Đưa nông sản vào vùng dịch tiêu thụ: Tại sao không?
Dư luận thời gian qua rất quan tâm đến những khó khăn trong các vùng dịch phải cách ly toàn diện, mà mấu chốt là làm sao bảo đảm cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân. Phải chăng đây là cơ hội cho những địa phương có sản lượng nông sản lớn như Đắk Lắk trong hướng kết nối đưa nông sản kịp thời vào vùng phong tỏa?
Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, mới đây Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ trên toàn địa bàn trong vòng 14 ngày, kể từ ngày 4-8 đến hết ngày 17-8-2021. Riêng TP. Buôn Ma Thuột và huyện Cư Kuin tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 cho đến hết thời gian quy định (ngày 7-8).
Song song diễn tiến này, Đắk Lắk cũng đối diện áp lực vào vụ mùa nông sản. Báo cáo của ngành nông nghiệp cho thấy, địa phương dự tính sẽ có hơn 103.000 tấn sầu riêng và khoảng 40.000 tấn bơ phải thu hoạch, tổ chức tiêu thụ trong vài tháng tới. Cao điểm đầu mùa mưa, các loại trái cây đặc trưng này của tỉnh sẽ đồng loạt chín rộ; ngoài ra, còn một lượng lớn các loại rau củ quả, nhất là các loại rau quả thực phẩm dinh dưỡng không có điều kiện bảo quản và chế biến trong dân. Điều này đặt ra yêu cầu phải tìm nguồn tiêu thụ rất cao cho nông dân.
Ngành công thương Đắk Lắk cho biết đã lên kế hoạch kết nối với các đầu mối thị trường, tìm kiếm các chuỗi cung ứng để chủ động giúp nông dân tìm đầu ra cho các loại nông sản, song do dịch bệnh, tiến trình xúc tiến vẫn gặp rất nhiều trở ngại. Một lượng lớn nông sản, rau củ Đắk Lắk không thể thuận tiện đưa về tiêu thụ ở khu vực phía Nam, do phần lớn các tỉnh thành đều đang phải “khóa cửa chống dịch”, tạm cắt đứt nhiều chuỗi cung ứng.
Theo một số chuyên gia tư vấn, hướng tháo gỡ vướng mắc này, chỉ có thể là địa phương cần chủ động tìm kênh cung ứng, đưa nông sản vào thẳng vùng dịch, vừa đáp ứng nhu cầu người dân tại chỗ đang rất cần được phục vụ nguồn thực phẩm, rau quả tươi, vừa giải quyết lượng hàng hóa nông sản có thể bị ùn ứ trong nông dân.
Sầu riêng ở một số địa phương của Đắk Lắk đang bước vào thu hoạch rộ. Ảnh: Minh Thuận |
Bài học từ tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi những ngày qua cho thấy, kênh kết nối cho hướng thương mại này là các hiệp hội, tổ chức địa phương ở vùng dịch. Chẳng hạn, để hỗ trợ người dân gốc Quảng tại vùng dịch TP.Hồ Chí Minh và vùng phụ cận, Hội đồng hương Quảng Nam đã chủ động kết nối chính quyền và Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam, nghiên cứu đưa luồng hàng hóa rau củ từ Quảng Nam vào vùng dịch. Việc phối hợp tổ chức các xe chở nông sản từ vùng quê vào vùng dịch thật ra không có nhiều trở ngại, chỉ cần xác định “một hành trình hai điểm đến”.
Theo đó, chỉ cần đặt một bãi tập kết tuân thủ tốt các yêu cầu phòng dịch tại khu vực đông đồng hương Quảng Nam là có thể đưa ngay nông sản vào, sau đó phân phối lại theo từng nhóm đơn hàng cho các khu dân cư, chung cư… tại chỗ. Hiện nay, Quảng Nam, Quảng Ngãi đều đang từng bước triển khai cách làm này.
Kinh nghiệm này, đối chiếu với Đắk Lắk là rất khả thi để triển khai, bởi có rất nhiều đơn vị vận tải, kinh doanh nông sản địa phương vốn có quan hệ kết nối tiêu thụ, có bãi tập kết ở TP. Hồ Chí Minh. Khi thông qua các tổ chức hiệp hội, như hội nông dân, hội đồng hương, các đơn vị này có thể cung ứng được nông sản vào vùng dịch với trách nhiệm phòng dịch triệt để. Việc này còn giúp chính người dân tại TP. Hồ Chí Minh có thể mua được rau củ tươi, nông sản Tây Nguyên có chất lượng với giá cả hợp lý, tránh bị các đầu nậu thương mại tăng giá.
Nguyên Đức
Ý kiến bạn đọc