Multimedia Đọc Báo in

Thắt chặt chi tiêu thời COVID-19

06:57, 21/09/2021

Ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến nguồn cung một số loại hàng hóa bị gián đoạn, việc vận chuyển, đi lại cũng khó khăn hơn, giá một số loại hàng hóa có tăng nhẹ. Điều này càng tạo thêm áp lực chi tiêu cho người tiêu dùng.

Giá nhiều mặt hàng tăng

Theo Cục Thống kê tỉnh, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8-2021 trên địa bàn tỉnh tăng 0,35% so với tháng trước. Nguyên nhân chủ yếu là do nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,89%, trong đó nhóm hàng lương thực tăng 2,82%, nhóm hàng thực phẩm tăng 0,82%, nhóm giao thông tăng 0,47%…

Cụ thể, chỉ số giá gạo tẻ ngon tháng 8-2021 tăng 5,4% so với tháng trước, tương đương mức tăng 912 đồng/kg; gạo tẻ thường tăng 4,89%, tương đương mức tăng 631 đồng/kg. Sản lượng gạo nhập về giảm, trong khi người tiêu dùng mua nhiều hơn so với tháng trước. Đối với các mặt hàng thực phẩm thì trứng gà có tỷ lệ tăng 8,35%; giá trứng vịt tăng 8,25%. Giá một số loại rau, đậu tăng cao do nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng mạnh. Trong đó, giá bắp cải trắng tăng 20,8%; su hào tăng 7,9%; đậu cô ve tăng 5,8%; cà rốt tăng 10,7%; cà chua tăng 11,9%, gừng tươi tăng 28,4%, hành khô tăng 8,71%. Giá các loại mặt hàng gia vị cũng tăng nhẹ so với tháng trước, như giá bột ngọt tăng 1,6%, đường trắng kết tinh tăng 1,36%. Riêng các mặt hàng thực phẩm đóng gói bằng hộp công nghiệp tăng mạnh so với trước, chẳng hạn thịt heo hộp tăng 8,03%, thịt bò hộp tăng đến 11,31%.

Người tiêu dùng chọn mua hàng hóa thiết yếu tại Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột.

Theo ghi nhận, tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, rau xanh bán ra tại chợ chủ yếu có nguồn cung từ các vựa rau của địa phương, nguồn cung đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu khan hiếm. Riêng các loại củ, quả phần lớn nhập từ tỉnh ngoài vào, thời gian gần đây giá có tăng mạnh do chi phí vận chuyển tăng cao và không phong phú như thời điểm trước khi xảy ra dịch. Chị Nguyễn Thị Phương Hậu, chủ một quầy thực phẩm tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột cho hay, nhu của người dân tập trung vào nhóm thực phẩm tiêu dùng là chính, hàng về chợ tiêu thụ khá nhanh. Một số mặt hàng lương thực, thực phẩm bị gián đoạn tạm thời do chuỗi cung ứng, các mặt hàng nhập từ TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai về bị “đứt”.

Nguyên nhân giá tăng là do tình hình dịch bệnh ảnh hưởng đến nguồn cung, vận chuyển khó khăn, chi phí vận chuyển cao, trong khi nhu cầu tiêu thụ, dự trữ lương thực, thực phẩm tiêu dùng trong gia đình của người dân tăng mạnh. Ông Bùi Quang Hòa, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Cư M’gar cho hay, đối với thực phẩm tươi sống cung ứng tại chỗ ở địa phương thì nguồn cung bảo đảm. Riêng các mặt hàng thực phẩm công nghệ do nơi khác sản xuất, vận chuyển về Đắk Lắk tiêu thụ thì nguồn cung bị gián đoạn, không còn dồi dào như trước, nhất là ở một số mặt hàng như: đồ hộp, một số loại mì tôm…

Người tiêu dùng tìm cách xoay xở

Diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 đã tạo không ít áp lực tài chính đối với nhiều người. Trong khi đó giá cả hàng hóa tăng càng khiến chi tiêu của nhiều gia đình bị ảnh hưởng. Ứng phó với tình hình trên, người tiêu dùng chọn cách siết chặt hơn các khoản chi tiêu để vượt qua khó khăn trước mắt. Chị Phạm Thị Ngân (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, giá hàng hóa tăng, trong khi nhu cầu tiêu dùng nhiều hơn buộc chị phải tự điều chỉnh lại việc mua sắm, ưu tiên các mặt hàng thiết yếu có chương trình giảm giá, khuyến mãi. Tương tự, bà Nguyễn Thị Linh (phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, trong điều kiện khó khăn khiến bà cân nhắc hơn trong việc đi chợ. Thời gian trước, bà thường xuyên đi chợ, siêu thị và mua sắm rất nhiều đồ dùng. Nay thì cứ 3 - 5 ngày, bà đặt mua hàng một lần và chỉ mua những món hàng thật sự cần thiết, hạn chế mua mặt hàng thịt, cá, thực phẩm công nghệ và thay thế bằng loại thực phẩm khác, tăng cường các loại rau xanh, trái cây.

Người dân ưu tiên chọn mua các mặt hàng thiết yếu có chương trình giảm giá, khuyến mãi.

Bà Phan Thị Cư, tiểu thương chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột chia sẻ, giá bán ra cao không chỉ gây khó cho người mua mà còn cả người bán. Lợi nhuận trong kinh doanh thời điểm này không nhiều, đó là chưa kể rủi ro lây nhiễm bệnh COVID-19.

Nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế cho rằng, tiết kiệm chi tiêu là hệ quả tất yếu của tình hình dịch bệnh gia tăng. Người tiêu dùng sẽ nghĩ nhiều đến việc dự phòng rủi ro, hạn chế những khoản chi tiêu không thật sự cần thiết… Điều này khiến người dân thay đổi thói quen sinh hoạt tiêu dùng và tiết kiệm chi tiêu để thích ứng phù hợp. Những giải pháp tiết kiệm chi tiêu của các gia đình là cần thiết nhằm tăng tính chủ động đối phó với dịch bệnh của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.