Multimedia Đọc Báo in

Khởi nghiệp trên quê hương

06:48, 08/09/2021

Bằng ý chí và khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, những năm gần đây, nhiều đoàn viên, thanh niên ở thị trấn Phước An (huyện Krông Pắc) đã tìm được hướng khởi nghiệp đúng đắn, hiệu quả.

Đến thăm cơ sở sản xuất, chế biến nông sản của gia đình chị Huỳnh Ngọc Hiền (tổ dân phố 11), mọi người đều ngưỡng mộ trước cơ ngơi mà vợ chồng chị tạo dựng được.

Chị Hiền chia sẻ: "Lớn lên ở mảnh đất này, tôi nhận thấy nông dân trong vùng trồng khá nhiều mãng cầu nhưng phần lớn để làm hàng rào bao quanh rẫy chứ chưa sử dụng để làm cây trồng phát triển kinh tế. Trong khi đó, các sản phẩm làm từ loại quả này khá được ưa thích trên thị trường. Từ thực tế này, tôi nảy sinh ý tưởng sơ chế sản phẩm nông nghiệp sẵn có như mãng cầu, sầu riêng để tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của địa phương”.

Sau khi có ý tưởng, vợ chồng chị Hiền đã tích cực nghiên cứu, khai thác thị trường nông sản nguyên liệu, tìm đầu ra cho sản phẩm và thành lập Công ty TNHH Thương mại Gia Nguyễn vào năm 2015. Trung bình mỗi năm, công ty thu mua, chế biến hơn 200 tấn nông sản các loại như mãng cầu, sầu riêng, chanh dây. Sản phẩm được sơ chế, cấp đông để xuất đi làm nguyên liệu đầu vào cho các công ty ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Hiện nay, cơ sở sản xuất của chị Hiền tạo việc làm cho hơn 100 lao động, trong đó có trên 30 lao động thường xuyên là thanh niên địa phương với mức thu nhập 5 - 6 triệu đồng/tháng.

Nhiều lao động trẻ làm việc tại cơ sở sản xuất của chị Huỳnh Ngọc Hiền.

Với mong muốn nâng cao giá trị hạt cà phê mà gia đình cũng như người dân trong vùng làm ra, sau nhiều năm làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, chị Nguyễn Thị Thảo Uyên (tổ dân phố 2) đã trở về địa phương, quyết tâm học hỏi, thực nghiệm để đưa sản phẩm cà phê đến với người tiêu dùng.

 
Từ phong trào khởi nghiệp, nhiều bạn trẻ đã xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, nâng cao đời sống, tạo việc làm cho nhiều lao động trẻ địa phương, góp phần thu hút, tập hợp thanh niên tham gia tổ chức Đoàn, thúc đẩy phong trào Đoàn tại địa phương phát triển”.
 
Anh Trần Đức Hậu, Bí thư Đoàn thanh niên thị trấn Phước A

Năm 2017, từ nguồn vốn của gia đình cộng với vay mượn, vợ chồng chị Uyên đầu tư khoảng 300 triệu đồng để mua một máy rang xay và xây dựng xưởng chế biến cà phê. Sản phẩm mà chị muốn đưa ra thị trường là cà phê nguyên chất hoàn toàn, không pha trộn tạp chất cũng như các hương liệu tạo mùi, tạo màu.

Vượt qua những khó khăn ban đầu về khâu tiếp cận thị trường, sản phẩm cà phê của chị Uyên được mọi người tin tưởng, ủng hộ. Từ quy mô nhỏ chỉ sản xuất cà phê sẵn có của gia đình, phân phối cho các quán cà phê, đến nay cơ sở sản xuất Cà phê Uyên Phương của chị đã liên kết với các hộ dân trong vùng, bình quân mỗi năm phân phối ra thị trường trên 150 tấn cà phê thành phẩm, thu về lợi nhuận hơn 1,5 tỷ đồng.

Chủ trương khuyến khích, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp ở thị trấn Phước An đã và đang trở thành hướng đi đúng đắn. Nhiều thanh niên đã lựa chọn ở lại, trở về quê hương, dốc sức lực và trí tuệ khai phá tiềm năng, thế mạnh địa phương, làm ra những sản phẩm độc đáo, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Anh Trần Đức Hậu, Bí thư Đoàn thị trấn cho biết: “Trong những năm gần đây, phong trào khởi nghiệp trên địa bàn đã có nhiều khởi sắc. Nhiều bạn trẻ với tư duy đổi mới, có kinh nghiệm làm việc từ các công ty, tập đoàn lớn trở về địa phương, vận dụng kiến thức để xây dựng nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, tạo ra được thu nhập cho bản thân cũng như việc làm cho nhiều thanh niên, đặc biệt là thanh niên dân tộc thiểu số”.

Xưởng sản xuất cà phê của chị Nguyễn Thị Thảo Uyên.

Đa số đoàn viên, thanh niên trên địa bàn có ý tưởng khởi nghiệp nhưng còn thiếu vốn, khoa học kỹ thuật, đặc biệt là kỹ năng chuyển ý tưởng thành mô hình để sản xuất kinh doanh thực tế. Qua nắm bắt khó khăn, Đoàn thị trấn đã khảo sát nguyện vọng, nhu cầu của thanh niên để từ đó có kế hoạch hỗ trợ.

Bên cạnh hỗ trợ vay vốn ưu đãi, tuyên truyền về phong trào khởi nghiệp, cổ vũ, động viên thanh niên tự tin trong lao động, sản xuất, Đoàn thị trấn còn quan tâm tổ chức các chương trình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, các giải pháp khởi nghiệp từ việc phát huy thế mạnh địa phương cho thanh niên và tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo khả thi để tư vấn, huy động nguồn lực hỗ trợ.

Bên cạnh đó, đơn vị đã xây dựng kênh tương tác trên các trang mạng xã hội để đăng thông tin tìm kiếm lao động, tiếp thị, quảng cáo sản phẩm của thanh niên địa phương.

 

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.