Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật - Khởi nghiệp cho học sinh trung học: Đề cao tính sáng tạo và ứng dụng thực tiễn
Được tổ chức định kỳ hằng năm, cuộc thi Khoa học, kỹ thuật – Khởi nghiệp dành cho học sinh trung học giúp học sinh có cơ hội phát triển năng lực, sáng tạo, ứng dụng kiến thức đã học vào thực tiễn.
Khơi dậy đam mê sáng tạo
Năm học 2023 - 2024, Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật – Khởi nghiệp dành cho học sinh trung học ghi nhận sự tham gia của 170 dự án của 329 học sinh và 170 giáo viên hướng dẫn, đến từ các trường THCS của 15 phòng GD-ĐT và 55 trường THPT trên địa bàn tỉnh.
Các dự án thuộc nhiều lĩnh vực như: Khoa học động vật, khoa học xã hội và hành vi, phần mềm hệ thống, năng lượng vật lý, kỹ thuật môi trường, hóa học, toán học, khoa học thực vật, hệ thống nhúng, y học chuyển dịch, rô bốt và máy thông minh, vật lý và thiên văn…
Trong đó, nhiều dự án mang tính ứng dụng, có giá trị thực tiễn, được Ban giám khảo đánh giá cao. Tiêu biểu có thể kể đến dự án “Nghiên cứu khả năng tạo thức ăn cho chim yến (Aerodramus fuciphagus) từ ruồi lính đen làm tăng hiệu quả trong nhà nuôi chim yến”, thuộc lĩnh vực khoa học động vật, do hai học sinh Đào Nguyễn Ngọc Linh (lớp 12B1) và Phạm Quang Minh Khuê (lớp 10A7) đến từ Trường THPT Ngô Gia Tự (huyện Ea Kar) thực hiện.
Theo thầy Đào Xuân Dũng (giáo viên hướng dẫn dự án), hiện nay việc nuôi chim yến mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Tuy vậy vẫn có những khó khăn trở ngại trong việc xử lý phân, cũng như khi thời tiết khắc nghiệt, nguồn thức ăn cho chim yến rất khan hiếm dẫn đến giảm sút về sản lượng, số lượng bầy đàn. Từ những xuất phát thực tiễn đó, các học trò đã tiến hành nghiên cứu, đưa ra những ý tưởng, giả định, lập thí nghiệm để thực hiện dự án.
Học sinh Trường THPT Ngô Gia Tự (huyện Ea Kar) với dự án “Nghiên cứu khả năng tạo thức ăn cho chim yến (Aerodramus fuciphagus) từ ruồi lính đen làm tăng hiệu quả trong nhà nuôi chim yến” giành giải Nhất tại Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật – Khởi nghiệp dành cho học sinh trung học năm học 2023 - 2024. |
Em Phạm Quang Minh Khuê chia sẻ, dự án triển khai theo một vòng tuần hoàn khép kín. Đầu tiên dùng phân chim yến ủ men vi sinh IMO và cho ấu trùng ruồi lính đen ăn, sau 20 ngày sẽ thu được nhộng ruồi lính đen.
Tiếp đó, tiến hành tách nhộng ruồi lính đen sang hộp xốp và có thêm cát, sau một thời gian ruồi lính đen phát triển, bay lên sẽ làm thức ăn cho chim yến. Mục tiêu của dự án nhằm tạo được thức ăn cho chim yến từ xử lý phân trong nhà yến bằng ruồi lính đen và men vi sinh IMO làm nâng cao hiệu quả nhà nuôi chim yến. Qua đó tăng khả năng phân giải phân chim yến, giảm mùi, hạn chế vi sinh vật có hại.
Dự án “Xây dựng bộ công cụ lập kế hoạch tự động và quản lý học tập cho học sinh phổ thông” thuộc lĩnh vực phần mềm hệ thống, do hai em Lê Trần Đăng Khoa (lớp 11A1) và Phạm Ngọc Thiên Thư (lớp 11A5) đến từ Trường THCS - THPT Đông Du thực hiện cũng có giá trị thực tiễn cao.
