Đắk Lắk đề nghị tỉnh Gia Lai phối hợp quản lý, bảo vệ rừng giáp ranh
UBND tỉnh vừa có công văn đề nghị UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp, kiểm tra ngăn chặn vi phạm Luật Lâm nghiệp tại khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai
Theo UBND tỉnh, trong thời gian qua tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp tại vực giáp ranh giữa Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Ea Sô (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) với huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) còn xảy ra và diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, khả năng phát sinh điểm nóng mới về khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật tại các khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh.
Gần đây nhất, vào các ngày 23 và 24-8 lực lượng kiểm lâm Khu BTTN Ea Sô tuần tra, kiểm tra phát hiện 13 xe máy độ chế đang vận chuyển gỗ từ trong lâm phần Khu BTTN Ea Sô ra tuyến đường rừng trồng của công ty MDF Vinafor Gia Lai, lực lượng kiểm lâm Khu BTTN Ea Sô đã bắt giữ được 2 đối tượng, thu giữ 2 máy cưa, 2 khẩu súng, 6 xe máy. Quá trình xử lý vụ việc, nhiều đối tượng còn tụ tập chống đối, đe dọa lực lượng kiểm lâm
Lực lượng chức năng kiểm tra hiện trường một vụ phá rừng ở Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ea Sô. |
Để kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi xâm hại rừng, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng giáp ranh giữa hai tỉnh, UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị UBND tỉnh Gia Lai xem xét, chỉ đạo các ngành chức năng của tỉnh (Công an, Kiểm lâm, UBND huyện Krông Pa) tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản, quản lý dân cư tại khu vực giáp ranh với tỉnh Đắk Lắk.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với lực lượng Kiểm lâm, các cơ quan chức năng và các đơn vị chủ rừng của tỉnh Đắk Lắk để tổ chức và duy trì thường xuyên lực lượng tuần tra, truy quét, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp tại khu vực rừng giáp ranh giữa hai tỉnh.
Được biết, khu vực giáp ranh giữa khu BTTN Ea Sô với huyện Krông Pa nằm trên địa bàn hai xã Ea Dreh và Krông H’Năng có chiều dài ranh giới tiếp giáp gần 24 km, thuộc các tiểu khu 616, 617, 618, 621 có tổng diện tích rừng khoảng hơn 4.371,18 ha. Rừng ở đây phân bố nhiều loài gỗ nguy cấp, quý hiếm như: trắc, cẩm lai, giáng hương, cà te, căm xe…
Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc