đạo hội đồng thi, cán bộ coi thi cũng như thông tin đến học sinh, phụ huynh… về kỳ thi. Đồng thời, hướng dẫn các cơ sở giáo dục hoàn thành chương trình môn học và tăng cường ôn tập cho học sinh lớp 12; tổ chức đăng ký dự thi cho thí sinh, sắp xếp phòng thi theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT; thành lập các hội đồng thi, điểm thi chính thức, điểm thi dự phòng; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để lựa chọn nhân sự tham gia vào các khâu trọng yếu của kỳ thi…

 

“Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 của tỉnh cơ bản bảo đảm đúng tiến độ, hướng dẫn Quy chế thi của Bộ GD-ĐT và chưa phát sinh trường hợp bất thường” - ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết.

Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, toàn tỉnh có hơn 20 nghìn thí sinh đã đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT 2022. Căn cứ vào số lượng thí sinh, tỉnh đã chuẩn bị 32 điểm thi chính thức, 38 điểm thi dự phòng. Tổng số cán bộ làm nhiệm vụ tại Hội đồng thi là 2.741 người gồm: 234 người là lãnh đạo hội đồng; 2.160 người là cán bộ coi thi và giám sát; 347 cán bộ an ninh, y tế, phục vụ. 

Chủ động phòng, chống gian lận thi cử

Kết quả thi là căn cứ để công nhận tốt nghiệp và đăng ký xét tuyển, do đó công tác phòng, chống gian lận thi cử là một nhiệm vụ quan trọng hiện nay. Theo đó, Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đang tập trung kiểm tra, rà soát cơ sở vật chất của các điểm thi; tham mưu UBND tỉnh phương án phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong bối cảnh bình thường mới; thành lập ban vận chuyển và in sao đề thi; thành lập các tổ công tác thanh tra kỳ thi; tổ chức công tác in sao đề, coi thi, chấm thi, phúc khảo, xét công nhận tốt nghiệp; phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố để thực hiện tốt công tác nhân sự tại các khâu trọng yếu của kỳ thi…

Học sinh Trường THPT Ea Súp ôn tập chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Theo phân cấp, Công an tỉnh có nhiệm vụ lập kế hoạch và triển khai thực hiện công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho kỳ thi; chủ trì chỉ đạo các hoạt động bảo đảm an ninh, an toàn cho các khâu của kỳ thi, đặc biệt là đối với công tác in sao đề thi, vận chuyển, bàn giao, lưu trữ đề thi, bài thi và xử lý các tình huống về an ninh, an toàn, bảo mật… phát sinh trong kỳ thi.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.