Lê Trần Đăng Khoa cho biết, nhận thấy việc các bạn học sinh lập kế hoạch, quản lý học tập rất khó khăn, dự án đã xây dựng được công cụ lập kế hoạch tự động, học sinh có thể theo dõi tiến độ học tập của mình. Bên cạnh đó, khi giáo viên cung cấp thông tin thời khóa biểu, phân phối chương trình, hệ thống sẽ tự động cập nhật để học sinh có thể theo dõi bài học...
Sân chơi bổ ích cho học sinh
Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Tường Hiệp, hoạt động nghiên cứu khoa học và cuộc thi khoa học, kỹ thuật được tổ chức định kỳ hằng năm nhằm khuyến khích học sinh nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật, công nghệ, giải quyết các vấn đề thực tiễn. Đồng thời góp phần đổi mới hình thức tổ chức dạy học và đánh giá kết quả học tập theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học, thúc đẩy giáo viên nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao chất lượng dạy học trong các trường trung học.
Đến nay, phong trào nghiên cứu khoa học và cuộc thi khoa học, kỹ thuật được triển khai sâu rộng trong các trường trung học trên địa bàn tỉnh, hoạt động nghiên cứu khoa học trở nên gần gũi với học sinh, giáo viên, lan tỏa từ thành phố đến tận vùng sâu, vùng xa.
Em Đào Nguyễn Ngọc Linh (Trường THPT Ngô Gia Tự) chia sẻ, tham gia cuộc thi, em cảm nhận không khí hào hứng, tinh thần đam mê học hỏi, khả năng sáng tạo của các bạn học sinh trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là dịp em có cơ hội gặp gỡ, mở rộng hiểu biết, giao lưu học hỏi để từ đó trau dồi bản thân và nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Tường Hiệp (giữa) cùng thành viên Ban tổ chức cuộc thi Khoa học, kỹ thuật – Khởi nghiệp dành cho học sinh trung học năm học 2023 - 2024 tìm hiểu các dự án tham gia cuộc thi. |
Thời gian qua, thông qua các cuộc thi, đã có nhiều dự án xuất sắc và đạt thành tích ấn tượng. Đơn cử có thể kể đến năm học 2021 - 2022, dự án “Thiết kế, chế tạo máy hút dịch chanh dây bán tự động” của học sinh Trường THCS - THPT Đông Du đã vinh dự được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn là một trong 7 dự án tham dự Hội thi Khoa học, kỹ thuật quốc tế.
Năm học 2022 - 2023, dự án “Sử dụng trí tuệ nhân tạo để xây dựng ứng dụng ASDOPBOCXR hỗ trợ chẩn đoán bệnh viêm phổi do COVID-19 dựa trên X-quang ngực” đến từ Trường Tiểu học, THCS và THPT Hoàng Việt giành giải Nhì tại Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia.
Tại Chung kết Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V (năm 2023), học sinh Đắk Lắk có 3 dự án tham gia và đã xuất sắc giành 3 giải Nhất, Nhì, Ba (trong đó giải Nhất thuộc về dự án “Sản xuất bột đất nặn sinh học từ vỏ trái thanh long” của các học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn); Đắk Lắk được ghi nhận là đơn vị có thành tích tốt nhất ngày hội (khối phổ thông)…
Năm học 2023 - 2024, trong số 170 dự án tham gia cuộc thi Khoa học, kỹ thuật – Khởi nghiệp dành cho học sinh trung học, ban tổ chức đã trao 114 giải thưởng cho các dự án xuất sắc, mang tính thực tiễn cao. Qua đó nhằm kịp thời ghi nhận, động viên các tập thể, các cá nhân đã tích cực, nỗ lực triển khai thực hiện giáo dục STEM và tổ chức cho học sinh nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong năm qua.
Huyền Diệu
Ý kiến bạn đọc