Multimedia Đọc Báo in

Lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông theo 9 tiêu chí

17:47, 06/03/2024

UBND tỉnh vừa ra Quyết định số 709/QĐ-UBND về việc ban hành Tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa (SGK) trong cơ sở giáo dục phổ thông (GDPT) trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, việc lựa chọn SGK căn cứ vào 9 tiêu chí, được chia làm 3 nhóm. Cụ thể, với nhóm tiêu chí phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương, việc lựa chọn SGK phải có nội dung đảm bảo tính kế thừa, phù hợp với văn hóa, lịch sử, địa lý của địa phương và cộng đồng dân cư; có tính mở, tạo điều kiện để giáo viên có thể linh hoạt bổ sung những nội dung tích hợp, lồng ghép gắn với thực tiễn của địa phương.

SGK trình bày hấp dẫn, cân đối, hài hòa giữa kênh chữ và kênh hình; đảm bảo tính thẩm mỹ, phù hợp với đặc trưng của môn học và đặc điểm văn hóa, lịch sử của địa phương; tạo hứng thú học tập cho học sinh. Chất lượng sách (giấy in, khổ sách, cỡ chữ, font chữ…) tốt, bền, đẹp để sử dụng lâu dài, giá thành hợp lý, phù hợp với điều kiện kinh tế của cộng đồng dân cư tại địa phương.

Đối với nhóm tiêu chí phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở GDPT, nội dung SGK phải đảm bảo tính chính xác, khoa học, hiện đại; có tác dụng thúc đẩy học tập tích cực, chủ động, phát huy tư duy sáng tạo, độc lập của học sinh; chú trọng đến việc rèn luyện cho học sinh khả năng tự học, tự tìm tòi kiến thức, bồi dưỡng phẩm chất, năng lực, vận dụng kiến thức thông qua giải quyết nhiệm vụ học tập đặt ra trong mỗi bài học.

Nhân viên Nhà sách Giáo dục hỗ trợ phụ huynh học sinh chọn mua sách giáo khoa.
Nhân viên Nhà sách Giáo dục hỗ trợ phụ huynh học sinh chọn mua sách giáo khoa.

Các bài học/chủ đề trong SGK được thiết kế, trình bày với đa dạng các hoạt động, tạo điều kiện cho giáo viên linh hoạt lựa chọn hình thức tổ chức và phương pháp dạy học tích cực; nội dung, chủ đề kiến thức phong phú, đa dạng giúp giáo viên có thể dạy học tích hợp, lồng ghép, gắn kết nội dung bài học với thực tiễn cuộc sống.

Nội dung SGK thể hiện các yêu cầu cụ thể, giúp giáo viên có thể đánh giá được mức độ cần đạt về phẩm chất, năng lực của học sinh cũng như đánh giá được kết quả giáo dục; mục đích, yêu cầu, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá nêu trong bài học phải liên quan chặt chẽ với nhau.

Nội dung SGK có thể triển khai thực hiện có hiệu quả với điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và những điều kiện dạy học khác tại địa phương; giúp nhà trường và giáo viên tự chủ, linh hoạt, sáng tạo trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục dưới sự hướng dẫn của các cơ quan quản lý giáo dục địa phương.

Ở nhóm tiêu chí khác cũng đề ra lựa chọn SGK phải căn cứ vào việc nhà xuất bản có nguồn tài nguyên, học liệu điện tử bổ sung cho nội dung SGK đa dạng, phong phú, hữu ích, dễ khai thác; danh mục thiết bị dạy học kèm theo SGK phù hợp, có chất lượng, dễ sử dụng.

Nhà xuất bản có phương pháp để hỗ trợ đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý trong việc tiếp cận và nắm bắt đầy đủ thông tin của SGK đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018, phương thức sử dụng SGK thuận lợi và hiệu quả; có khả năng cung ứng, phát hành SGK đầy đủ, kịp thời, đáp ứng yêu cầu của tổ chức dạy học trong mỗi cơ sở giáo dục.

Lan Anh
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.