Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh
Đợt dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát đã tác động tiêu cực đến khu vực doanh nghiệp (DN) khiến hoạt động của các DN trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, ảnh hưởng lớn đến kinh tế địa phương và cả nước.
Doanh nghiệp đối mặt nhiều khó khăn
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT), tính đến tháng 7-2021, cả nước có khoảng 840.000 DN đang hoạt động. Tuy nhiên, trong 7 tháng năm 2021 có 79.673 DN rút khỏi thị trường (tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020); có 28.038 DN chờ làm thủ tục giải thể (tăng 28,6%); 11.384 DN đã hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 27,4%). Ở Đắk Lắk, tính đến ngày 30-6, trên địa bàn tỉnh có 10.781 DN đang hoạt động. Sở KH-ĐT cũng thống kê trong 6 tháng đầu năm đã giải quyết thủ tục đăng ký thành lập mới cho 573 DN dân doanh, bằng 42,44% kế hoạch, giảm 19,75% so với cùng kỳ; số DN giải thể, tạm ngừng kinh doanh tăng 8,87%.
Sản phẩm chuối xuất khẩu của Công ty Cổ phần KD Green Farm (huyện Krông Pắc). |
Những con số trên cho thấy dịch bệnh COVID-19 đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Ông Đinh Xuân Hà, Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, dịch bệnh diễn biến phức tạp đã khiến nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế của tỉnh bị tác động tiêu cực cả trực tiếp lẫn gián tiếp, đặc biệt là xuất khẩu, vận tải giảm mạnh do nhiều thị trường nước ngoài đóng cửa. Nhiều DN, cơ sở sản xuất ít có đơn hàng mới và bị giãn tiến độ giao hàng, sức tiêu thụ chậm. Hơn nữa, việc hạn chế đi lại đối với các tỉnh có dịch cũng gây khó khăn cho một số DN trong kinh doanh vận chuyển hàng hóa và hành khách.
Ông Huỳnh Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Miền Trung, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh cho hay, đợt dịch lần thứ tư này kéo dài và phạm vi quá rộng nên thiệt hại sẽ nhiều hơn những lần trước. Nhiều DN phá sản, tạm dừng hoạt động kéo theo hàng triệu lao động mất việc làm.
“Sắp tới, Chính phủ sẽ có nghị quyết về hỗ trợ, phát triển DN trong điều kiện hiện nay, đồng thời sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn cho DN”. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
|
Những khó khăn, thách thức mà hiện nay nhiều DN trên địa bàn tỉnh phải đối mặt đó là: tổng cầu giảm mạnh khiến các đơn hàng, hợp đồng, sản lượng đều sụt giảm; doanh thu của DN giảm mạnh khiến dòng tiền vào bị thiếu hụt nghiêm trọng dẫn đến gặp khó khăn trong việc trang trải các khoản chi phí duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh; chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, đội chi phí giá thành sản xuất; chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu bị gián đoạn, đình trệ cục bộ; khó khăn về lao động và nhập cảnh cho chuyên gia; khó khăn về tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Đặc biệt là vấn đề đơn giản hóa các thủ tục, đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, nhất quán trong thực thi triển khai các quy định, chính sách phòng, chống dịch trên toàn quốc...
Cần nỗ lực và sẻ chia
Tuy đại dịch COVID-19 tác động nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng cộng đồng DN, doanh nhân đã và đang nêu cao tinh thần chia sẻ đồng hành cùng đất nước, nỗ lực thích ứng với hoàn cảnh khó khăn để duy trì sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động.
Nhằm hỗ trợ và sẻ chia cùng DN, Chính phủ đã có nhiều chính sách như: gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất; giảm các loại phí, lệ phí và một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19...
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Huỳnh Văn Dũng, để DN có thể phát triển ổn định, trước tiên phải lo cho người lao động, họ cần sớm được tiêm phòng vắc xin ngừa COVID-19 để DN duy trì sản xuất. Bên cạnh đó, hiện nay các chính sách hỗ trợ vẫn còn hạn chế và chưa có tác động mạnh mẽ. Áp lực hiện nay của các DN chính là việc làm của người lao động. Năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, nhiều DN rất khó khăn, không có chi phí để trả lương cho người lao động hay đóng bảo hiểm xã hội… Vì vậy, các DN trên địa bàn tỉnh đã kiến nghị tiếp tục giãn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, tiền thuê đất đến cuối năm 2021; giãn nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đến cuối năm 2021...
Nhiều DN cũng đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương những vấn đề cụ thể cần giải quyết liên quan đến các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 như: kiểm soát giao thông, lưu thông hàng hóa, nhập cảnh của chuyên gia; về các chính sách, nhất là vốn; về cải cách hành chính; sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp lý còn chồng chéo, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN; về hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo cho DN...
Công nhân sản xuất tại nhà máy của Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Miền Trung. |
Về các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các doanh nhân, đại diện DN, các hiệp hội DN và bộ, ngành, địa phương để lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho DN diễn ra vào ngày 8-8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: Chính phủ đang nỗ lực, làm hết sức có thể để cân đối vĩ mô hợp lý, hài hòa, phù hợp điều kiện hoàn cảnh của đất nước. Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các Phó Thủ tướng, các bộ, ngành, địa phương, đồng thời tiếp tục thực hiện phân quyền, phân cấp, gắn với trách nhiệm người đứng đầu và thực hiện kiểm tra, giám sát.
Đối với các vấn đề cụ thể, Thủ tướng giao: Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành thực hiện hiệu quả chiến lược vắc xin. Bộ KH-ĐT tiếp tục nắm tình hình, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng đưa ra giải pháp kịp thời về tháo gỡ khó khăn, phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ Tài chính khẩn trương triển khai giải pháp miễn giảm thuế, phí, nhanh chóng hỗ trợ người dân và DN. Bộ Giao thông vận tải xây dựng các giải pháp bảo đảm lưu thông hàng hóa. Bộ Thông tin và Truyền thông thúc đẩy các biện pháp công nghệ trong phòng, chống dịch. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đôn đốc thực hiện các giải pháp hỗ trợ người lao động, DN. Bộ Công thương nhanh chóng kết nối tiêu thụ hàng hóa. Bộ NN-PTNT bảo đảm đầy đủ hàng hóa lương thực, nguyên liệu phục vụ sản xuất và dân sinh. Các địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch linh hoạt, bảo đảm cho DN duy trì sản xuất, kinh doanh. Các tổ chức, Hiệp hội DN phát huy, chia sẻ với DN cùng nhau vượt qua khó khăn...
Khả Lê
Ý kiến bạn đọc